Trên bản đồ thế giới, ở vùng Ðông Nam châu á, nước Việt Nam hình chữ S chạy dài theo hướng Bắc - Nam, tiếp giáp Trung Quốc ở phía Bắc, Lào và Campuchia ở phía Tây, biển Ðông ở phía Ðông và phía Nam. Nước Việt Nam không lớn, diện tích đất tự nhiên chỉ có gần 33 triệu ha (khoảng 330.000 km2), nhưng là một quốc gia khá đông dân và có nhiều dân tộc: Dân số cả nước ngày 1 - 4 -1999 là 76.323.173 người, bao gồm 54 dân tộc. Người Việt (Kinh) chiếm hơn 86% dân số chung toàn quốc, còn lại là 53 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc là một cộng đồng được xác định trên cơ sở tổng hợp 3 tiêu chí cơ bản: ngôn ngữ, đặc điểm sinh hoạt văn hóa và ý thức tự giác tộc người.
Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có 5 dân tộc có dân số đông từ một triệu người trở lên (Việt, Tày, Thái, Mường và Khơ-me); nhiều dân tộc dân số rất ít, có tới 17 dân tộc thuộc loại dân số dưới 10.000 và 5 dân tộc thuộc loại dân số dưới 1.000, thậm chí có dân tộc chỉ 300-400 người, chỉ ở chủ yếu một làng (người Brâu, người Rơ-măm v.v.).
Trên dải đất Việt Nam, khảo cổ học đã phát hiện được những dấu tích về sự tồn tại người nguyên thủy thời đồ đá cũ sơ kỳ cách ngày nay mấy chục vạn năm; tiếp sau đó là tiến trình qua các giai đoạn văn hóa từ thời đá mới đến thời đồ đồng rồi đồ sắt. Cách ngày nay khoảng 6.000 năm, việc trồng lúa nước đã ra đời. Khoảng 4.000 năm trước, nghề dệt vải đã xuất hiện. Nghề đúc đồng và chế tác đồ đồng có lịch sử khoảng 2.500 năm. Nhà nước sơ khai đầu tiên đã ra đời từ trước Công nguyên.