Trước yêu cầu của cải cách tư pháp và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì việc đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập và phấn đấu làm theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" là điều rất quan trọng và cần thiết.
Để hiểu đúng đắn và làm theo lời dạy của Bác Hồ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trước hết chúng ta cần phải nhận thức được quan điểm và tư tưởng Hồ Chí Minh để rút ra những bài học về việc học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát.
1. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định "tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người..."(1).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, công tác cán bộ chiếm một phần rất lớn trong các bài viết và lời nói của Người.
Về vị trí, vai trò của cán bộ, Người khẳng định: “Cán bộ quyết định mọi việc, các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”(2). Đặc biệt Người rất coi trọng đến phẩm chất chung của cán bộ: “Phải có lập trường vững vàng, tư tưởng phải thông, không sợ khó, không sợ khổ… phải đi sâu, xét kỹ, phải luôn kiểm tra công tác, chấp hành chính sách, phải coi trọng từ việc to đến việc nhỏ; phải nhớ rằng "sai một ly đi một dặm”(3).Người phê phán những biểu hiện không tốt của cán bộ và đến nay những điều Người nói vẫn còn nguyên giá trị: “Chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thay quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ…”(4).
Trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(5). Người đánh giá và chỉ ra những tồn tại trong việc tự rèn luyện, nghiên cứu, học hỏi của cán bộ như sau: “Có nhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu, hay tới đó, nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa chữa những lầm lỗi và bồi bổ những thiếu sót. Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi, hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những hành vi tư tưởng của ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo, nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”(6).
Về giáo dục, rèn luyện cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"(7). Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện Đảng viên phải là người đầy tớ của nhân dân, bởi vì mục tiêu lý tưởng của Đảng ta là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Vì vậy đảng viên phải suốt đời phấn đấu để phục vụ cho lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng viên phải đứng trên lập trường, quan điểm của Đảng để lãnh đạo, giáo dục quần chúng, tổ chức cho quần chúng thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, đó chính là sự tận tuỵ phục vụ nhân dân. Người nói: "Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải là quan nhân dân"(8).
Về đánh giá cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải xem xét con người một cách toàn diện, thông qua công việc, thông qua hoàn cảnh để đánh giá đúng bản chất người cán bộ, không để hình thức bên ngoài che lấp nội dung bên trong của con người. Người viết: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài và còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cảnh lịch sử, toàn cảnh công việc của họ. Có người lúc phong trào cách mạng cao, họ vào Đảng, họ làm việc rất hăng. Nhưng lúc phong trào khó khăn thì đâm ra hoang mang. Lúc gặp sự nguy hiểm thậm chí hoá phản cách mạng, làm mật thám được việc thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng thì lầm nó là cán bộ tốt. Vì vậy, nhận xét cán bộ không chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ toàn bộ công việc của cán bộ” (9).
Về sử dụng cán bộ, Người viết: “Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo léo thì gỗ to, gỗ nhỏ, thẳng, cong đều tuỳ từng chỗ mà dùng được"(10).
Trong mỗi lĩnh vực công tác, đối với mỗi đối tượng khác nhau, Bác Hồ đều có những tư tưởng, tình cảm, lời dạy rất sâu sát, cụ thể, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng đắn. Bác Hồ rất quan tâm và hiểu rất rõ nhiệm vụ đặc thù của từng đội ngũ cán bộ, từ đó Người nêu ra và đề cao những yêu cầu, phẩm chất, đức tính cụ thể đối với những cán bộ ấy. Chúng ta có thể nhận thấy ở mỗi ngành, mỗi địa phương nơi Bác Hồ đến thăm và làm việc đều nhận được những tình cảm thiêng liêng, tư tưởng sâu sắc của Người. Lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ở các ngành, nghề, đơn vị khác nhau trở thành “khuôn thước” để các thế hệ cán bộ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu.
Đối với cán bộ Quân đội, Người viết: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(11).