Sách có từ bao giờ? Có lẽ sách chỉ ra đời khi con người có nhu cầu ghi lại những gì mà người ta nhận thức về thế giới xung quanh, nhằm lưu giữ và truyền lại cho hậu thế.
Ta được biết, ban đầu sách có nguồn gốc là những chiếc mai rùa, xương thú có ghi chữ viết, sau đó là thẻ tre, da động vật. Chỉ đến khi nền công nghiệp giấy ra đời, công nghệ in phát triển, ta mới có những quyển sách được in giấy như bây giờ. Sự có mặt của sách trên thế gian này là như thế.
Trước khi có sách, tri thức của nhân loại được tích lũy bằng con đường truyền khẩu. Những kinh nghiệm gieo trồng, cách đoán biết về thời tiết, những phát hiện về đời sống về vũ trụ, về giới tự nhiên… tất cả đều đã được lưu giữ trong những ca dao tục ngữ, thậm chí cả trong những truyện ngụ ngôn, cổ tích…, và được truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Cùng với chữ viết, sách là phương tiện để con người ghi lại những nhận thức của mình về thế giới. Sự ghi lại ấy lại được chia thành những lĩnh vực khác nhau: khoa học, triết học, thơ ca… Mỗi lĩnh vực lại là một cuộc hành trình dài của con đường chiếm lĩnh và khám phá thế giới tự nhiên và tâm hồn con người. Các thế hệ nối tiếp nhau đã ghi lại những thành quả lao động, học thuật của mình. Vì thế, Chu Quang Tiềm cho rằng: sách là “kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hóa học thuật của nhân loại" (Bàn về đọc sách)
Cùng với ý nghĩa này, sách đã trở thành chiếc cầu nối vững chắc giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người các thế hệ tiếp nối nhau, trong hành trình tìm hiểu, chiếm lĩnh thế giới, vừa tiếp thu những thành quả nhận thức của các thế hệ cha anh, vừa không ngừng làm dày thêm kho tàng tri thức nhân loại bằng những phát hiện của mình, làm cho sách ngày càng trở thành tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ. Chúng ta, những người đọc thế hệ sau, có thể nhìn thấy qua sách hình ảnh con đường mà xã hội loài người đi đến tương lai.