Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nghĩ cho cùng Lặng lẽ Sa Pa là một bức chân dung. Phân tích truyện Lặng lẽ Sa Pa để làm rõ điều đó

Nghĩ cho cùng lặng lẽ sa pa là một bức chân dung phân tích truyện lặng lẽ sa pa để làm rõ điều đó 

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
542
2
3
Thiên sơn tuyết liên
04/03/2021 16:13:11
+5đ tặng
Nguyễn Thành Long viết truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa trên một chuyến xe khách lên vùng cao. Xây dựng truyện ngắn này, ông cố tình nêu lên chủ đề: “Sa Pa không chỉ là một sự yên tĩnh. Bên dưới sự yên tĩnh ấy, người ta làm việc”. Sau đó ông rút lại: “Nghĩ cho cùng, Lặng lẽ Sa Pa là một bức chân dung.”
Từ hình tượng, chân dung của nhân vật chính, chúng ta có đủ cơ sở làm rõ nhận định của nhà văn.
 
Ra mắt bạn đọc truyện ngắn này trong tập Giữa trong xanh, xuất bản năm 1972, sau đó ông viết bài “Trường hợp viết Lặng lẽ Sa Pa” để trình bày rõ thêm nguyên nhân đưa đến cảm hứng sáng tác. Ở vùng núi đồi chập chùng này có nhiều con người, phụ trách nhiều ngành nghề khác nhau, cùng góp phần làm phong phú cuộc sống chung. Điều đáng nói là họ làm việc tận tình sôi nổi, tích cực giữa không gian yên tĩnh ấy. Trong số những con người âm thầm làm việc đó, có một chàng thanh niên với nhiều nét độc đáo. Ông gọi đó là “Bức chân dung” vì anh là người ý thức đầy đủ trách nhiệm, rất yêu nghề, yêu cuộc sống, giàu tình người. Bức chân dung do nhà nghệ thuật tạo hình có công dựng nên qua ngọn bút điêu luyện. Chàng trai ấy, cũng như những con người âm thầm làm việc giữa núi rừng, có nhiều nét độc đáo. Một khía cạnh đáng ghi nhận là anh sông, làm việc một mình trên trạm khí tượng, đỉnh Yên Sơn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Cho nên có người cường điệu cho rằng, đó là “con người cô độc nhất thế gian”. Bức chân dung ấy, được nhà văn giới thiệu như thế này:

 
“Một thanh niên hai mươi bảy tuổi! Đây là đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét. Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu”.
 
Với tuổi đời hai mươi bảy đầy nhựa sống, nhà khoa học chấp nhận tìm đến một nơi vắng vẻ để làm việc là điều hiếm thấy. Vì lứa tuổi ấy biết bao trai tráng đang hưởng thụ, trụy lạc nơi ánh sáng đô thành. Chàng trai đặc biệt chọn nơi sống và làm việc rất độc đáo, nơi: “Bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Anh sống trong một căn nhà ba gian chung quanh đủ các loại máy móc đo đạc.

 
Nơi “bốn bề” suốt ngày vi vu tiếng thông reo, gió rít. Một nơi thiên nhiên khắc nghiệt “lạnh lẽo” triền miên. Ngoài những báo cáo định kì, bằng số liệu chính xác, anh còn: “Dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”.
 
Chỉ một thân, một bóng, vậy mà chàng trai nuốt trôi cả khối công việc: “đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất”. Mặt khác, anh còn “phục vụ sản xuất” và “phục vụ chiến đấu”. Anh đã góp phần tạo cuộc sống ổn định của bà con nông dân. Anh đã góp công bắn rơi máy bay phản lực Mỹ. Chính vì vậy nên nhà họa sĩ rất hài lòng khi xác nhận đúng đối tượng để ông sáng tác. Do đức tính siêng năng, yêu nghề nên chàng trai mới chấp nhận sống, làm việc giữa núi rừng yên lặng đó.

 
Chàng trai còn tỏ rõ thái độ vô cùng quý yêu cuộc sống, cho dù công việc vất vả, gian khổ, anh tâm tình với bác họa sĩ: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất.”
 
Tình cảm anh dành cho công việc chẳng khác gì tình cảm của thanh niên khác dành cho tình nhân. Nhiệm vụ dù “gian khổ” giữa thiên nhiên mênh mông, nhưng anh vẫn gắn bó, đằm thắm, nồng nàn.

 
Nghe anh tâm sự “cháu buồn đến chết mất” có lẽ nhà họa sĩ hài lòng lắm. Vì ông đã bắt gặp một bức chân dung ưng ý, thiết tha yêu nghề. Thử hỏi cùng lứa tuổi như anh, được bao nhiêu người nói như thế?
 
Chàng trai lại ý thức đầy đủ, sâu sắc về công việc được giao. Anh nhận định rất khoa học về tình hình thời tiết: “Dãy núi này có một ảnh hưởng quyết định tới gió mùa đông bắc đối với miền Bắc nước ta.” Chàng trai rất am hiểu tình hình khí hậu, đó là do anh đọc, nghiên cứu tài liệu địa lí của đất nước. Có tinh thần trách nhiệm lắm nên anh ra công đọc sách báo và san bằng mọi gian khổ khó khăn như thế.
 
Anh thanh niên sống lành mạnh và tự lực, rất sáng tạo trong hoàn cảnh đơn độc: chăn nuôi để cải thiện bữa ăn, vườn hoa đa sắc hương làm vui cảnh sống, tự tìm nguồn vui qua sách báo, tài liệu... Anh tâm tình với cô bạn kĩ sư: “Cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ”.

 
Đọc sách, báo, tài liệu cũng là cách để người đọc tiếp xúc, trò chuyện với tác giả. Anh nghĩ vậy. Mỗi tác giả viết bằng phong cách khác nhau “mỗi người mỗi vẻ” không ai giống ai cả. Đọc để nhận định vấn đề, để đánh giá phong cách viết, việc đọc sách của anh có mục đích rõ ràng.
 
Sống một mình, con người dễ lâm vào cảnh buông thả quá đáng, nhưng chàng trai không bê bối tồi tệ. Anh chỉ đọc sách bổ sung kiến thức, làm phong phú việc làm mà thôi. Công việc gian khổ, anh không tỏ ý kênh kiệu, cáu gắt. Anh không muốn người khác đề cao. Khi nhà họa sĩ định tạo chân dung, anh tìm cách giới thiệu “con người làm việc âm thầm” khác giữa núi đồi Sa Pa:
 
“Đồng chí đang làm một cái bản đồ sét riêng cho nước ta. Có cái bản đồ ấy thì lắm của lắm bác ạ”.

 
Đó là một trong những con người tích cực làm việc đằng sau cái lặng yên của Sa Pa. Dưới kia có thêm ông kĩ sư vườn rau, chàng trai trên đỉnh Phăng-xi-păng... đúng như nhà văn viết:
 
“Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa... có những con người làm việc”.
 
Mỗi người một việc làm khác nhau, nhưng có điểm chung như nhau: cùng góp sức làm đẹp cuộc sống. Được dịp tiếp xúc, chuyện trò với những người từ dưới xuôi lên, là dịp may của chàng trai, là khát vọng của anh. Anh là nhân tố tuyệt đẹp về sự hi sinh các thú vui cá nhân, để chăm lo cuộc sống của cộng đồng. Đó là một bức chân dung đã được nhà văn trang trọng giới thiệu với bạn đọc.
 
Thật đúng như ông nhận định nơi vùng cao, dưới đồi núi chập chùng kia, rất nhiều bàn tay, khối óc âm thầm miệt mài với công tác chuyên môn được xã hội trao cho. Nổi bật và điển hình là chân dung của chàng trai sống làm việc trên đỉnh Yên Sơn.

Nhìn chung, nhà văn có nhận định chính xác, Lặng lẽ Sa Pa là một bức chân dung. Bức chân dung điển hình cho những tài năng đang lặng lẽ tích cực làm việc nơi núi rừng âm u. Họ có chung các đức tính: yêu nghề, yêu cuộc sống giàu tình cảm và xác định đúng lí tưởng để phục vụ. Chọn chàng trai nơi Yên Sơn để tạc thành “bức chân dung” tích cực lao động là đúng.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
2
Ni Lin
04/03/2021 16:16:26
+3đ tặng

Truyện có bốn nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên. Họ thuộc hai thế hệ già và trẻ, nghề nghiệp khác nhau nhưng ở họ lại có nhiều điểm rất gần gũi mà trước hết là những nét đẹp trong suy nghĩ, trong thái độ với cuộc sống, với công việc và với những người khác. Những nhân vật ấy (và cả những nhân vật chỉ được nói đến trong lời kể của người thanh niên) đều được tác giả đặt tên. Điều này hẳn không phải là không có dụng ý của tác giả. Nhà văn muốn thể hiện họ là những con người bình thường, bình dị trong một cuộc gặp gỡ bất ngờ trên hành trình của một chuyến xe khách, như là chúng ta có thể gặp những con người như thế ở nhiều nơi trên đất nước. Những nhân vật trong truyện ít nhiều đều có màu sắc lí tưởng, nhưng họ cũng là hình ảnh những con người mang vẻ đẹp của mỗi thời kì lịch sử.

Nhân vật chính của truyện - anh thanh niên - chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật nhất của bức tranh mà tác giả tập trung thể hiện. Để chuẩn bị cho sự xuất hiện của anh: hai mươi bảy tuổi, người cô độc nhất thế gian, một mình trên trạm khí tượng ở đỉnh cao hai ngàn sáu trăm mét, rất "thèm người"... Cách giới thiệu ấy đã gây hứng thú và chuẩn bị tâm thế cho nhân vật ông họa sĩ và cô kĩ sư trước cuộc gặp gỡ. Khi xe dừng, người thanh niên xuất hiện với dáng vẻ nhanh nhẹn, tự nhiên và vóc dáng hơi nhỏ bé dường như không có gì đặc biệt. Sức thu hút của anh ta chính là ở thái độ và những suy nghĩ về cuộc sống và công việc của một người một mình giữa lặng lẽ của thiên nhiên. Cái mà tác giả muốn làm nổi bật ở nhân vật này không phải là những công việc khó khăn đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, mà là một hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt: Một mình trên đỉnh núi Yên Sơn quanh năm suốt tháng giữa cái lặng lẽ mênh mông của cỏ cây, mây núi. Cái khó khăn, thách thức lớn nhất với anh chính là sự cô độc. Cái gì đã giúp anh vượt qua được hoàn cảnh ấy?

Trước hết, đó là ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với công việc. Công việc của anh là "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu". Anh hiểu rõ công việc thầm lặng của mình là cần thiết và có ích cho mọi người, nó gắn liền anh với mọi người và cuộc sống chung với đất nước. Anh yêu công việc của mình: "Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất".

Nét đẹp ở nhân vật này không chỉ là ở cách sống có lí tưởng mà còn ở những suy nghĩ sâu sắc về công việc và cuộc sống. Chẳng hạn, về sự cô độc, anh đã nghĩ: "Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Và khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia". Còn đây là về nỗi "thèm người" - như cách nói của bác lái xe - anh nghĩ: "Còn người thì ai mà chả "thèm" hở bác? Mình sinh ra là gì? Mình đẻ ở đâu? Mình vì ai mà làm việc?". Nhưng nỗi "nhớ người", với anh, quyết không thể là nỗi nhớ "phồn hoa đô thị".

Trong cuộc sống lẻ loi của mình, anh còn tìm thấy một nguồn vui, đó là sách, mà anh thấy lúc nào đọc cũng như có người bạn để trò chuyện. Chính vì tất cả những điều trên mà cuộc sống của người thanh niên ấy giữa núi cao mây mù không buồn tẻ. Anh tổ chức cuộc sống một mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp và chủ động: trồng rau, trồng hoa, nuôi gà, đọc sách ngoài những giờ làm việc và có mối giao lưu thân thiết với bác lái xe, những cuộc gặp gỡ với mọi người. Ở người thanh niên ấy còn có một nét rất đáng mến nữa là sự cởi mở, thẳng thắn, chân thành với mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với những người khác. Tình thân của anh với bác lái xe, thái độ ân cần, nhiệt thành, sự săn sóc chu đáo của anh với ông họa sĩ và cô gái mới lần đầu gặp gỡ đã nói lên nét đáng mến ấy ở anh.

Trong truyện, ngoài nhân vật người thanh niên, các nhân vật phụ (bác lái xe, ông họa sĩ già, cô kĩ sư mới ra trường) không chỉ tham gia vào câu chuyện, làm rõ nét hơn cho nhân vật chính mà còn làm phong phú và sâu hơn cho chủ đề của truyện. Trong số đó, đáng chú ý nhất là nhân vật ông họa sĩ già. Tác giả đã hầu như "nhập" vào cái nhìn và tâm trạng của nhân vật này để trần thuật, bao gồm và quan sát, miêu tả và suy ngẫm, bình luận. Qua cái nhìn của ông họa sĩ, chân dung nhân vật chính như hiện ra rõ nét hơn, đẹp hơn và khơi gợi những suy ngẫm về cuộc đời, con người và nghệ thuật.

Như vậy, qua cảm xúc và suy nghĩ của các nhân vật khác, hình ảnh người thanh niên như được soi rọi dưới một ánh sáng trong trẻo và rực rỡ khiến nó như đẹp hơn, ánh lên nhiều màu sắc hơn. Đó là cái thủ pháp mà người xưa gọi là "vẽ mây để nảy trăng".


 
Hoàng Thị Khuyên
Bức chân dung đâu ạ

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×