1. Giải thích nhận định:
Hiện thực của đất nước ta từ 1945 đến 1975 là hiện thực của những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng cuộc sống mới đi lên chủ nghĩa xã hội của. Hiện thực đó đã tạo nên cho dân tộc Việt Nam một vóc dáng nổi bật: vóc dáng người chiến sĩ luôn trong tư thế chủ động chiến đấu chống kẻ thù, vóc dáng của con người mới xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động mới hoà quyện tạo nên vẻ đẹp của con người dân tộc Việt Nam. Và điều này đã làm nên hơi thở, sức sống của văn học thời kì 1945 - 1975.
2. Chứng minh.
a. Hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: họ là những con người ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và nổi bật với lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, với tình đồng đội cao cả, sắt son, tinh thần lạc quan...
- Họ là những con người ở mọi tầng lớp, lứa tuổi như: người nông dân mặc áo lính (Đồng chí của Chính Hữu), những chàng trai trí thức vừa rời ghế nhà trường (Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật), những cô thanh niên xung phong (Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê), là em bé liên lạc (Lượm của Tố Hữu)...
- Họ là những người lính, người chiến sĩ có lòng yêu nước sâu sắc, có ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. (dẫn chứng)
- Hoàn cảnh sống chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ song họ luôn có tinh thần lạc quan và tình đồng chí, đồng đội cao đẹp... (dẫn chứng)
b. Hình ảnh người lao động mới: họ xuất hiện với tư cách là những người làm chủ cuộc sống mới, họ lao động, cống hiến một cách hăng say, hào hứng, sẵn sàng hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì những lí tưởng cao cả và tương lai đất nước.
- Người lao động trong "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy cận mang nhịp thở tươi vui, hăm hở, hoà mình cùng trời cao biển rộng: họ ra khơi với niềm hân hoan trong câu hát, với ước mơ trong công việc, với niềm vui thắng lợi trong lao động. Đó là những con người mang tầm vóc vũ trụ, hăm hở ra khơi bằng tất cả sức lực và trí tụê của mình.(Dẫn chứng).
- "Lặng lẽ SaPa" của Nguyễn Thành Long mang nhịp thở của người lao động mới với phong cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lí tưởng, say mê, miệt mài trong công việc, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp (Dẫn chứng)
3. Đánh giá, bình luận:
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã đáp ứng được những yêu cầu của lịch sử và thời đại. Ở ngoài tiền tuyến khói lửa là hình ảnh của những người lính dũng cảm, kiên cường. Nơi hậu phương là những người lao động bình dị mang nhịp thở của thời đại mới. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động đã kết tinh thành sức mạnh của con người và dân tộc Việt Nam thế kỉ XX. Các tác giả văn học thời kì này họ đồng thời vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là người lính, người chiến sĩ, người lao động cầm bút để ngợi ca về con người dân tộc Việt với niềm say mê và tự hào. Họ đã làm nên vẻ đẹp và sức sống mới cho văn học Việt Nam.
LÀM BÀI :
Như chúng ta biết, văn học luôn gắn liền với lịch sử, phản ánh cả quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Đất nước Việt Nam trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng. Ở đó, có những con người đã làm nên cả một thời đại, một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của hòa bình, độc lập; những con người được tái hiện, được khắc họa rõ nét trong những trang thơ.
Thơ Việt Nam nói chung và thơ ca kháng chiến 1945 – 1975 nói riêng đã phản ánh sự bùng nổ toàn diện sức mạnh tiềm tàng của dân tộc trước vận hội của lịch sử được tích tụ qua nhiều thế kỷ. Sức mạnh ấy được kết tinh bởi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, tính đoàn kết của nhân dân ta. Và, không thể không nhắc đến tinh thần cách mạng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc mà ở đó hình tượng người lính đã tạc vào trái tim bao thế hệ con người hôm nay và mai sau với những gì đẹp đẽ nhất, ấn tượng nhất của thời đại.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học thời kỳ này cũng phát triển mạnh và trở thành vũ khí chiến đấu sắc bén với đề tài chiến tranh, viết về chiến tranh cách mạng. Thơ ca cũng lấy đề tài đó cho cảm hứng sáng tạo, ca ngợi những con người anh hùng – người lính, người mẹ, người chị và người thanh niên xung phong… Tất cả hiện lên với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và mọi dân tôc trên đất nước này. Hình tượng người lính, người chiến sĩ cách mạng - anh bộ đội cụ Hồ mang vẻ đẹp tiêu biểu cho cả thời đại, mang trong mình lý tưởng cách mạng chói ngời, những phẩm chất anh hùng cao cả.
Vâng! Chiến tranh đã lùi xa, chúng ta sống trong thời bình và nhìn nhận lại quá khứ, nhận thấy rằng lịch sử đã để lại cho đời những mẫu người không dễ gì gặp lại hôm nay. Hình tượng người chiến sĩ nổi bật vẻ đẹp tâm hồn, tính cách, tình cảm và tư tưởng cách mạng. ; những con người trẻ trung, bình dị và giàu tình cảm.
“Có một suối thơ chảy từ gần gũi,
Ra xa xôi, và lại đến gần quanh.
Một suối thơ lá ngọt với hoa lành,
Nói trong xóm và giỡn cười dưới phố”
(Nguồn thơ mới – Xuân Diệu)
Cảm hứng ngợi ca và chất men say lãng mạn cùng những tư tưởng lành mạnh về cuộc chiến tranh nhân dân càng thấm sâu trong tim người cầm súng. Họ là những chiến sĩ Vệ quốc quân, là những nông dân ngày đầu mặc áo lính mang đậm nét duyên quê mộc mạc, đậm đà chân tình nhưng với cả lòng quyết tâm và tự nguyện. Buổi đầu ấy Hồng Nguyên có kể: “Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến”(Nhớ - 1948) nhưng trong họ tiềm ẩn một sức mạnh phi thường, chí khí anh hùng, một niềm tin, một tấm lòng tươi trẻ. Ra đi, các anh bỏ lại sau lưng tất cả những gì yêu thương nhất, bỏ lại sau lưng hình ảnh người mẹ già, vợ hiền và em thơ; bỏ lại “giếng nước, sân đình, cây đa bến cũ” và những mối tình hò hẹn. Lời tâm sự của một người lính:
“Ba năm rồi gửi lại quê hương
Mái lều tranh, tiếng mõ đêm trường
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya”
Hình ảnh của anh chiến sĩ Vệ quốc quân hiền lành, đáng yêu: “Anh chiến sĩ hiền lành/ Tì tay lên mũi súng”. Chính các anh là người chủ động đánh giặc bằng tinh thần, ý chí bất khuất và lòng quyết tâm cao độ, đánh giặc mà với vũ khí đôi khi chỉ là: “Lột sắt đường tàu/ Rèn thêm dao kiếm/ Áo vải chân không/ Đi tìm giặc đánh” (Nhớ - Hồng Nguyên). Hay tâm thế hiên ngang, kiên cường, mạnh mẽ của người chiến sĩ thể hiện trong mấy câu thơ sau: “Tao là giải phóng/ Tao không biết hàng/ Bắn tao cứ bắn” (Sống chết quang vinh – Nguyễn Thành Vân)…
Sự hy sinh cao cả cũng là một biểu hiện của phẩm chất anh hùng : “Chống tay tôi đứng/ Không được nữa rồi/ Chân tôi giập nát/ Tôi cắn vành môi/ Tôi nhìn khẩu súng/ Như nhìn người thân/ Súng ơi đến lúc/ Ta cần hy sinh” (Sống chết quang vinh – Nguyễn Thành Vân). Sự hy sinh ấy không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn là sự kìm nén nỗi đau về tinh thần khi mất đi những người thân yêu nhất:
“Thôi em nằm lại giữa đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên
Trời chiến trường không một phút bình yên
Súng nổ gấp. Anh lên đường đánh giặc
Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên”
Mất em là anh mất tất cả, nhưng cuộc chiến hãy còn dài, anh gác lại tình riêng để lên đường ra trận vì tương lai của dân tộc, của đất nước. Nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) trong “Bài thơ về hạnh phúc” đã nén tình cảm riêng tư, chôn chặt niềm đau cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng: “Lấy nỗi đau vô cùng làm sức mạnh vô biên”
Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng là hình ảnh của anh bộ đội cụ Hồ - người lính Giải phóng quân – những con người đứng ở tầm cao thời đại. Vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp của một tâm hồn cao cả, của một trái tim giàu lòng yêu thương đối với quê hương đất nước, dân quân đồng đội, với “hậu phương” thân yêu.
“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông” hay: “Ôi yêu quá, mấy cây dừa trước ngõ/ Rễ dừa nâu, mườn mượt gân tơ/ Đường lạnh ráo, đất lên màu tươi mởn/ Đã yêu rồi sao bỗng thấy yêu hơn” (Nhớ mưa quê hương – Lê Anh Xuân). Mẹ là nguồn sức mạnh trực tiếp nuôi dưỡng cho con, mẹ cũng là biểu tượng của hậu phương, đất nước; vì thế không gì vui sướng hơn khi được tâm sự với mẹ: “Cho con xin bắt đầu từ mẹ/ Để nói về chúng con/ Lớp tuổi hai mươi, ba mươi điệp trùng áo lính/ Xanh màu áo lính/ Đã từng sung sướng/ Đã từng ngọt ngào/ Được làm con của mẹ/ Được ra trận những năm đất nước mình khốc liệt” và không hạnh phúc nào hơn khi hàng triệu triệu người con đều được mẹ chăm sóc, dẫu đôi khi chỉ gặp mẹ một lần duy nhất trên đường hành quân: “Con no rồi mẹ cứ giục ăn thêm/ Lúc con đi mẹ dò đường thật kỹ/ Và dặn mãi: Nhớ coi chừng bọn Mỹ/ Mấy hôm rày còn phục giữa đồi Dâu” (Mẹ chẳng thể nào nhớ nổi con đâu – Dương Hương Ly)
Tình yêu đất nước là tình cảm lớn nhất, chưa bao giờ Tổ quốc được đặt ở tầm cao như thế; tiếng gọi thiêng liêng “Tổ quốc” đã thúc giục bước chân người lính, họ lên đường với vũ khí tinh thần duy nhất là ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ giang sơn đất Việt dẫu chỉ còn hơi thở cuối cùng. Trên trang viết của mình, nhà thơ đã tạo nên sự tương phản nghệ thuật giữa cái êm dịu và lửa đạn thời chiến, giữa cái bình dị và cái cao cả. Một vầng trăng dịu êm vượt lên quầng lửa chiến tranh, một chùm hoa lặng lẽ trong hương thầm. Khát vọng hòa bình là mong ước chung của hết thảy mọi người. Tố Hữu đã ca ngợi hình ảnh người lính trong mấy câu thơ: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm/ Khoét núi ngủ hầm/ mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn”.
Thơ ca giai đoạn này viết về sự hy sinh nhiều hơn là cái chết, không rơi vào mềm yếu tủi hờn mà là ngợi ca cái chết oanh liệt, cái chết trở thành bất tử, cái chết để gây mầm cho sự sống: “Khi người lính tan vào mặt đất/ Là cuộc đời chảy mãi như dòng sông”, cái chết tạc nên dáng hình đất nước của anh giải phóng quân giữa đường băng Tân Sơn Nhất được Lê Anh Xuân khắc họa trong mấy câu thơ: “Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng” (Dáng đứng Việt Nam). Cái chết hiên ngang của người chiến sĩ và dáng đứng Việt Nam có mối liên hệ tương đồng sâu xa. Tác giả đã hoàn thiện bức tranh về “anh” bằng bút pháp nhân hóa, đấy là lúc: “Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm/ Vẫn đàng hoàng nổ súng tấn công”; dáng đứng của anh là dáng đứng của đất nước hôm nay vời vợi, tuyệt trần: “Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Hình tượng “anh” đã đi vào lịch sử đất nước và con người Việt như một bức tranh chói lọi. Khi viết về hình ảnh người chiến sĩ, các nhà thơ không miêu tả cụ thể chân thực những chi tiết thực tế, mà có khuynh hướng khái quát hóa từ cái riêng tư ấy nâng lên tầm cao, đại diện cho cả dân tộc, thời đại; trang viết đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn.
Trong chiến tranh, sự sống và cái chết luôn đan cài vào nhau, tổn thất đau thương được xoa dịu bởi lòng tin chiến thắng. Với lời thơ giàu tính hiện thực và lãng mạn, nhà thơ xây dựng nên hình ảnh bao con người trẻ tuổi, hào hùng và cao quý. Lý tưởng cách mạng đã giúp người anh hùng có thêm nghị lực, sẵn sàng đón nhận khó khắn, hiểm nguy về mình để dành phần sống cho dân tộc, đất nước:
“Tất cả thứ này tôi thử hết
Trong đấu tranh sống chết lẽ thường
Tôi cầm súng cứu nhà, cứu nước
Giải phóng miền Nam tôi chỉ có một đường”
Tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân được biểu hiện trong giao tiếp hằng ngày và trong chiến đấu. Một người ngã xuống là hàng loạt người đứng lên tiếp bước trả thù, muôn trái tim hòa chung một mối. Trong bài thơ “Viếng bạn” – Hoàng Lộc viết: “Hôm qua còn theo anh/ Đi qua đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ… Ở đây ô gỗ ván/ Vùi anh trong tấm chăn/ Của đồng bào Cửa Ngăn/ Tặng tôi ngày phân tán”. Ở đây, “tấm chăn” chính là kỷ vật của đồng bào, đồng chí xin gửi xuống mồ, ở nơi xa xôi ấy, người lính đã khuất hẳn sẽ cảm thấy ấm lòng bởi vì thấy được an ủi, sẻ chia và sưởi ấm bằng tình đồng đội. Đó cũng là tình cảm cao cả, đáng quý trọng.
Tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng, niềm tin vào “ngày mai” tươi sáng của đất nước cũng là hành trang giúp cho người chiến sĩ luôn vững chắc tay súng trong cuộc chiến không cân sức với kẻ thù: “ Từ trong đổ nát hôm nay/ Ngày mai sẽ đến từng giây từng giờ/ Ngày mai rộn rã sơn khê/ Ngược xuôi tàu chạy bốn bề lưới giăng”. Niềm tin ấy giúp người chiến sĩ sống lạc quan, yêu đời, những giấy phút bình yên sau cuộc chiến họ lại: “Kỳ hộ lưng nhau bên bờ cát trắng/ Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa” (Hồng Nguyên) với tất cả tinh thần chủ động tự tin của những tâm hồn trẻ trung: “Không có kính ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật). Hay: “Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao/ Dù đạn bom man rợ thét gào/ Dù thân thể triền miên mang đầy thương tích/ Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch/ Thì ta vẫn thường hái hoa tặng nhau” (Cuộc đời vẫn đẹp sao – Dương Hương Ly). Họ “hái” và trao cho nhau bông hoa của niềm tin và sức mạnh chiến đấu, họ truyền lửa cho nhau, trao nhau hơi ấm của tình thân, tình đồng đội…
Qua những trang thơ, chúng ta phần nào hiểu thêm về cách nhìn, cách cảm và cách nghĩ của con người trong chiến tranh, thấy được bản chất cách mạng của người chiến sĩ. Thơ kháng chiến là bom rơi, đạn nổ, là đại bác gầm rung nhưng đó cũng là tiếng lòng đồng vọng, là khát khao hòa bình, hạnh phúc. Chất trữ tình và chất anh hùng ca hòa vào tâm hồn thơ, trong mỗi câu thơ, ý thơ và bài thơ. Chính vì thế, sức sống và giá trị trường tồn của thơ ca không phải chỉ vì đó là tiếng nói của thời đại lịch sử mà còn là tiếng nói của những trái tim – những phong cách thơ tiêu biểu. Thơ kháng chiến 1945 – 1975 đã phát hiện được tư thế, tượng đài người lính (người chiến sĩ cách mạng) – linh hồn của hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Các anh hội tụ đủ những phẩm chất, tâm hồn, tính cách và hành động tiêu biểu của những người con anh hùng dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, ký ức về người chiến sĩ – những con người làm nên lịch sử vẫn còn đọng mãi trong tâm trí người đọc, ấy là nhờ thành tựu của thơ ca Việt Nam, đặc biệt là thơ ca kháng chiến 1945 – 1975.