Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi, cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công. Từ năm 1961, Mĩ triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam.
– Dưới ngọn cờ đoàn kết cứu nước của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do Đảng lãnh đạo, Quân giải phóng miền Nam cùng với nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chống Mĩ và tay sai, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nổi dậy với tiến công trên cả ba vùng chiến lược, tiến công địch bằng cả ba mũi chính trị, quân sự và binh vận.
– Năm 1962 quân dân miền Nam đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của địch vào chiến khu D, các căn cứ U Minh, Tây Ninh…
– Ngày 2-1-1963 quân dân miền Nam giành thắng lợi vang dội trong trận Ấp Bắc, đánh bại cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của Mĩ – ngụy. Chiến thắng Ấp Bắc chứng minh khả năng quân dân miền Nam có thể đánh bại hoàn toàn “Chiến tranh đặc biệt”. Ngay sau đó, trên khắp miền Nam dấy lên phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”.
– Cũng trong năm 1963 phong trào đấu tranh chính trị diễn ra mạnh mẽ, nhất là phong trào Phật giáo ở các đô thị lớn như Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm, làm rung chuyển chế độ ngụy. Ngày 1-11-1963 Mĩ giật dây làm đảo chính lật đổ chính quyền Diệm. Phong trào tiếp tục dâng cao ở các đô thị lớn chống chính quyền Nguyễn Khánh, làm rối loạn thêm hậu phương của địch.
– Cuộc đấu tranh chống phá bình định diễn ra dai dẳng, quyết liệt. Trong năm 1964 và đầu năm 1965, từng mảng lớn “ấp chiến lược” do Mĩ-ngụy lập nên bị phá vỡ, nhiều ấp chiến lược của địch sau đó trở thành làng chiến đấu của ta. Vùng giải phóng ngày càng mở rộng, trở thành hậu phương trực tiếp và vững chắc của cách mạng.
– Từ cuối năm 1964 đến giữa năm 1965, Quân giải phóng mở chiến dịch tiến công và giành thắng lợi lớn ở Bình Giã, Ba Gia, An Lão, Đồng Xoài … Những thắng lợi lớn của quân dân miền Nam đã làm cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn.