Những năm trước, nhiều nhà phê bình Xô viết đã nhận ra Gorki ngoài những tác phẩm hiện thực, còn có những tác phẩm mang chất huyền thoại, giàu chất triết lý, như truyện Makar Tsudra, Truyền thuyết về Marco, bài thơ Cô gái và thần chết, thậm chí có những truyện như Khan và con trai của ông, Khan (thủ lĩnh của bộ tộc) được hàng trăm thiếu nữ của các bộ tộc yêu. Trong đó ông chỉ yêu say đắm một người đàn bà Côdắc. Có lần ông đã hứa với con trai nếu anh tiếp tục xứng đáng với tước Khan thì sẽ được ban thưởng bất cứ vật gì quý giá nhất mà anh muốn. Một hôm, trong một bữa tiệc, người con trai nói: “Hãy trao cho con người đàn bà Côdắc...”. Người cha buộc lòng phải đồng ý, song ông đau khổ đến điên cuồng và ông không thể trao người đàn bà đó cho con trai được. Người con cũng không bằng lòng với cách giải quyết của cha. Cuối cùng họ quyết định quăng người đàn bà xuống biển sâu thì ông ta cũng lao mình xuôi theo dòng nước. Nếu trong Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo, vị giáo sĩ và thằng gù Quasimodo cùng yêu Esméralda thì trong Khúc giao hưởng đồng quê của André Gide, hai cha con viên mục sư cùng yêu Julie giống như trong Khan và con trai của ông ta của Gorki. Ở đây, Gorki thể hiện tính người, cá tính của nhân vật, không đặt vấn đề đấu tranh giai cấp, những tác phẩm như vậy trước đây chưa được đánh giá đúng mức. Nhiều nhà phê bình Trung Quốc đã nhận ra Lỗ Tấn ngoài những tác phẩm hiện thực lãng mạn còn có những tác phẩm mang chất huyền ảo, đôi khi thần bí như Thuốc, Vá trời, Đúc kiếm, tập thơ văn xuôi Cỏ dại, trước đây chưa được đánh giá đúng mức. Lỗ Tấn cũng thích cái chất tượng trưng ấn tượng “âm lãnh” và “thần bí u thâm” của Andrejev, và cho rằng “sáng tác của Andrejev đều chứa tính hiện thực nghiêm túc và sâu sắc tinh tế, khiến chủ nghĩa tượng trưng ấn tượng và chủ nghĩa tả thực điều hòa với nhau. Trong các nhà văn Nga, không người nào có thể giống như sáng tác của ông, xóa bỏ khoảng cách giữa thế giới bên trong và biểu hiện bên ngoài, mà hiện ra cảnh giới linh hồn xác thịt nhất trí. Tác phẩm của ông tuy rất có hơi hướng tượng trưng ấn tượng, nhưng vẫn không mất tính hiện thực của nó” (Lời ghi thêm của dịch giả trong cuốn Trong khói mù ảm đạm, Toàn tập Lỗ Tấn quyển 10, trang 185, Nhà xuất bản Nhân dân văn học Bắc Kinh, 1981). Nếu chỉ chú ý đến tính hiện thực trong tác phẩm của Tchekhov, thì sẽ bỏ quên những truyện huyền thoại mang chất triết lý sâu sắc như Người tu sĩ vận đồ đen. Balzac, nhà văn hiện thực vĩ đại nhưng cũng có những tác phẩm loại nghiên cứu triết lý: Miếng da lừa, Đi tìm tuyệt đối, Louis Lambert và Séraphita, chịu ảnh hưởng của tư tưởng thần bí, nhu cầu hội thông với Thượng đế và huyền nhiệm của sự vật. Kiệt tác chưa biết đến suy tư về ước muốn đạt đến cái đẹp lý tưởng. Những kẻ lưu đày nói về một nhà thần học huyền bí, Sigier hướng dẫn hai môn đồ khám phá tiền kiếp của họ.
Không phải chỉ phê phán, tố cáo xã hội cũ mới là nhà văn hiện thực. Truyện Bùi Hiển viết về phong tục xứ Nghệ cũng như những truyện Alphonse Daudet viết về phong tục miền Nam nước Pháp, như Tartarin ở Tarascon, Tartarin trên núi Alpes, Cảng Tarascon, Fromont em và Risler anh... không đặt vấn đề đấu tranh giai cấp, nhưng vẫn mang tính hiện thực. Nếu Daudet miêu tả anh chàng Tartarin ba hoa, nói khoác nhưng tốt bụng, thì Bùi Hiển tả Can trong Chuyện ông ba bị dân chài, tuy bề ngoài có vẻ dữ dằn đến nỗi chị Ngò mượn anh đóng vai “ông ba bị” để dọa con, nhưng sau đó chị đã xúc động trước sự chăm làm, tốt bụng của anh. Chị Đỏ Câu trong Ma đậu, chê chồng chỉ vì anh xấu trai, nhưng anh lại chăm làm, cả hai đều là nông dân lao động cả, chị có bị cha mẹ ép gả cho con nhà địa chủ đâu, việc chê chồng đó thuộc loại “mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”, vẫn còn có cách giải quyết, cũng như “bát đũa còn có khi xô”, vợ chồng nông dân mắng nhau, chị vợ nằm ăn vạ nhưng “già néo đứt dây”, gặp phải anh chồng cục, lúc đầu định “lành làm gáo, vỡ làm muôi”, đâm “chuyện bé xé ra to”, nhưng cuối cùng vẫn có thể làm lành với nhau, vì chồng và mẹ chồng đều nhận rằng chị “tuy xấu tính thực nhưng hay làm, đảm đang tất cả việc trong nhà”. Bản chất của người nông dân là hay làm, anh Đỏ trong Nằm vạ và chị Đỏ Câu trong Ma đậu đều hay làm, đó là cái chính; còn xấu trai, xấu nết chỉ là cái phụ, đâu có gì ghê gớm như Chu Nga viết: “Sự nằm vạ hay chê chồng của phụ nữ đều có nguyên nhân sâu xa nằm trong bản chất xã hội”. Nếu chỉ vì nam nữ nông dân xấu trai, xấu tính mà “đấu tranh” với nhau, đi đến bỏ nhau, thì xã hội phong kiến đã tuyệt diệt từ lâu rồi, không thể kéo dài đến hàng nghìn năm. Ngay cả những cô gái nông dân bị ép tiến cung, hay ép gả cho con nhà quan lại địa chủ cũng không phải tất cả đều “đấu tranh quyết liệt”, mà phần lớn đều âm thầm chịu đựng, đấy cũng là một mặt hiện thực xã hội, chính “sức ỳ” tiêu cực thụ động đó khiến xã hội phong kiến có thể kéo dài hàng nghìn năm. Cách mạng thức tỉnh người nông dân đứng lên đấu tranh chống phong kiến là chuyện về sau, không thể bắt tất cả những truyện viết trước cách mạng, kể cả những truyện phản ánh những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đều phải thể hiện đấu tranh giai cấp. Trong tranh luận văn học kịch liệt, Lỗ Tấn hiểu rõ tính giai cấp của văn học, nhưng là đều mang chứ không phải là chỉ có (Tính giai cấp của văn học, Toàn tập Lỗ Tấn, quyển 4, trang 127), nêu lên mối quan hệ phức tạp giữa tính người, cá tính, tính giai cấp, tính xã hội và văn hóa tinh thần trong xã hội với văn nghệ. Chuyện A.Q tự nhủ “Nó đánh mình là nó đánh bố nó”; chuyện chị Tường Lâm góa chồng đi làm người ở, bị mẹ chồng bắt về bán cho người miền núi làm vợ, lúc tế trời đất đập đầu thủng một lỗ lớn, nhưng ít lâu sau đã đẻ ra một đứa con mập; chuyện lão Hoa Thuyên mê tín cho rằng bánh bao chấm máu người bị tử hình có thể chữa khỏi bệnh ho lao... những cái đó không nằm trong bản chất giai cấp của nhân vật. Tác giả phản ánh trung thực những hiện tượng xã hội ấy cũng đã là hiện thực rồi, cũng không phải tác phẩm không đáp ứng đầy đủ yêu cầu của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đều là tự nhiên chủ nghĩa. Người nông dân hiền nhưng hay cục, khi chưa có Đảng lãnh đạo thì thường hay manh động, việc thằng Xin chém cụt tay kẻ ăn cắp tiền mồ hôi nước mắt dành dụm để lấy vợ, thì sự bùng nổ ở đây còn có nguyên nhân từ sự dằn vặt về khí huyết của một anh trai chưa vợ, vì nghèo nên chưa đủ tiền cưới vợ. Theo quan điểm thuộc phân tâm học của Freud, ý thức bị tiềm thức chi phối, nội dung của tiềm thức là bản năng nhục dục (libido). Khi bản năng nhục dục bị dồn nén thì có thể gây ra những hỗn loạn về mặt tâm thần.
Ý thức phát sinh từ sự xung đột giữa bản năng nhục dục và hoàn cảnh xã hội, chỉ khi con người dùng tự ngã khống chế được bản ngã và siêu ngã của mình, mới có được sự hoàn thiện của nhân cách. Thằng Xin vừa có mặc cảm bị khinh miệt vì đi hôi cá, muốn khỏi bị khinh miệt đã xin làm trai trên thuyền để dành dụm tiền cưới vợ, tiền ấy lại bị mất cắp. Không có cách nào thỏa mãn bản năng nhục dục bị dồn nén lâu ngày, sự bùng nổ ấy không phải là vô ý, trên thực tế là sự cố ý ở tầng sâu hơn, bởi vậy lầm lỗi là có ý nghĩa, khi nó phải mượn để biểu hiện một thứ “ý hướng” nào đó. Bùi Hiển cũng nhận mình viết truyện này có hơi hướng Freud. Lỗ Tấn cũng nhận rằng khi viết về Nữ Oa trong truyện Vá trời, ông đã chịu ảnh hưởng Freud. Việc anh Quân tự an ủi mình bằng cách vặn đồng hồ ăn gian thời giờ trong Cái đồng hồ, nào có khác gì phép “thắng lợi tinh thần” của A.Q. Trong người Bân khúm núm trước kẻ mạnh là chủ Tây bắt nạt kẻ yếu là vợ mình, cũng mang cái “căn tính nô lệ” như của A.Q. Ba anh học trò trêu đùa người bạn nhà quê và cô gái ế chồng trong Những nỗi lòng cũng vậy. Anh Cần cam chịu sống với người vợ quê mùa trong Hai anh học trò có vợ, nào có khác gì Nhuận Thổ. Ở đây, vấn đề là ở giá trị hiện thực có cao hay không, chứ không phải là hiện thực hay không hiện thực. Những truyện Người chồng, Cái đồng hồ, Ốm... chính là đi theo cái hướng viết về những người tiểu tư sản “sống mòn”, những “con người nhỏ bé” sống còm cõi trong môi trường của cái hàng ngày tẻ nhạt (griscaille quotidienne) giống như Tchekhov, Nam Cao, Thạch Lam... còn Nhà xác là một chuyện hiện thực nghiêm ngặt khi tác giả đưa ra chi tiết có những người chưa chết đã bị đem chôn.
Nếu bàn đến Chiều sương thì không thể cho Bùi Hiển “căn bản là một cây bút khách quan, mang màu sắc tự nhiên chủ nghĩa”.
Đây là một truyện thuộc loại hiện thực huyền ảo. Nếu như Alejo Carpentier đào sâu vào những lớp địa tầng văn hóa của châu Mỹ La tinh, thì Bùi Hiển cũng khơi lại những truyền thuyết lâu đời ghi lại trong ký ức người dân chài xứ Nghệ nước ta.
Những con ma biển đêm đêm xuất hiện trên thuyền để trêu chọc người sống và có lần một chiếc thuyền ma định dụ một chiếc thuyền lưới sống sót qua cơn bão đi theo mình lao vào ghềnh đá. Màn sương huyền ảo phủ lên truyện đã phóng đại lên nền trời hình ảnh sự kiếm sống khốc liệt của những người lao động trên biển cả, những ám ảnh trong chiều sâu tâm linh của họ, qua đó gợi lên ý nghĩa cuộc sống và cái chết.
Tiểu thuyết Về tình yêu và những con quỷ khác của Gabriel Garcia Marquez là sự nâng cao một câu chuyện do bà ông kể lại: chuyện về cô bé con nhà quý phái, chết vì bệnh dại của chó. Năm 1949, nhà báo trẻ Gabriel Garcia Marquez được Tổng biên tập của ông cử đến những di tích của tu viện Santa Clara, ở đó người ta đang khai quật những hầm mộ cổ. Ông thấy một đống xương, trong đó trồi lên một mái tóc dài màu nâu đồng của một bé gái. Bia mộ được ghi tên Sterva Maria. Qua cơn bàng hoàng và xúc động, trí tưởng tượng của Marquez bỗng nẩy ra ý tưởng rằng phần mộ này có thể là của cô bé quý phái trong câu chuyện bà ông kể. Gần nửa thế kỷ sau, Marquez đem câu chuyện đó viết thành tiểu thuyết. Sterva Maria là con gái của một ông hầu tước và một bà thường dân, bà này có “cái mông lớn hơn thân mình”. Cô bé bị con chó dại cắn ở mắt cá chân. Nhiều người bị con chó dại này cắn đã lên cơn dại mà chết. Sau mấy tuần chờ đợi, cô bé bắt đầu có những triệu chứng điên dại. Nhiều người cho rằng, quỷ đã nhập vào người cô, có người tự hỏi có phải tại con chó dại hay tại bà mẹ của cô có vẻ điên dại hơn con chó. Ông hầu tước bị mụ Lernada dâm đãng xúi giục đem nhốt cô trong tu viện. Ở đây cô bé lại được coi như một thần linh có thể nói ba thứ tiếng châu Phi. Và rồi quỷ nhập vào người cô dẫn cô đến những hành động điên loạn.
Từ ngàn xưa đến nay, con người có nhu cầu và hứng thú kể chuyện. Văn học là sự nối tiếp việc kể chuyện của con người khi chưa có chữ viết. Một nhà văn người Maroc là Tahar Ben Jelloun viết: “Kể những câu chuyện là một nghề nghiệp và một đam mê. Nguyên lý văn học cơ bản nhất của mọi thời đại là nguyên lý của Nghìn lẻ một đêm. Hãy kể cho ta một câu chuyện, hoặc là ta sẽ giết ngươi. Chúng ta buộc phải kể những câu chuyện, nếu không chúng ta sẽ mất đi”.
Trong diễn từ nhận giải Nobel văn học năm 1999, Guenter Grass viết: “Con người từ lâu đã kể chuyện. Trước khi loài người học viết rồi dần trở nên học thức, tất cả đã kể chuyện cho nhau nghe. Chẳng bao lâu người ta nhận ra một số những nhà kể chuyện thất học lại là người kể hay nhất – họ khiến mọi người tin vào chuyện bịa của mình. Và nhiều trong số đó tìm ra nghệ thuật ngăn dòng chảy bình yên của những câu chuyện, đưa chúng vào nhánh sông khô cạn và chuyển thành một dòng sông lớn tuy còn lổn nhổn vật bỏ đi nhưng đã có sườn cốt chuyện. Và bởi những nhà kể chuyện đơn sơ này – những người không lệ thuộc ban ngày hay ánh đèn mà còn biến bóng tối thành yếu tố gây hồi hộp – chỉ dừng lại để tạm cắt dòng hành động bằng câu “còn tiếp...” khi họ cảm thấy khán giả giảm sự chú ý, nhiều người nghe cảm thấy cần bắt đầu kể chuyện của riêng mình.
Những chuyện nào được kể khi chưa ai biết viết và vì thế chưa ai viết lại chúng? Từ thời của Cạn và Abel có những chuyện về giết người và tàn sát. Cừu hận đẫm máu luôn luôn thích hợp cho chuyện kể. Tội diệt chủng sớm bước vào truyện cùng lụt lội và hạn hán. Danh sách dằng dặc về nô lệ và gia súc được hồ hởi chấp nhận và chuyện kể chỉ đáng tin khi có phả hệ chi tiết, đặc biệt trong những chuyện anh hùng. Tam giác tình yêu, đến giờ còn phổ biến và truyện quái vật nửa người nửa thú đi trong mê cung hay nằm chờ trong cây cỏ thu hút con người ngay từ sớm. Chưa kể những huyền thoại thần thánh và ghi chép hải hành được truyền đời sửa chữa biến ảo đến mức khác hẳn ban đầu và rồi được ghi lại bằng người kể chuyện mà chúng ta tạm gọi là Homer, hay trong trường hợp linh thánh, bởi một nhóm nhà kể chuyện. Tại Trung Hoa và Ba Tư, Ấn Độ và cao nguyên Pêru, bất kỳ nơi đâu chữ viết phổ biến, những nhà kể chuyện – cá nhân, nhóm, vô danh hay tên tuổi – đã trở thành nhà văn.
Dù gắn bó với chữ viết, chúng ta vẫn lưu giữ ký ức về cách truyền miệng, nguồn gốc của văn học. Đó là điều hay bởi nếu ta quên rằng tất cả các chuyện kể đều xuất phát từ vành môi – có lúc không rõ ràng, do dự, có lúc nhanh như bị nỗi sợ dày vò, khi lại thì thầm để bảo mật – nếu niềm tin của chữ viết khiến ta quên điều đó, những câu chuyện sẽ chỉ là thứ từ chương, khô khốc”. Điều phát hiện này khiến tôi giật mình. Lâu nay chúng ta quá tin vào chữ viết mà không biết rằng mình đang kể chuyện cho người nghe giả định bằng toàn thể thân tâm mình, và khi câu chuyện kể của ta không hấp dẫn thì người nghe cảm thấy bắt đầu kể chuyện của riêng mình.
Truyện Dòng sữa của cái chết của Marguetite Yourcenar (Bùi Hiển dịch) đoạn mở đầu, tác giả để cho nhân vật Philip Mild nói: “Hãy kể với tôi một chuyện khác nữa đi, ông bạn. Tôi cần một ly uýtki với lại một câu chuyện nghe trước biển... Một câu chuyện đẹp đẽ nhất và càng ít thực nhất càng tốt, giúp tôi quên đi các lời lẽ dối trá ái quần ái quốc trái ngược nhau trong mấy tờ báo vừa mua ngoài bến cảng...
Kỹ sư Jules Boutrin nói:
-... Có những đứa ngu ngốc cứ cho rằng thời đại chúng ta thiếu đi chất thi vị, làm như thể thời đại này không có những nghệ sĩ siêu thực, những nhà tiên tri, những cô đào điện ảnh và những vị độc tài của nó ấy. Anh Philip, hãy tin tôi, cái mà chúng ta thiếu ấy là những điều thực tại. Lụa thì là lụa nhân tạo, các thức ăn là những chất tổng hợp đáng ghét giống như thức ăn giả để nhét miệng xác ướp, còn phụ nữ thì đã được khử trùng chống lại mọi bất hạnh thành thử sự già cỗi không còn tồn tại nữa. Chỉ có trong truyền thuyết của các đất nước bán khai là mới gặp lại được những sinh vật dồi dào sữa và nước mắt, mà ta sẽ lấy làm tự hào được là con của họ... Tôi đã nghe được ở đâu ấy nhỉ về một chàng thi sĩ không thể yêu nổi người đàn bà nào vì anh ta trong kiếp trước đã gặp nàng Antigone. Một anh chàng kiểu hệt như tôi... vài tá những bà mẹ và những người tình trong sử sách, từ Andromaque đến Griselda, đã khiến tôi đâm ra hay đòi hỏi đối với những con búp bê không thể đánh vỡ được kia.
Đôi khi tôi mơ có nàng Isolde làm người tình, còn em gái là nàng Aude xinh đẹp. Vâng, nhưng người phụ nữ mà tôi những ước làm mẹ lại là một cô gái bé nhỏ của truyền thuyến Anbani, vợ một tiểu vương trẻ vùng này...”.