Lịch sử giai đoạn 1930 – 1945 đầy biến động, sau nhiều phong trào cách mạng không thành, một không khí chán nản, u hoài, yếm thế bao trùm đời sống. Thanh niên lớn lên không có lí tưởng để phụng sự. Con đường yêu nước bế tắc, họ thoát li trong những tình cảm cá nhân. Trào lưu văn học lãng mạn bắt đầu từ đấy. Đặc điểm chính của trào lưu này là sự đào sâu vào cái tôi nội cảm, diễn tả ước mơ, khát vọng của cá nhân, đề cập đến những số phận cá nhân với thái độ bất hòa, bất lực trước hiện thực tầm thường, tù túng. Đối với hiện thực xã hội, thái độ của nhà văn là thái độ chủ quan, họ nhìn đời qua lăng kính của mình, qua những khát vọng, những mộng tưởng của bản thân. Họ muốn thoát li đời sống, vượt ra khỏi thực tại thỏa sức dùng trí tưởng tượng bay bổng để đối lập hiện thực với ước mơ, lí tưởng nhằm chối bỏ thực tại.
Cũng chính ngột thở trong cái tù đọng, cay đắng, những linh hồn ấy đã tìm thấy chốn nương náu ở miền đất xa xăm do ảo tưởng vẽ ra. Ta thấy một Xuân Diệu trốn chạy trong tình yêu với ngập tràn hương sắc. Một Huy Cận đắm chìm trong mối sầu vạn kỉ với cái mênh mông không cùng. Một Chế Lan Viên u uẩn rên rỉ tìm về một thời hòang kim của vương quốc Chiêm thành nay đã mất. Một Lưu Trọng Lư ru mình trong thế giới mộng tưởng bằng cả tâm hồn sầu mộng. Một Nguyễn Tuân ngụp lặn trong quá vãng với những thú chơi thanh tao của cha ông. Những tôn chỉ “tươi trẻ, yêu đời”, “có chí phấn đấu và tin vào sự tiến bộ”, “tôn trọng tự do cá nhân” trong các tiểu thuyết của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khải Hưng. Họ đã tạo nên một trường sáng tạo mới, những đóng góp mới. Chính họ dám phủ nhận cái hủ lậu để khai phá những miền đất mà trước đây không dành cho hai từ bản ngã. Họ thay mặt