Qua hệ thống hình ảnh thân thuộc, gần gũi, chúng ta có thể thấy được mong ước khiêm nhường nhưng hết sức cao đẹp của nhà thơ, đồng thời gợi lên mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng. Điều này đã được thể hiện rõ hơn qua khổ thơ tiếp theo:
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Hình ảnh "mùa xuân nho nhỏ" được nhà thơ sử dụng làm nhan đề của tác phẩm xuất hiện trong khổ thơ này đã góp phần nhấn mạnh ước muốn, khát vọng của tác giả. Vào những năm tháng cuối cùng đối chọi với bệnh tật, Thanh Hải xin được hóa thân làm "Một mùa xuân nho nhỏ" để hòa quyện, tô điểm làm đẹp thêm mùa xuân của thiên nhiên đất trời và mùa xuân của đất nước. Các từ "nho nhỏ", "lặng lẽ" đã làm nổi bật nguyện ước cống hiến thầm lặng, tự nguyện, không ồn ào, khoa trương. Đó chính là lí tưởng sống giản dị nhưng hết sức cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải. Điệp cấu trúc câu "Dù là... Dù là..." kết hợp với hai hình ảnh mang tính chất tương phản "tuổi hai mươi" - "khi tóc bạc" đã khẳng định sự bền vững theo thời gian, năm tháng của khát vọng cống hiến, hi sinh thầm lặng. Cuối cùng, bài thơ khép lại bằng những giai điệu dân ca xứ Huế ngọt ngào, đằm thắm và trữ tình:
"Mùa xuân ta xin hát
Khúc Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế"
Trong những năm tháng cuối đời đối chọi với bệnh tật, nhà thơ đã cất cao tiếng hát những làn điệu dân ca quen thuộc của quê hương. Khúc nhạc "Nam ai" da diết, buồn thương gợi nhớ về những năm tháng bốn nghìn năm "vất vả và gian lao" quyện hòa cùng giai điệu "Nam bình" dịu ngọt, êm ái gợi cuộc sống ấm no, bình yên hiện tại của đất nước. Khúc hát ngân vang đã thể hiện tình yêu đối với quê hương, đất nước của nhà thơ. Giai điệu dịu ngọt đó hòa cùng "nhịp phách tiền" tươi vui, giòn giã khép lại bài thơ nhưng vẫn để lại những dư âm về cuộc sống mới và sức sống mới của dân tộc bởi sự kết hợp với điệp khúc: "Nước non ngàn dặm mình - Nước non ngàn dặm tình".
Lý tưởng cùng khát vọng nhân văn trong tâm hồn thi sĩ đã được thể hiện thành công thông qua thể thơ năm chữ giàu nhạc điệu, cách ngắt nhịp linh hoạt phù hợp với việc thể hiện những mong ước tha thiết. Tác giả còn vận dụng thành công nhiều biện pháp tu từ nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,... kết hợp với ngôn ngữ, hình ảnh thơ giàu sức gợi để thể hiện dòng cảm xúc chân thành và tiếng lòng của nhà thơ đối với thiên nhiên, đất nước.
Như vậy, sau khi tái hiện vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời và sự đổi thay nhịp sống của quê hương, đất nước trong cuộc sống mới, tác giả đã bày tỏ những ước nguyện của bản thân.. Đó là một quan niệm sống tích cực, lấp lánh vẻ đẹp nhân văn của sự cống hiến, hi sinh bình dị và cao đẹp.