Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là tác phẩm của nhà văn Lê Minh Khuê – một nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác phẩm là bức tranh hiện thực về cuộc sống chiến đấu, từ đó nêu lên vẻ đẹp trong sáng của ba cô gái ở tổ trinh sát mặt đường trong kháng chiến chống Mĩ.
Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, tác giả để cho nhân vật xưng “tôi” kể về mình và đồng đội. Việc lựa chọn ngôi kể cũng góp phần làm nên thành công cho câu chuyện. Nhân vât vừa bộc lộ được những suy nghĩ cảm xúc của mình, vừa miêu tả những điều đang diễn ra, góp phần tạo nên một câu chuyện chân thực, mềm mại gợi nhiều xúc cảm cho người đọc.
Tổ trinh sát mặt đường có ba cô gái là Phương Định, Nho, Thao. Họ còn rất trẻ, nhiều mơ mộng. Công việc chính của các cô là “đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom” – rất nguy hiểm và đòi hỏi ý chí cao. Nhưng ba cô gái ấy luôn hoàn thành tốt công việc. Công việc không hề đơn giản chút nào, luôn phải chạy trên cao điểm suốt cả ngày. Đôi lúc bị bom vùi về chỉ nhìn thấy hai con mắt lấp lánh, những lúc ấy họ thường gọi nhau bằng cái tên rất ngộ nghĩnh “những con quỷ mắt đen”. Bất chấp những khó khăn của công việc họ vẫn tìm được cho mình những niềm vui, lấp đi nỗi buồn khi nhớ về gia đình, bạn bè. Say mê ca hát, làm đẹp cho cuộc sống. Họ cũng giống như nhiều cô gái tuổi mới lớn khác. Mặc dù sống trong chiến tranh với những hiểm nguy luôn rình rập nhưng họ vẫn yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp. Và trong công việc họ là những người có tinh thần trách nhiệm, có lòng dũng cảm, không ngại hi sinh thân mình. Một ngày của các cô gái trẻ thường kết thúc khi “phá bom đến năm lần. Ngày nào ít : ba lần”. Với họ công việc không đơn giản là nhiệm vụ nữa, mà nó đã ăn sâu vào tâm trí, như một điều gì đó không thể thiếu. Hình ảnh Phương Định và Thao moi đất bế Nho lên khi hầm bị sập thật cảm động. Ở một nơi nguy hiểm, cái chết luôn cận kề nhưng trong họ vẫn có tình đồng đội thắm thiết, hơn thế nữa đó còn là tình chị em gắn bó trong một gia đình.
Cùng chung sống với nhau, nhưng ở mỗi người vẫn bộc lộ những tính cách riêng biệt. Thao là chị cả của nhóm, là người chỉ huy công việc. Không hiểu có phải vì lí do này hay không mà trong tác phẩm cô luôn hiện ra với vẻ bề ngoài cứng rắn, xử lí công việc một cách cương quyết, táo bạo. Có lỗ, do chị là người lớn tuổi nhất trong nhóm nên suy nghĩ có phần thiết thực và những dự tính về tương lai rõ ràng hơn. Nhưng ẩn chứa sau vẻ cứng cỏi là trái tim giàu tình cảm. Chị luôn giành những công việc khó khăn về mình. Sở thích của chị thật giản dị, lúc rảnh rỗi chị thích chép lời bài hát, thậm chí chép cả những lời tự bịa ra. Qua nhân vật Thao, ta cũng thấy rõ được những khát khao trong công việc và những rung động của tuổi trẻ thời kháng chiến.. Không trầm tư như Thao, Nho là một cô gái hồn nhiên, thích được ăn kẹo, trắng trẻo và có vóc người nhỏ bé. Những hình ảnh trên cho người đọc hình dung ra một cô gái rất đáng yêu và vô tư. Nhưng trái lại Nho rất dũng cảm trong công việc. Đó là khi Nho bị thương, mọi người thì rất lo, còn Nho lại nói : “Không chết đâu, đơn vị đang làm đường kia mà. Việc gì khiến mọi người lo lắng”.
Cả ba nhân vật đều cho người đọc những cảm nhận riêng. Nhưng có lẽ, để lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi cũng như đa số người đọc tác phẩm là cô gái tên Phương Định.
Là con gái Hà Nội, Định tự nhận là “một cô gái khá” với đôi mắt mà các anh lái xe thường nói : “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm !”. Định có ý thức về mình, biết được có nhiều anh pháo thủ và lái xe hay hỏi thăm hoặc đơn giản là “viết những thư dài gửi đường dây, làm như ở cách xa hàng nghìn cây số”. Cô thấy vui vì mình được các anh yêu quý, nhưng với sự kín đáo của một cô gái Hà Nội, Định chỉ cất giữ ở trong lòng. Mặc dù với cô, người can đảm, thông minh nhất vẫn là những người mặc quân phục, có sao trên mũ. Cũng giống như Thao, Phương Định là người yêu âm nhạc, rất mê hát. Cô thích ngồi dựa vào thành đá và khẽ hát trong những buổi trưa im lặng. Đôi lúc buồn cô nghĩ vẩn. vơ về Hà Nội, về những ngày sống trong hoà bình cùng gia đình. Trong công việc, Định cũng không thua kém một ai cả. Bình tĩnh và tự chủ trong mọi tình huống. Vì cô biết à đâu đó có sự dõi theo của các anh cao xạ, nên sẽ không còn run sợ mà dũng cảm làm nhiệm vụ. Sống trong bom đạn, sự ác liệt của chiến tranh nhưng Định vẫn giữ được tâm hồn, nét đẹp trong sáng của một cô gái Hà Nội. Chính nhờ những điều ấy, nhân vật Phương Định đã thật sự toả sáng trong tác phẩm với hình ảnh của nữ thanh niên xung phong trong thời chiến.
Chiến tranh, bom đạn giờ chỉ còn trong kí ức. Nhưng với tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, hình ảnh ba cô gái thanh niên xung phong đã gợi nhắc cho mỗi người về một thế hệ nữ thanh niên thời chống Mĩ. Họ can đảm và dám hi sinh cả tuổi trẻ cho đất nước. Đó không chỉ là hình ảnh tiêu biểu của một thời kì mà còn là hình ảnh tượng trứng cho cả thế hệ phụ nữ Việt Nam.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |