Trong nền văn học Việt Nam, Tố Hữu được coi là ngôi sao sáng, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng, được tôn vinh là nhà thơ của nhân dân. Chặng đường thơ của ông gắn liền với chặng đường lịch sử của cả một dân tộc. Bài thơ “Khi con tu hú” sáng tác vào tháng 7/1939 khi tác giả bị bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ được coi là bức tranh tinh thần của Tố Hữu trong giai đoạn đầu giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Qua bài thơ, chúng ta có thể cảm nhận được tâm tư người chiến sĩ cách mạng bị giam giữ chốn ngục tù, niềm khao khát cuộc sống tự do cùng lí tưởng cách mạng của tác giả.
Tác phẩm có một nhan đề độc đáo, gợi mở mạch cảm xúc cho toàn bài thơ. Về cấu trúc, “Khi con tu hú” chỉ là một vế phụ của một câu trọn ý, tạo nên cách nói nửa chừng gợi sự tò mò, thu hút đối với độc giả. Trong sáu câu thơ đầu tiên, tác giả đã tái hiện bức tranh thiên nhiên tươi sáng và dạt dào sức sống. Hàng loạt hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu của mùa hè đã hiện ra: Lúa chiêm đang chín, trái cây đương chín, đôi diều sáo, bắp vàng, sân, vườn. Đó là những dấu hiệu vô cùng thân thuộc và gần gũi khi hè về:
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…”
Những bài Cảm nhận văn mẫu về bài thơ Khi con tu hú hay nhất
Bằng tâm hồn tinh tế cùng giác quan nhạy cảm, tác giả đã tạo nên một bức tranh mùa hè sôi động và đậm chất hội họa với những nét vẽ về âm thanh, màu sắc, hương vị, không gian. Đó là thanh âm “tiếng chim tu hú gọi bầy”, “ve ngân” - những tín hiệu quen thuộc mỗi khi hè về gợi sự tươi vui, rộn rã. Bức tranh còn thêm phần rực rỡ với những gam màu tươi tắn: sắc vàng của “lúa chiêm đang chín”, “bắp rây vàng hạt”, sắc đào của nắng, sắc xanh của bầu trời. Đặc biệt, hương vị ngọt ngào đã được khắc họa thông qua mùi thơm của lúa, vị ngọt của trái cây. Không gian hiện lên cao rộng với sự xuất hiện của hình ảnh “đôi con diều sáo”. Đó không phải là những cánh diều lững lờ trôi êm đềm trên những cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” mà hiện lên qua trạng thái “lộn nhào”, thả sức bay lượn giữa không trung, gợi sự khoáng đạt, tự do. Phải chăng đó cũng chính là hình ảnh ẩn dụ cho biểu tượng của cuộc sống tự do đang vẫy gọi? Phải chăng người chiến sĩ cách mạng đang thực hiện một cuộc vượt ngục tinh thần để thỏa sức bay lượn những những cánh diều? Tác giả đã sử dụng những phó từ chỉ thời gian như “đang, dần, càng”, kết hợp với các động từ mạnh “gọi”, “ngân”, “lộn nhào” để thể hiện sự vận động không ngừng nghỉ của cảnh vật. Như vậy, ở sáu câu thơ đầu tiên, chúng ta có thể cảm nhận được bức tranh vào hè sôi động, rực rỡ và tràn đầy sức sống - một bức tranh đồng nội quê hương thật gần gũi, thân thuộc. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tình yêu thiên nhiên, cảm nhận tinh tế với mọi biến chuyển của cảnh vật, gắn bó tha thiết với cuộc sống bên ngoài của tác giả. Ở bốn câu thơ tiếp theo, người chiến sĩ quay trở về với cuộc sống hiện tại:
“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!”
Cảm xúc của người chiến sĩ cách mạng đã được bộc lộ một cách trực tiếp. Tác giả đã sử dụng những động từ mạnh: “đạp tan”, “ngột”, “chết uất” kết hợp với những từ cảm thán “ôi”, “thôi”, “làm sao”. Qua đó, người đọc có thể cảm nhận được tâm trạng u uất, ngột ngạt, bức bối. Lúc này, nhà thơ đang bị bắt giam trong bốn bức tường của nhà tù lạnh lẽo. Tiếng đời cuộc sống ngoài kia cứ vẫy gọi, khiến cho tâm trạng người tù chiến sĩ cách mạng càng trở nên u uất, bức bối. Tất cả như những đợt sóng dồn dập và bủa vây lấy tâm trí tác giả, khiến khát vọng tự do trở nên tha thiết hơn bao giờ hết như muốn bật tung ra để trở về với cuộc sống sôi động bên ngoài. Bài thơ được mở đầu bằng hình ảnh “Khi con tu hú gọi bầy”, đồng thời kết thúc bằng “Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu”, tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng. Nếu như tiếng chim ở đầu bài thơ là tiếng gọi đàn - tín hiệu, là sứ giả bắt nhịp cho dàn đồng ca mùa hè, mở ra khung cảnh mùa hè đẹp đẽ, rộn ràng, tươi vui thì ở cuối bài thơ, âm thanh tu hú “ngoài trời cứ kêu” là tiếng kêu khắc khoải, da diết, gợi lên sự bức bối, ngột ngạt và thôi thúc khát vọng tự do đang cháy bỏng trong tâm hồn người chiến sĩ. Như vậy, thông qua bốn câu thơ cuối, chúng ta có thể thấy được bức tranh tâm trạng tù túng, u uất và khát vọng tự do cháy bỏng trong tâm trạng người tù chiến sĩ cách mạng. Qua đó, cảm nhận sâu sắc về lòng yêu tự do cùng cuộc sống của tác giả.
Như vậy, bằng việc sử dụng thể thơ lục bát dân tộc uyển chuyển, linh hoạt; hình ảnh thơ phong phú, đậm chất hội họa và giàu sức gợi cùng giọng điệu thơ tự nhiên, tác giả đã tái hiện bức tranh mùa hè vui tươi, căng tràn sức sống cùng tiếng lòng cháy bỏng với khao khát tự do của người tù cách mạng. Qua đó, độc giả có thể cảm nhận được sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ, giữa lí tưởng trong trái tim và những câu thơ trên đầu ngọn bút của nhà thơ Tố Hữu.