Trình bày suy nghĩ của bạn về tác hại của tệ nạn xã hội hiện nay
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Cùng với guồng quay của sự phát triển, tệ nạn xã hội cũng ngày càng nguy hiểm và phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Tệ nạn xã hội nảy sinh từ chính những suy nghĩ, hành động tiêu cực, lệch lạc của con người rồi dần dần trở thành mối hiểm họa khôn lường đe dọa đến cuộc sống con người.
Tệ nạn xã hội nói chung bao gồm mọi hành vi, việc làm, thói quen rất phổ biến cả con người nhưng vì đó là những hành vi trái với đạo đức, đi ngược lại với các chuẩn mực văn hoá của xã hội thì ta gọi đó là tệ nạn xã hội - hiểu nôm na đó là những vấn nạn tồi tệ của xã hội. Tệ nạn xã hội bao gồm rất nhiều tệ nạn như: rượu chè, cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín dị đoan, trộm cắp, lừa đảo… Phải thú nhận rằng ở Việt Nam bất cứ nơi nào cũng tồn tại các tệ nạn xã hội, có chăng chỉ khác nhau về tình chất và mức độ. Đáng lo ngại nhất là những tệ nạn xã hội không chừa một ai, bất kể già - trẻ, trai - gái, giàu - nghèo, người khôn - kẻ ngu đều có thể trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội.
Để nói về nguyên nhân sinh ra tệ nạn xã hội phải đề cập đến nhiều khía cạnh, sự hình thành của tệ nạn cũng do sự tác động tổ hợp của kinh tế xã hội và con người. Trên mặt khách quan, sự phát triển kinh tế kéo theo sự du nhập nhiều những thói quen, hành vi mới không đúng chuẩn mực. Gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp phải những chuyện bi kịch trong cuộc sống đều có thể dẫn con người ta đến với tệ nạn xã hội. Song sự giáo dục của nhà trường, gia đình và sự buông lỏng của cha mẹ đã tạo điều kiện như một mảnh đất màu mỡ để tệ nạn nảy mầm và sinh sôi phát triển. Điển hình như việc xuất hiện các loại tệ nạn như ma tuý, bóng cười, cỏ, ke, đá trong giới trẻ hiện nay đa số là du nhập từ nước ngoài. Gia đình không biết đến, nhà trường không tuyên truyền giáo dục thì các em hoàn toàn có thể sa ngã vào tệ nạn này.
Về mặt chủ quan, những đối tượng dễ mắc tệ nạn xã hội chính là người trẻ, những người thiếu hiểu biết về tệ nạn xã hội, nhận thức hạn chế không biết đến những tác hại của tệ nạn. Cụ thể khi những bạn trẻ chơi ke, đá xong bị sang chấn tinh thần, ảnh hưởng não bộ khi được hỏi đều nói rằng “Em chỉ hút cho vui thôi chứ không biết nó nguy hiểm với sức khoẻ như thế”. Một khi đã mắc vào các tệ nạn xã hội, dù là tệ nạn nào đi nữa cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của bạn. Cụ thể như rượu chè thì bị suy gan suy thận, ma tuý thì dẫn đến HIV/AIDS, cờ bạc thì dẫn đến mất ăn mất ngủ, mê tín thì dẫn đến lo lắng bất an, thậm chí điên loạn… Không chỉ về mặt sức khỏe, tinh thần mà tệ nạn còn làm mất đi nhân cách con người, suy đồi đạo đức, tiêu biểu như các tệ nạn rượu chè, trộm cắp, ma tuý, mại dâm, một khi mắc vào những tệ nạn này con người ta không còn tỉnh táo, không kiểm soát được hành vi và suy nghĩ của mình nữa.
Hạnh phúc gia đình cũng bị tệ nạn xã hội làm rạn vỡ, vợ chồng mâu thuẫn ly hôn, con cái bỏ mặc, bơ vơ không được giáo dục rồi cũng lại trở thành nạn nhân tiếp theo của tệ nạn xã hội. Tệ nạn xã hội không chỉ gây ra những hậu quả xấu về sức khỏe, nhân cách mà còn tác động trực tiếp đến kinh tế, hạnh phúc gia đình và an ninh xã hội. Biết bao gia đình phải phá sản, bán nhà cửa đi lang thang vì cờ bạc, lô đề, rồi những người vì không có tiền ăn chơi ma tuý mà chuyển sang cướp của giết người, trộm cắp tài sản, mãi mãi không thể quay lại con đường lương thiện. Những vụ giết người táo tợn, những vụ trộm sạch nhà cửa khiến cho mọi người đều hoảng sợ, lo lắng, an ninh trật tự an toàn xã hội luôn bị đe dọa bởi tệ nạn. Đã có biết bao trung tâm cải tạo được xây dựng với đội ngũ quản giáo, nhân viên tận tình giáo dưỡng nhưng không thấm là bao với thực trạng tệ nạn xã hội hiện nay. Giải pháp tốt nhất để loại trừ tệ nạn ra khỏi đời sống của chúng ta chính là mỗi người nên tự nâng cao nhận thức của mình tránh xa các tệ nạn xã hội, sống đời sống lành mạnh, văn minh. Mỗi gia đình phải là môi trường giáo dục cho con cái hiểu rõ về tác hại của các tệ nạn xã hội, phối hợp với nhà trường để quản lý con thật tốt, kịp thời ngăn chặn tệ nạn có cơ hội xâm nhập. Xã hội và cộng đồng cần tuyên truyền rộng rãi và mạnh mẽ hơn nữa, trở thành rào chắn tốt nhất trước các tệ nạn xã hội.
Tệ nạn xã hội không chừa bất cứ ai, đặc biệt học sinh chúng ta lại là đối tượng dễ bị dụ dỗ nhất. Hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và cần thiết về các loại tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống học tập rèn luyện lành mạnh. Tránh bị dụ dỗ và nên khuyên can bạn bè nếu có ý định sa vào tệ nạn. Bảo vệ bản thân trước tệ nạn xã hội là bảo vệ gia đình và cả xã hội.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |