Chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố là một trong những nhân vật nổi bật nhất với đức tính tiêu biểu của người phụ nữ sống trong xã hội đầy bất công ấy. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” đã khắc họa một cách rõ nét hình tượng nhân vật chị Dậu vừa hiền lành nhịn nhục nhưng khi bị đẩy vào bước đường cùng lại vùng dậy mạnh mẽ đấu tranh.
Trước hết chị Dậu là một người rất yêu thương chồng con. Giữa cơn sưu thuế khốc liệt ở làng Đông Xá những ngày ấy, chị Dậu đã phải chịu bao nỗi đắng cay tủi nhục. Nào bán con, bán chó rồi đến cả hai gánh khoai- của cải cuối cùng còn lại trong nhà. Chưa dừng lại ở đó, chồng chị là anh Dậu bị đánh đập hết sức dã man vì chưa nộp sưu, bị bọn tuất đinh quẳng về nhà như một cái xác không hồn.
Tuy vậy, chị vẫn cố gắng giữ bình tĩnh để chăm sóc, cứu anh khỏi tay thần chết. Nấu xong bát cháo, quạt nguội, bưng bát cháo đến chỗ chồng nằm, chị động viên anh “Thầy em hãy ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột”. Hành động của chị chứa bao nỗi niềm thương yêu với chồng. Tình cảm của người vợ như hơi ấm dịu dàng thức tỉnh sự sống cho người chồng, đưa anh Dậu từ cõi chết về với sự sống.
Chị Dậu là con người biết chịu nhẫn nhục. Trong ứng xử với bọn cai lệ, chị Dậu luôn giữ thái độ nhã nhặn, nhún nhường, đủ tình đủ lý. Khi bọn cai lệ xông đến đòi bắt anh Dậu đi , chị phải van xin rồi van lạy chúng. Khi bọn cai lệ nói năng thô tục, chị Dậu vẫn khiêm nhường gọi chúng là “ông”, “các ông” và xưng là “cháu”, “nhà cháu”. Người nông dân khốn khổ ấy đã cố chịu đựng, cố kìm nén mọi nỗi đau khổ kể cả bị sỉ nhục để bảo vệ tính mạng cho người chồng. Đó cũng là biểu hiện của người tự nhận thức mình là phận dưới, giữ mình trong khuôn khổ của phép tắc xã hội.
Nhưng “tức nước” rồi cũng sẽ “vỡ bờ”. Nhẫn nhục đã đủ, chị Dậu đã đứng dậy vùng lên chống trả kẻ thù. Sau khi bị tên cai lệ đánh và đe dọa không tha anh Dậu, chị Dậu “tức quá, không thể chịu được, cự lại”. Và tiếp sau đó người đàn bà giàu tình thương chồng và ngùn ngụt lòng căm hận đã nghiến hai hàm răng thách thức kẻ thù: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”.
Cách xưng hô không còn khiêm nhường là “ông- cháu”, “ông- tôi” nữa mà đã biến thành “mày- bà”. Tình thế đã thay đổi, con người ấy không còn chịu nhẫn nhịn nữa mà đã vùng lên với một sức mạnh phi thường. Không kết thúc ở lời đe dọa, với sức khỏe của người đàn bà lực điền, chị “túm ngay cổ” tên cai lệ, “ấn dúi ra cửa” làm cho “hắn ngã chỏng queo”.