Nghị luận về lòng tự trọng
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Thomas Szasz đã từng nói rằng: “Người sáng suốt coi lòng tự trọng là không thể thương lượng, và sẽ không đổi nó lấy sức khỏe, sự giàu sang, hay bất cứ thứ gì khác”. Quả thực đúng như vậy, lòng tự trọng đối với con người còn quan trọng hơn cả ngọc quý. Ở bất cứ thời điểm nào con người cũng cần nâng niu, trân trọng lòng tự trọng của bản thân, không vì chút lợi ích mà đánh mất phẩm giá của chính mình.
Lòng tự trọng tức là sự coi trọng, giữ gìn nhân cách, danh dự của bản thân. Lòng tự trọng là lòng yêu quý những giá trị bản thân, không vì những tác động xung quanh mà đánh mất phẩm giá của chính mình. Lòng tự trọng đối với mỗi con người là hết sức quan trọng.
Người có lòng tự trọng là những người luôn sống trung thực. Sự trung thực được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau, đối với học sinh là tự học, tự làm bài, không quay cóp, xem bài của những bạn xung quanh. Trong công việc đó là sự nỗ lực cố gắng làm việc của mình, không đổ thừa cho người khác, không tranh giành những thứ không phải của mình. Người có lòng tự trọng là luôn biết ngồi đúng chỗ, luôn ý thức được giá trị của bản thân. Không chỉ vậy, người có lòng tự trọng là người dám nhận lỗi sai khi mình mắc sai phạm và biết khắc phục những khuyết điểm sai lầm ấy. Họ là những người sống có trách nhiệm, bản lĩnh tự tin, không đổ thừa cho hoàn cảnh, sẵn sàng nhận trách nhiệm về bản thân để thay đổi nó theo chiều hướng tích cực. Người có lòng tự trọng còn là người luôn biết giữ lời hứa, không sai hẹn. Đối với họ một lời nói ra “tứ mã nan truy”, lời nói có trọng lượng và có ý nghĩa. Họ đồng thời cũng là những người hết sức tự giác, tự giác học tập, tự giác hoàn thành công việc của bản thân mà không cần ai nhắc nhở.
Những người có lòng tự trọng sẽ luôn được mọi người yêu quý, kính trọng. Không chỉ vậy bản thân họ còn cảm thấy được sống cuộc sống thanh thản, hạnh phúc. Lòng tự trọng luôn đi liền với sự tự giác, nỗ lực, bởi vậy đó cũng là nhân tố thúc đẩy sự thành công với con người. Không chỉ vậy, lòng tự trọng còn là nhân tố làm nên giá trị của mỗi con người, là nền tảng của mọi suy nghĩ hành động. Người có lòng tự trọng sẽ luôn có suy nghĩ đúng đắn, điều đó dẫn đến những hành động tích cực. Lòng tự trọng là điều cần thiết đối với tất cả mọi người, bởi chỉ khi chúng ta biết tôn trọng chính mình thì khi ấy ta mới biết tôn trọng người khác. Lòng tự trọng còn giúp ta sống đúng lương tâm, trách nhiệm, không làm những việc sai trái, vi phạm đạo đức, pháp luật,… Lòng tự trọng giúp ta nhận ra phần hạn chế của chính mình, để không ngừng nỗ lực, cố gắng vươn lên, giúp bản thân hoàn thiện hơn. Đối với xã hội, nếu tất cả mọi người đều sống trong sạch liêm khiết, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp, tạo điều kiện cho đất nước phát triển.
Thực tế đã chứng minh rằng, những con người có lòng tự trọng thường đạt được thành công lớn và luôn được mọi người nể phục, kính trọng. Người Nhật Bản nổi tiếng là những người có lòng tự trọng và kỉ luật cao, điều đó đã khiến họ trở thành một quốc gia hùng mạnh như ngày hôm nay. Kỹ sư Nhật Bản Kishi Ryoichi trong quá trình xây dựng một cây cầu ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đứt cáp. Ông đau đớn và suy sụp nặng nề, không lâu sau ông tự sát và viết thư để lại nhận trách nhiệm về mình. Có lẽ ông không phải là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự cố đó, nhưng với lòng tự trọng sâu sắc ông không thể tiếp tục sống mà lựa chọn cái chết. Cái chết của ông đã gây tiếc thương trong lòng nhiều người và người ta cũng càng kính nể hơn nữa lòng tự trọng của ông và của đất nước Nhật Bản.
Bên cạnh những người có lòng tự trọng lại có những kẻ không hề có lòng tự trọng. Họ tranh giành với người khác, sẵn sàng làm những việc xấu mà không hề ăn năn, hối lỗi. Đó quả là những hành vi cần phải lên án mạnh mẽ. Đồng thời ta cũng cần phải phân biệt lòng tự trọng với sự tự cao, luôn cho mình là quan trọng nhất, là đúng, không coi trọng ý kiến của người khác; phân biệt với tự ti luôn rụt rè, sợ hãi không dám bày tỏ những quan điểm cá nhân.
Vậy làm thế nào để chúng ta có được lòng tự trọng? Mỗi người cần sống ngay thẳng, trung thực, không gian dối. Luôn hoàn thành những nhiệm vụ được giao, mà không cần đến sự nhắc nhở bảo ban. Trung thực từ những điều nhỏ bé nhất, khi ấy ta mới có thể có lòng tự trọng thực thụ.
Lòng tự trọng là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi chúng ta cần có, nó là thước đó, là tiêu chí làm nên giá trị bản thân con người. Lòng tự trọng giúp ta hướng đến những chuẩn mực, quy tắc chung của xã hội, làm việc tốt, nói điều hay, suy nghĩ lành mạnh, tích cực. Hãy bồi đắp lòng tự trọng từ những điều nhỏ nhất để hoàn thiện nhân cách của chính mình.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |