LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

“Mặc dù là kiểu nhân vật tư tưởng, nhưng Nhĩ vẫn hiện lên sống động, hấp dẫn, chứ không bị biến thành cái loa phát ngôn cho nhà văn”. Em hãy phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Bến quê (phần trích trong Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục) của nhà văn Nguyễn Minh Châu để làm sáng tỏ nhận định trên

“Mặc dù là kiểu nhân vật tư tưởng, nhưng Nhĩ vẫn hiện lên sống động, hấp dẫn, chứ không bị biến thành cái loa phát ngôn cho nhà văn”.
Em hãy phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Bến quê (phần trích trong Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục) của nhà văn Nguyễn Minh Châu để làm sáng tỏ nhận định trên.

2 trả lời
Hỏi chi tiết
632
1
1
Khánh Ly
21/06/2021 23:12:42
+5đ tặng

Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng có một định nghĩa bằng thơ rất hay về quê hương:

   “Quê hương là chùm khế ngọt

   Cho con trèo hái mỗi ngày

   Quê hương là đường đi học

   Con về rợp bướm vàng bay…”

   Thực vậy, trên thế gian này có bao nhiêu con người thì có bây nhiêu cách định nghĩa khác nhau về quê hương. Nhưng hiểu một cách chung nhất, quê hương là điểm đến của tâm linh, điểm về của mọi xáo trộn tâm hồn và là nơi để ta có thể nương tựa sau những vấp ngã, khó khăn trên đường đời. Bởi đơn giản quê hương chính là nơi lưu giữ những kỉ niệm ngọt ngào và là nơi luôn tồn tại những tấm lòng giàu tình yêu thương, sẵn sàng dang rộng vòng tay để đón chúng ta vào lòng. Cũng nhận ra được điều đó, Nguyễn Minh Châu – một nhà văn luôn có những suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu sắc về con người và cuộc đời đã viết lên truyện ngắn “Bến quê” (1985) nhằm thức tỉnh người đọc biết nhận ra và biết trân trọng những vẻ đẹp gần gũi, bình dị, vững bền và quý giá của gia đình, quê hương.

   Truyện được kể theo ngôi thứ ba nhưng toàn bộ diễn biến câu chuyện được nhìn qua lăng kính tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật Nhĩ với một hoàn cảnh đặc biệt: sắp giã từ cuộc đời. Vì thế, làm cho dòng trần thuật chuyển hóa thành dòng độc thoại nội tâm với những suy ngẫm, triết lí khái quát về con người và cuộc đời của Nhĩ. Từ đó, giúp cho câu chuyện trở nên chân thực, sinh động, đồng thời toàn bộ tư tưởng, chủ đề của truyện được truyền tải một cách dễ dàng, tự nhiên, gần gũi và sâu sắc.

   Trước hết, truyện ngắn “Bến quê” đã được nhà văn tạo dựng bằng một tình huống truyện độc đáo mang đầy những nghịch lí, éo le. Nhĩ – một con người đã từng chu du đi khắp nơi trên trái đất với bất kể xó xỉnh nào anh cũng đã từng đặt chân tới nhưng đến phút giây cuối đời anh lại phải cột chặt thân mình bên giường bệnh. Và khi phải bó mình trên chiếc giường chật hẹp, không đi lại được anh mới chợt nhận ra vẻ đẹp giàu có của bãi bồi bên kia sông Hồng – nơi mà anh chưa từng đặt chân đến và vẻ đẹp tâm hồn của người vợ nhưng tiếc thay đã quá muộn màng. Tạo ra một tình huống nghịch lí ấy, tác giả muốn hướng tới một nhận thức mang tính chiêm nghiệm: cuộc sống và số phận con người chứa đầy những điều bất thường, nghịch lí, ngẫu nhiên, vượt ra ngoài những dự định và ước muốn, cả những hiểu biết và toan tính của con người. Do không thể trực tiếp thực hiện được khát vọng đi tới “miền đất mơ ước” ấy, nên Nhĩ đã nhờ vả đứa con trai thay mình đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Nhưng cậu bé đã không hiểu được ý cha nên nó chịu đi một cách miễn cưỡng và rồi bị cuốn vào trò chơi phá cờ thế bên dọc đường, có thể làm lỡ mất chuyến đò duy nhất trong ngày. Anh nhớ lại thời trai trẻ của mình cũng ham chơi như thế, vả lại nó cũng chưa nhận ra sự hấp dẫn bên kia sông, nên anh không hề trách cậu bé. Từ đó, anh rút ra một triết lí có tính chất tổng kết, chiêm nghiệm về qui luật của cuộc đời con người: “Con người ta trên đường đời khó tránh khỏi những điều vòng vèo hoặc chùng chình”. Nhĩ một con người của thời đại mới chỉ biết chạy theo những ước vọng xa vời mà lãng quên đi những vẻ đẹp bình dị, thân quen mà mình đang có. Để rồi khi vấp ngã, khi phải sắp chia xa với cuộc sống này vĩnh viễn thì anh mới chịu nhận ra quê hương, gia đình, người vợ mới là bến đậu, là nơi nương tựa bình yên và vững chắc nhất cho con người sau hành trình đi xa trở về. Mặc dù nhận thức của Nhĩ dẫu có chút muộn màng nhưng dù sao anh cũng đã kịp nhận ra trước sự sai lầm của mình, giúp anh cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng.

   Cuối truyện, nhà văn miêu tả chân dung và hành động của Nhĩ với vẻ không bình thường: “mặt mũi Nhĩ đỏ rựng một cách khác thường, hai con mắt long lanh chứa một nỗi say mê đầy đau khổ, cả mười đầu ngón tay Nhĩ đang bấu chặt vào cái bậu cửa sổ, những ngón tay vừa bấu chặt vừa run lẩy bẩy. Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó”. Hành động đó của Nhĩ thể hiện sự nôn nóng, thức giục con trai hãy mau mau đi đi không lại lỡ mất chuyến đò. Hay đó chính là điều mà tác giả muốn gửi gắm cho chúng ta đừng để mất thời gian vô ích cho những cái “chùng chình”, “vòng vèo” trên đường đời mà hãy hướng tới những giá trị đích thực, giản dị, bền vững quanh ta.

   Trong truyện, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng rất nhiều những hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng, có sức chứa đựng khái quát về tư tưởng, chủ đề của truyện với hai lớp nghĩa: tả thực và tượng trưng. Mở đầu truyện là hình ảnh thiên nhiên rất đẹp, thơ mộng với bãi bồi bên kia sông Hồng của tiết trời đầu thu trong buổi sớm bình minh. Đó chính là vẻ đẹp đời sống bình dị, thân thuộc, gần gũi quanh ta như bãi bồi, bến sông mà mở rộng ra là quê hương, làng xóm. Những bông hoa bằng lăng cuối mùa còn sót lại trên cành xòe nở ra một màu tím thẫm; tiếng đất đá lở bên bờ sông, những cơn lũ đầu nguồn đổ về lúc gần sáng… có ý nghĩa biểu tượng cho sự sống của Nhĩ rất mong manh, lóe lên rồi vụt tắt trong những ngày cuối cùng của cuộc đời….Hình ảnh đứa con trai sà vào trò chơi phá cờ thế trên dọc đường biểu tượng cho sự “chùng chình”, “vòng vèo” trong cuộc sống mà con người khó có thể tránh khỏi, rứt ra được….

   Có thể nói, với truyện ngắn “Bến quê”, Nguyễn Minh Châu đã sử dựng ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật thật tinh tế, thấm đượm tinh thần nhân đạo. Nếu như các nhà văn xưa, khi đặt nhân vật trong hoàn cảnh phải đối diện giữa sự sống và cái chết thường hướng tới sức mạnh tinh thần, ý chí nghị lực để vươn lên, chiến thắng nỗi sợ hãi thông thường hay biểu trưng cho sự hi sinh lớn lao, cao cả , thiêng liêng như “Chiếc lá cuối cùng” của O Hen – ri, “Tình yêu cuộc sống” của Giắc Lân – đơn … thì Nguyễn Minh Châu lại không đi theo cái lối mòn ấy mà lại lựa chọn và xây dựng lên một tình huống khác lạ, độc đáo: đặt nhân vật vào hoàn cảnh sắp từ giã cõi đời để hướng tới sự chiêm nghiệm triết lí về con người và cuộc đời. Bởi khi con người từng trải đang sống nốt những giây phút ít ỏi còn lại của mình thì mới đủ chín chắn và trưởng thành để có thể đưa ra những bài học có tính chất tổng kết một cách sâu sắc về cuộc đời con người được. Cách tư duy đó của nhà văn từ đó cũng giúp cho câu chuyện không chỉ tự nhiên mà còn trở nên thuyết phục, giàu tính nhân văn, nhân đạo hơn. Hay nói cách khác là nhà văn không trực tiếp giao giảng, áp đặt chân lí vào người đọc mà ngược lại thông qua một cuộc đời, một số phận con người để tự rút ra những suy ngẫm của riêng mình nhưng đó lại là suy nghĩ chung, phù hợp với tất cả mọi người. Vì vậy, tuy nhân vật Nhĩ là nhân vật tư tưởng nhưng đã không bị biến thành “cái loa phát thanh” cứng nhắc cho tác giả mà ngược lại số phận, hoàn cảnh của nhân vật lại là “công cụ” đắc lực hợp tình hợp lí để truyền tải tư tưởng của Nguyễn Minh Châu.

   Tóm lại, truyện ngắn “Bến quê” rất tiêu biểu cho nghệ thuật trần thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu, có sự kết hợp khéo léo giữa tự sự, trữ tình và triết lí. Đồng thời cho thấy tài năng dựng truyện tự nhiên, hợp lí, cách miêu tả tâm lí nhân vật độc đáo, thể hiện được những suy ngẫm của nhân vật, kết hợp với những hình ảnh, chi tiết giàu ý nghĩa biểu tượng. Từ đó, làm nổi bật tư tưởng, chủ đề mà tác giả gửi gắm. Khép lại “Bến quê” cũng như biết bao nhiêu những trang văn khác của Nguyễn Minh Châu, người đọc nhận ra những điều gửi gắm của nhà văn: con người cần phải nhìn lại mình, cần biết trân trọng những giá trị vững bền, bình dị của gia đình và quê hương mà ta đang có.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
1
Hằngg Ỉnn
21/06/2021 23:22:23
+4đ tặng

Không hiểu sao, đã từ lâu, khi đọc Bến quê, tôi cứ đinh ninh đây là bản di chúc nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu gửi lại cho đời, được ông viết ngay từ hơn bốn năm trước lúc ra đi, và hơn hai năm khi biết mình bị trọng bệnh - bệnh ung thư máu. Trong một dung lượng cho rất kiệm, chỉ khoảng sáu trang sách (Bến quê có lẽ thuộc trong số những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Minh Châu), nhà văn đã gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc, minh triết về cuộc đời con người, chỉ có thể có được khi một người đã đi gần trọn đời mình, nhìn lại và vượt qua mọi ham hố, danh vọng, ảo tưởng, để thấu đạt tới những giá trị đích thực, giản dị và bền vững của cuộc sống.

Cũng như ở nhiều truyện ngắn thành công khác của mình, Nguyễn Minh Châu đã sáng tạo một tình huống đặc biệt trong Bến quê để đặt nhân vật vào đó mà soi rọi vào thế giới bên trong của họ, làm bật lên vấn đề tư tưởng của truyện. Tình thế (theo cách gọi của Nguyễn Minh Châu) hay tình huống trong Bến quê là một hoàn cảnh đầy vẻ nghịch lí. Nhân vật chính của truyện - anh Nhĩ - từng đi khắp mọi nơi trên Trái đất, về cuối đời lại bị cột chặt vào giường bệnh bởi một căn bệnh hiểm nghèo đến nỗi không thể tự mình dịch chuyển lấy vài mươi phần trên chiếc phản hẹp kê bên cửa sổ.

Nhưng cũng chính vào một buổi sáng trong những ngày cuối đời mình, từ cửa sổ căn gác, Nhĩ đã nhận ra được ở vùng đất bãi bồi bên kia sông, nơi bến quê quen thuộc, một vẻ đẹp binh dị mà hết sức quyến rũ.

Vào cái buổi sáng đầu thu ấy, từ trên chiếc phản hẹp kê bên cửa sổ căn gác nhà mình, Nhĩ đã gặp nơi không gian ngoài kia những vật quen thuộc lại được hiện ra trong những màu sắc và vẻ đẹp lần đầu anh được thấy. Những bông hoa bằng lăng thưa thớt cuối mùa như tím thêm hơn. Tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen lẫn vào màu xanh non những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ. Cảnh bãi bồi bên kia sông, một không gian gần gũi và quen thuộc vẫn hiện ra phía trước cửa sổ nhà Nhĩ, nhưng anh lại chưa một lần đặt chân đến, dù suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên Trái đất. Bởi thế, cái bờ bên kia sông Hồng đối với Nhĩ là một chân trời gần gũi mà xa lắc.

Cũng trong những ngày này, khi nằm liệt giường, nhận sự chăm sóc đến từng miếng ăn, ngụm nước của người vợ, Nhĩ mới cảm thấy hết nỗi vất vả của vợ, sự tần tảo, tình yêu và đức hi sinh thầm lặng của vợ mình. Cũng như nhiều nhân vật phụ nữ khác của Nguyễn Minh Châu, Liên - người vợ của Nhĩ - là hiện thân của vẻ đẹp tâm hồn, lòng vị tha và đức hi sinh thầm lặng, khiêm nhường. Những cử chỉ dịu dàng chăm sóc tỉ mỉ, ân cần, những lời động viên và sự thấu hiểu tâm trạng của chồng, rồi tấm áo vá và những bước chân đi rất nhẹ trên bậc cầu thang gỗ đã mòn lõm - bấy nhiêu chi tiết ấy đã đủ nói lên nhân vật Liên, dù chỉ hiện ra chốc lát ở phần đầu của truyện, cũng để lại cho người đọc về một hình tượng đẹp, giản dị mà sâu xa. Sau bao năm tháng bôn tẩu, mà cuộc đời dành cho những chuyến đi khắp chân trời, đến lúc này, ở những ngày cuối đời mình, Nhĩ mới thấy và hiểu được nơi bến đậu bình yên, điểm tựa cho cuộc đời anh chính là gia đình, là người vợ suốt đời tảo tần, thầm lặng. Nhĩ nói với Liên bằng cả lòng biết ơn xen lẫn niềm ân hận: Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm... mà em vẫn nín thinh. Và Liên đã trả lời: có hề sao đâu... miễn là anh sống, luôn luôn có mặt anh, tiếng nói của anh trong gian nhà này...

Trong cái buổi sáng có lẽ cuối cùng cua cuộc đời mình, Nhĩ vô cùng khao khát được một lần đặt chân lên bờ bãi bên kia sông, cái miền đất thật gần gũi nhưng đã trở nên rất xa lạ với anh. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và sâu xa của cuộc sống — những giá trị thường bị người ta bỏ quên, nhất là lúc còn trẻ, khi những ham muốn xa vời đang lôi cuốn con người tìm đến. Sự thức nhận này chỉ đến khi người ta đến độ đã từng trải, với Nhĩ là cuối đời, khi phải nằm liệt trên giường bệnh. Đấy lại là một nghịch lí trớ trêu của cuộc đời: Khi nhận ra được những giá trị đích thực và giản dị của đời sống, thì người ta lại không còn thời gian và khả năng có thể đạt tới được. Bởi thế, ở Nhĩ sự thức tỉnh có xen với niềm ân hận và nỗi xót xa. Không thể nào làm được cái điều mình khao khát, Nhĩ đã nhờ đứa con trai thay mình đi sang bên kia sông, đặt chân lên bãi phù sa màu mỡ. Nhưng ở đây anh đã gặp một nghịch lí nữa: đứa con không hiểu được ước muốn của cha, nên làm một cách miễn cưỡng và bị cuốn hút vào những trò chơi hấp dẫn nó gặp trên đường đi, để rồi cứ thế lỡ chuyến đò sang ngang duy nhất trong ngày. Từ sự việc ấy, Nhĩ đã nghiệm ra được cái quy luật phổ biến của đời người: Con người ta đi trên đường đời thật khó tránh khỏi những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình. Anh không trách đứa con trai bởi vì: Nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Họa chăng chỉ có anh đã từng trải, đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bên kia, cả trong những nét tiêu sơ, và cái điều riêng anh khám phá thấy giống như một niềm mê say pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn, lời lẽ sẽ không bao giờ giải thích hết.

Ở đoạn kết, khi thấy con đò ngang vừa chạm mũi vào bờ đất bên này sông, Nhĩ đã làm một cử chỉ có vẻ kì quặc, nhưng với anh là điều vô cùng hệ trọng và khẩn cấp: Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát, y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó. Hành động cuối cùng này của Nhĩ có thể hiểu anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Những hình ảnh này còn gợi ra một ý nghĩa khái quát hơn. Đó là ý thức muốn thức tỉnh mọi người về cái vòng vèo, chùng chình mà chúng ta đang sa vào trên đường đời, để dứt ra khỏi nó, để hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững.

Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 đều là những quan sát, chiêm nghiệm của nhà văn về cuộc đời và con người. Ngòi bút của Nguyễn Minh Châu hướng vào đời sống thế sự, nhân sinh thường ngày, để phát hiện những chiều sâu của đời sống với bao nhiêu quy luật và những nghịch lí, vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp trong những cách nhìn, cách nghĩ quen thuộc của xã hội và của chính tác giả. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Minh Châu là những cuộc đối chứng với quan niệm và nhận thức cũ để nhận và thấu hiểu cái điều mà tác giả gọi là cuộc đời vốn đa sự, con người thì đa đoan. Điều đặc sắc trong Bến quê là ở chỗ triết lí của truyện có những chiêm nghiệm thâm trầm mà giản dị, mang ý nghĩa tổng kết của một đời người, chỉ có thể có được dưới ngòi bút của một nhà văn thực sự thấu hiểu lẽ đời, tình đời, không chỉ sống nhiều mà còn có năng lực nghiệm sinh sâu sắc.

Tạo nên thành công đặc sắc của truyện không phải chỉ có những triết lí thâm trầm đã phân tích ở trên, mà còn bởi một nghệ thuật viết truyện già dặn của tác giả: từ ngòi bút miêu tả thiên nhiên để miêu tả và phân tích tâm lí đều hết sức tinh tế, sáng tạo tình huống chứa nhiều ý nghĩa, sử dụng nhiều hình ảnh và chi tiết nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng. Sáng tạo hình ảnh biểu tượng vốn là một sở trường của ngòi bút Nguyễn Minh Châu. đặc biệt trong truyện ngắn, ở Bến quê hầu như mọi chi tiết hình ảnh đều mang hai lớp nghĩa: nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Hai lớp nghĩa này gắn bó thống nhất, khiến cho các hình ảnh không bị tước đi giá trị tạo hình và sức gợi cảm để chỉ còn lại hình ảnh ước lệ. Ý nghĩa biểu tượng được gợi ra từ hình ảnh thực, nhưng phải xem xét trong cả hệ thống hình ảnh và chỉ có thế toát lên khi đặt vào sự quy chiếu của chủ đề tác phẩm.

Những bông hoa bằng lăng cuối mùa mang màu sắc như đậm hơn, tiếng những tảng đất lở bên sông này, khi cơn lũ đầu nguồn dồn về, đổ ụp xuống vào giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng, hai chi tiết này gợi ra cho biết sự sống của nhản vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng. Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được dựng lên trong truyện thực ra cũng mang ý nghĩa khái quát, biểu tượng. Đó là vẻ đẹp của đời sống trong những cái gần gũi, bình dị thân thuộc như một bến sông quê, một bãi bồi... rộng ra là quê hương, xứ sở.

Chi tiết đứa con trai của Nhĩ sa vào đám chơi phá cờ thế bên đường và hình ảnh Nhĩ với những động tác, cử chỉ khác thường ở cuối truyện đều mang ý nghĩa biểu tượng rất rõ. Việc sử dụng đậm đặc các hình ảnh và chi tiết biểu tượng làm cho tác phẩm của Nguyễn Minh Châu chứa đựng nhiều tư tưởng và ý nghĩa sâu rộng hơn ý nghĩa thực của cái được miêu tả, lại có khả năng gợi mở nhiều liên tưởng, suy ngẫm ở người đọc.

Hành trình sáng tạo của Nguyễn Minh Châu đã đột ngột dừng lại lúc tài năng và tư tưởng nhà văn đạt tới độ chín, cũng là khi công cuộc đổi mới văn học nước ta bước vào chặng đầu. Trong cuộc Hội thảo tưởng niệm Nguyễn Minh Châu nhân ngày giỗ đầu của ông, nhà văn Nguyên Ngọc đã tôn vinh Nguyễn Minh Châu thuộc số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay. Trong con người và mỗi trang sách của Nguyễn Minh Châu, dưới cái vẻ khiêm nhường, thâm trầm, giản dị luôn cháy sáng một ngọn lửa nồng đượm - ngọn lửa được thắp lên từ khát vọng tìm kiếm sự thật và tinh thần nhân bản bền vững, tình yêu thương con người đến khắc khoải như một mối quan hoài. Ngọn lửa ấy vẫn tiếp tục được tỏa ánh sáng và truyền sức nóng của nó đến các thế hệ người đọc.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư