Năm Canh Tý đã qua đi, năm Tân Sửu đang đến. Năm mới cũng là năm có nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt cả nước đang hân hoan chào đón một mùa xuân mới - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bắt tay thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Nhìn lại năm qua, có thể nói, chưa bao giờ, "con thuyền" đất nước phải đương đầu với thử thách, sóng gió dữ dội đến vậy. Đại dịch Covid-19 đảo lộn cả thế giới với mức độ chưa từng có trong lịch sử hiện đại nhân loại. Từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý, khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở nước láng giềng, chúng ta còn chưa hình dung hết một "cơn cuồng phong Covid-19" đang hình thành thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận thức rõ nguy cơ đại dịch cận kề.
Chính vì thế, vào mồng 3 Tết, khi người dân cả nước còn đang tận hưởng cái Tết sum vầy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập gấp cuộc họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để kích hoạt hệ thống phòng dịch. Lời kêu gọi "chống dịch như chống giặc" được đưa ra và tần suất họp thường xuyên hơn theo mức độ đại dịch lan rộng. Thủ tướng thường xuyên đi kiểm tra, thị sát tại những địa bàn trọng điểm, tuyến đầu chống dịch Covid-19 để nắm bắt thực tế và có những chỉ đạo kịp thời nhất, chạy đua với thời gian, không bỏ sót nguồn lây với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa, kiên quyết khoanh vùng, dập dịch", "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng". Những mệnh lệnh đó đã trở nên nổi tiếng, đi vào lòng người trong trận chiến không giới tuyến này. Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ: Chúng ta xác định chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân. Điều này được toàn dân đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ. Ngay cả khi đã kiểm soát thành công dịch, Thủ tướng cũng thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, toàn dân không chủ quan trước dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp "5K"…
Chưa bao giờ hai chữ "Việt Nam" được thế giới nhắc tới nhiều đến thế. Càng trong khó khăn, ý chí, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam càng được tôi luyện. Chưa bao giờ tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" của chúng ta lại được phát huy cao độ đến vậy. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, không những chúng ta chủ động tự sản xuất những trang thiết bị, vật tư y tế phòng dịch, mà còn hỗ trợ các nước một số chủng loại vật tư y tế phòng dịch thiết yếu. Nghĩa cử cao đẹp này được thế giới đánh giá rất cao.
Những ngày tháng sôi sục đó, chúng tôi được chứng kiến sức làm việc không mệt mỏi của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo khắc phục mọi trở ngại, tổ chức các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài, coi đó là "mệnh lệnh của trái tim", là "nghĩa đồng bào, tình đồng chí". Thật xúc động khi chứng kiến những cô bác, những người mẹ bế con nhỏ trong những bộ đồ bảo hộ, sau một hành trình dài đầy gian truân, hạnh phúc trào nước mắt khi được Tổ quốc giang rộng vòng tay đón về. Qua đối phó đại dịch Covid-19, chúng ta càng thấy rõ hơn tính nhân văn, nhân ái, đoàn kết của người Việt Nam, tính ưu việt của hệ thống y tế công lập nước ta. Có bệnh nhân người nước ngoài nhiễm Covid-19 rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi nhưng được chúng ta hết lòng chữa khỏi đã xúc động nói: "Cảm ơn Việt Nam nhiều lắm. Nếu ở một nơi nào khác trên Trái đất này thì chưa chắc tôi đã được cứu sống".
Điều quan trọng là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn trong cả hai đợt dịch, với những hình thức khoanh vùng, cách ly hợp lý, vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa linh hoạt, không để các hoạt động kinh tế - xã hội gián đoạn, đứt gãy. Đối với những khu vực bị cách ly thì cuộc sống của người dân vẫn được quan tâm, bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu năm qua không chỉ là phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng nhiều lần khẳng định mạnh mẽ: nếu chỉ kiểm soát dịch Covid-19 thì chúng ta mới đạt được một nửa mục tiêu. Chính vì vậy, Chính phủ "chấp nhận đương đầu thử thách, chọn phần khó khăn" là kiên quyết thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh thành công, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Thường trực Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã dành thời lượng khá lớn ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách của nền kinh tế vượt qua dông bão. Với những chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, trong cao điểm dịch bệnh, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, sản xuất, kinh doanh vẫn phát triển, giá cả ổn định, các nhu yếu phẩm vẫn cung ứng đủ cho người dân. Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện những gói giải cứu kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ an sinh xã hội với mức chi kỷ lục chưa từng có để "không để ai bị bỏ lại phía sau"; chỉ đạo giảm giá một số dịch vụ thiết yếu như điện, nước…
Trong những thời điểm khó khăn đó, Thủ tướng liên tục có những chỉ đạo cần thiết, tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề quan trọng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển trong "trạng thái bình thường mới". Thủ tướng nhấn mạnh trong "nguy" có "cơ": Dịch Covid-19 đã làm thay đổi thế giới, chúng ta cũng nhân dịp này nỗ lực biến "nguy" thành "cơ", tận dụng mọi lợi thế của Việt Nam như sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, chú trọng thị trường nội địa, tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh cải cách hành chính, đưa các thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tăng cường tổ chức họp, hội nghị qua hình thức trực tuyến; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số… Nhờ sớm kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam có điều kiện để duy trì phát triển kinh tế - xã hội ổn định. Chúng ta kiên định "mục tiêu kép" và đã hoàn thành, đạt "thắng lợi kép". Không chỉ dừng ở đó, Thủ tướng luôn truyền cảm hứng mạnh mẽ về khát vọng đất nước phát triển phồn vinh, cường thịnh khi chúng ta đang hướng tới năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, và năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam).
Dưới lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, của toàn dân, đồng thời nhờ chúng ta kiểm soát dịch Covid-19 thành công trong cả hai đợt, năm qua, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP xấp xỉ 3%, là quốc gia hiếm hoi tăng trưởng dương ở khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, khu vực vĩ mô ổn định; xuất siêu đạt hơn 19,1 tỷ USD, mức cao kỷ lục chưa từng có trong nhiều năm; dự trữ ngoại hối tăng mạnh; các chỉ tiêu an sinh xã hội được giữ vững; an ninh quốc phòng, chủ quyền đất nước được giữ vững... Năm 2020 có thể xem là năm thành công nhất trong 5 năm nhiệm kỳ đại hội về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tương lai đất nước, cơ đồ dân tộc được củng cố và vun đắp. Những thành tựu trên càng khẳng định tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Trong suốt nhiệm kỳ qua, Chính phủ luôn vì dân, lo cho dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, luôn đồng hành cùng nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, luôn tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Trong những cuộc hội đàm, cuộc tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà lãnh đạo, nguyên thủ, chính khách, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn trên thế giới đều nhiệt liệt chúc mừng, bày tỏ ngưỡng mộ kỳ tích của Việt Nam trong kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, coi Việt Nam là hình mẫu học tập về phòng, chống đại dịch, là quốc gia, điểm đến an toàn. Chính vì vậy, trong cơn bão Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã cơ cấu và dịch chuyển cơ sở sản xuất, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Năm qua cũng là năm thiên tai khốc liệt, "bão chồng bão, lũ chồng lũ" chưa từng có trong lịch sử, nhất là ở khu vực miền trung, gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an. Trong bộn bề công việc, Thủ tướng vẫn ưu tiên dành nhiều thời gian chỉ đạo, thị sát và họp bàn giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai, không để bất cứ người dân nào bị đứt bữa, không bị lâm vào cảnh "màn trời, chiếu đất". Trong khó khăn lại ngời sáng hơn tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của dân tộc Việt Nam.
Năm 2020 cũng là năm để lại dấu ấn to lớn của Việt Nam đối với quốc tế khi chúng ta đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, bắt đầu thực hiện vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đại dịch khiến việc tổ chức các sự kiện của Năm Chủ tịch ASEAN phải tiến hành trực tuyến, song dưới sự điều hành của Việt Nam, nhất là vai trò của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp cao quan trọng. Đặc biệt là với nỗ lực rất lớn của Việt Nam, các nước ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ dân, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu.
Bằng ý chí kiên cường, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả Cộng đồng ASEAN, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác và tay lái vững vàng của "thuyền trưởng" Việt Nam, nhìn lại, chúng ta tự hào tuyên bố Năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công "toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất", một đỉnh cao thắng lợi mới của đường lối đối ngoại đa phương của Ðảng, góp phần đưa vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế lên một tầm cao mới. Đó là thành công về chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua, số lượng hơn 550 cuộc họp, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN. Chúng ta cũng thành công trong quảng bá hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định phát triển thịnh vượng. Ðiều này tiếp thêm sức mạnh để chúng ta tự tin và chủ động tiếp tục thắng lợi trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Việt Nam không còn chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thỏa thuận đã cam kết, mà trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch Covid-19.
Năm mới đem lại không khí tràn trề lạc quan và hy vọng, đồng thời đặt ra cho chúng ta không ít thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng một mùa xuân mới với nhiều triển vọng tươi sáng phía trước. Kế thừa thành quả của 35 năm đổi mới, việc thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng từ năm đầu là tiền đề quan trọng để Việt Nam phấn đấu đạt thành tựu lớn hơn trong những năm tiếp theo.