Trong cuộc sống nói chung và công việc nói riêng không phải ai cũng hoàn hảo tất cả mọi mặt. Đôi khi chúng ta cũng có khuyết điểm, nhưng nhận ra khuyết điểm của bản thân và tự khắc phục nó không phải là dễ.
Vì vậy, chúng ta cần nhận được góp ý từ người khác để biết được điểm yếu của bản thân. Nhưng không phải ai cũng biết cách tiếp cận lời phê bình sao cho hiệu quả, đôi khi bản thân chúng ta còn thấy khó chịu. Vậy chúng ta cần đón nhận lời phê bình như thế nào?
1. Giữ cho bản thân thật bình tĩnh và không đổ lỗi
Chẳng mấy ai thích nghe người khác chê mình, ít nhiều chúng ta cũng sẽ phản ứng lại những lời phê bình đó. Hãy giữ tinh thần bình tĩnh để lắng nghe lời góp ý, không nên phản ứng lại một cách nóng nảy vì tinh thần không bĩnh tĩnh sẽ càng làm cho sự việc đi theo hướng xấu hơn.
Bạn cần biết cầu thị, lắng nghe sẽ giúp người phê bình góp ý chân thành hơn. Khi có người phê bình đừng chỉ biết đổ lỗi của mình cho ai hoặc điều gì khác.
2. Hãy nghĩ xem bạn có được gì từ lời phê bình đó
Có những lời phê bình đôi khi không phải là mang lại ý tốt đẹp cho chúng ta mà mang tính chê bai, giễu cợt. Nhưng không phải tất cả lời phê bình đều như vậy. Những lời góp ý chân thành và đúng đắn đôi khi đến từ những nguồn không chính thống. Dù có tức giận hay không thoải mái thì bạn hãy nghĩ đến bạn nhận được những gì từ lời phê bình đó. Từ những góp ý của người khác, bạn có thể phát triển thêm kỹ năng cho riêng mình.
3. Biết cách lắng nghe
Nếu ai đó phê bình bạn thì bạn cần biết lắng nghe thì mới có được sự thống nhất từ hai phía. Khi người đối diện đang nói thì hãy để cho họ trình bày hết quan điểm, lời góp ý đừng có xen ngang vội. Bạn cũng không nên phản bác lại những lời không hợp lý trong câu nói của họ ngay. Hãy suy nghĩ và làm rõ điểm chính trong lời phê bình của người khác để họ có thể kiểm tra lại những điểm sai trong lời nói của họ.
Lắng nghe lời phê bình và tự rút ra kinh nghiệm không phải là dễ nhưng đó là điều cần thiết để bạn trưởng thành trong cuộc sống, công việc.
4. Nói lời cảm ơn với người góp ý với mình
Dù người khác góp ý ít hay nhiều chúng ta nên cảm ơn họ. Vì chúng ta cũng nhận được khá nhiều lợi ích từ những phê bình của học. Lời cảm ơn không có nghĩa bạn hoàn toàn đồng ý mà đó là sự quan tâm, trân trọng của bạn với những gì người khác nói về bạn. Việc chúng ta không dễ dàng đón nhận những lời phê bình cũng giống như việc người khác thấy khó khăn khi phải phê bình bạn. Hãy cảm ơn tới họ.
Một khi chúng ta có điểm yếu, điểm chưa tốt thì lời phê bình là cách tốt để bản thân chúng ta hiểu về nó. Bạn sẽ trưởng thành hơn nhờ lời góp ý từ xung quanh để hoàn thiện bản thân. Chúng ta cần dẹp bỏ lòng tự ái và dám nhìn nhận thất bại của chính mình thì mới phát triển được.