Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế đối với những trường hợp tiếp xúc với người nhiễm, người nghi nhiễm là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít người đang cố tình trốn tránh việc cách ly y tế. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần bị lên án và xử lý nghiêm.
Trốn cách ly tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm. Theo Điều 2, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, cách ly y tế được hiểu là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh. Cách ly y tế là biện pháp đầu tiên nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, chấp hành nghiêm túc các quy định về cách ly y tế là hết sức cần thiết. Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch nhóm A và một số bệnh nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
Song thực tế những ngày qua, đã xuất hiện khá nhiều trường hợp trốn tránh cách ly y tế. Thông tin về một cá nhân thuộc diện cách ly bắt buộc nhưng lại “nhờ” người khác đi cách ly thay mình đã khiến dư luận phẫn nộ. Mới đây nhất, người phụ nữ có tên B.V.A (SN 1996) ở tỉnh Hà Nam thuộc diện cách ly tại nhà 14 ngày sau khi trở về Tokyo (Nhật Bản) ngày 26/2. Tuy nhiên, đến sáng 5/3, V.A đã tự động cùng chồng đi xe khách đến sân bay Nội Bài rồi bay vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Hai vợ chồng này tiếp tục di chuyển bằng xe khách về nhà cha ruột tại TP Bà Rịa. Tại đây, cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã đến tận nhà kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu gia đình chị B.V.A tiếp tục thực hiện cách ly theo đúng hướng dẫn và giám sát chặt chẽ của Trung tâm y tế địa phương.
Theo các chuyên gia y tế, hành vi trốn tránh cách ly y tế của các cá nhân nói trên là hành vi nguy hiểm cho cộng đồng bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến cho bệnh dịch lan rộng. Quá trình trốn trách cách ly, các cá nhân này đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người. Những người này sẽ nằm trong diện có nguy cơ nhiễm bệnh đầu tiên. Trong trường hợp cá nhân trốn tránh cách ly y tế dương tính với Covid-19 thì nguy cơ nhiễm bệnh đối với những người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gián tiếp với họ còn cao hơn nữa.
Đặt trong bối cảnh Chính phủ và hệ thống y tế đang nỗ lực, tập trung cao độ để phòng, chống dịch Covid-19 thì việc số ít người cố tình trốn tránh cách ly y tế là hành động không thể chấp nhận được. Việc cố tình trốn tránh cách ly y tế có thể do họ nhận thức chưa đầy đủ về dịch Covid-19; thiếu ý thức trách nhiệm..., song rõ ràng hành vi này đã gây nguy hiểm đến sức khỏe của chính họ, đồng thời đe dọa sự an toàn của cộng đồng xã hội.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam đánh giá COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Do đó, ngày 29-1-2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại điểm a, khoản 1 và khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Cũng theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh phải chấp hành cách ly y tế theo hướng dẫn của ngành y tế. Do đó, dư luận cho rằng việc một số người cố tình trốn tránh cách ly y tế là việc làm vi phạm nghiêm trọng những quy định của Nhà nước về cách ly và phòng ngừa dịch bệnh lây lan cho xã hội.
những trường hợp trốn cách ly, cho người khác đi cách ly thay mình và cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nếu không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 5.000.000-10.000.000 đồng và tiếp tục bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi trốn tránh cách ly y tế mà cá nhân thực hiện hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, trường hợp người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh phải cách ly mà không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly dẫn đến lây nhiễm bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự và bị phạt tiền 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đặc biệt, người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị phạt tù 5 năm đến 10 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người; bị phạt tù 10 năm đến 12 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.
Như vậy, việc trốn tránh cách ly y tế là việc làm hết sức nguy hiểm, trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng xã hội. Thiết nghĩ, với trách nhiệm của một công dân, người thuộc diện phải cách ly để theo dõi dịch bệnh cần nghiêm túc chấp hành việc cách ly để vừa bảo đảm an toàn cho bản thân (được điều trị kịp thời ngay khi phát hiện bị nhiễm dịch bệnh), vừa bảo đảm an toàn cho gia đình, cộng đồng, đồng thời vừa tránh những hậu quả đáng tiếc về mặt pháp lý.
Đối với những cá nhân cố tình vi phạm các quy định về cách ly y tế, các cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các chế tài pháp lý ở mức nghiêm khắc nhất để làm gương, tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong cộng đồng.