Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng..."
Dựa vào dân, bồi dưỡng sức dân, động viên toàn dân, phát huy sức mạnh truyền thống và bản sắc dân tộc của người Việt nam là kế sâu, gốc bền của sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vì thế, mỗi khi vận nước bị đe doạ, ngoại bang nhòm ngó và xâm lăng, cả nước đồng tâm, toàn dân tụ hợp, mở hội "Diên Hồng", nêu cao quyết tâm, bàn mưu tính kế, già trẻ gái trai xông lên giết giặc, cứu nước, cứu nhà. Đó là bí quyết thắng lợi, tạo nên những chiến công hiển hách trong lịch sử: Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa...
Giá trị tinh thần truyền thống ấy đã được giữ gìn và phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Đến giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta. Ngay từ khi Pháp nổ súng xâm lược, nhân dân ta đã liên tục đứng lên kháng Pháp, kẻ trước ngã, người sau kế tiếp. Song, tất cả phong trào yêu nước chống Pháp lúc bấy giờ đã lần lượt thất bại.
Việt Nam đã trở thành một thuộc địa của Pháp. Dân ta bị áp bức và bóc lột nặng nề, bị mất hết quyền lợi về kinh tế và chính trị, mất hết độc lập và tự do.
Phá ách, chặt xiềng nô lệ cho đồng bào, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do là yêu cầu bức thiết nhất của toàn dân ta.
Vào những năm 20 của Thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống văn hiến của dân tộc, tiếp thu tri thức cách mạng phong phú của nhân loại trong thời đại mới, vạch đường cách mạng giải phóng dân tộc để đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc và tự do dân chủ cho nhân dân.
Tháng 7-1920, khi đọc bản sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã phấn khởi, tin tưởng, coi đó là "cái cẩm nang cần thiết cho chúng ta", là con đường giải phóng đất nước.
Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của cả dân chúng, của toàn thể quốc dân đồng bào. Phải khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tình nghĩa đồng bào, khối đoàn kết dân tộc, sĩ, nông, công, thương lấy công - nông làm gốc nhằm tạo nên sức mạnh dân tộc để chiến đấu và chiến thắng đế quốc thực dân.
Tháng 2-1930, Hồ Chí Minh đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và soạn thảo Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng. Đó là bản cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh xác định chủ trương chiến lược làm cách mạng tư sản dân quyền để đi tới xã hội cộng sản. Đảng phải vận động thu phục cho được đông đảo quần chúng công dân, nông dân, ra sức lôi kéo tiểu tư sản, trí thức, trung nông, tập hợp hoặc trung lập phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản Việt Nam nhằm thực hiện các nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và phong kiến, trước mắt là chống đế quốc và tay sai, giành độc lập, tự do cho toàn thể nhân dân Việt Nam
Độc lập và tự do là tư tưởng chủ yếu trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng.
Dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng, một cao trào cách mạng đã bùng lên mạnh mẽ trong toàn quốc năm 1930 - 1931, mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Tiếp đến là cao trào dân chủ rộng lớn và sôi nổi khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam trong những năm 1936 - 1939. Đây là các cuộc tổng diễn tập cho cuộc cách mạng Tháng tám năm 1945.
Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Đế quốc Pháp tham chiến. Phát xít Nhật xâm lược Đông Dương. Thực dân Pháp đầu hàng và dâng Đông Dương cho Nhật.
Nhật - Pháp cấu kết với nhau ra sức bóc lột, đàn áp nhân dân các dân tộc Đông Dương. Quyền lợi của tất cả các giai cấp đều bị Nhật - Pháp cướp giật, vận mệnh dân tộc nguy vong không lúc nào bằng. Vì vậy, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1939 dới sự chủ trì của Nguyễn Văn Cừ và đặc biệt là Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 5-1941 do Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo, đã nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác lại nhiệm vụ cách mạng ruộng đất; thống nhất lực lượng cách mạng dân tộc của ba nước trên bán đảo Đông Dương; không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, tiểu tư sản, tư sản bản xứ, trung, tiểu địa chủ, ai có lòng yêu nước thương nòi đều tham gia vào một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, đánh Pháp, đuổi Nhật, giành quyền độc lập, tự do cho các dân tộc ở Đông Dương theo quan điểm thực hiện quyền dân tộc tự quyết. Đối với Việt Nam, sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật sẽ lập nên một nước Việt Nam mới theo chế độ dân chủ cộng hoà. Cách mạng Đông Dương hiện tại chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp là giải phóng dân tộc, vì nếu không đánh đuổi được Pháp - Nhật thì chẳng những vận mệnh của dân tộc phải chịu kiếp ngựa trâu muôn đời mà vấn đề ruộng đất cũng không sao giải quyết được. Do đó, tính chất của cách mạng Đông Dương lúc này là "cách mạng dân tộc giải phóng". Vì quyền lợi sinh tồn của dân tộc, phải khơi dậy mạnh mẽ chí khí cách mạng, tinh thần yêu nước bất khuất, đoàn kết, thống nhất các lực lượng yêu nước trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh.
Tháng 6-1941, Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc. Người viết: "Trong lúc quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sâu, lửa nóng... Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng...."
Ngày 25-10-1941, Việt Nam độc lập đồng minh đã chính thức tuyên bố ra đời. Tuyên ngôn của Việt Minh nêu rõ: "Từ khi lập quốc, xét lịch sử nước ta, chưa bao giờ dân tộc ta nhục nhằn, đau khổ như lúc này... Nguy cơ diệt vong đã bày ra trước mắt. Hiện thời, chúng ta chỉ có một con đường mưu sống là đoàn kết thống nhất, đánh đuổi Nhật - Pháp, trừ khử Việt gian. Mở con đường sống ấy cho đồng bào, Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) ra đời chào các bạn".
Chương trình cứu nước của Việt Minh gồm 44 điểm bao gồm các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm thực hiện hai điều cốt yếu mà quốc dân đồng bào đang mong ớc là:
"1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập;
2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do !".
Đặt quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng bắt tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia miễn là thành thực muốn đánh đuổi Nhật - Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập. Sau khi đánh đuổi được bọn đế quốc phát xít "sẽ lập lên một Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, theo tinh thần tân dân chủ, lấy cờ đỏ giữa có ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ chung của nước. Chính phủ của nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, do quốc dân đại hội cử lên...". Thực hiện chủ trương cứu nước, Việt Minh đã tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Phong trào cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ và đều khắp ở cả nông thôn và đô thị.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Huế và các đô thị khác, cơ sở Việt Minh đã được tổ chức ở trong nhiều nhà máy, trờng học, đường phố... Phong trào thanh niên, học sinh, trí thức được khởi dậy mạnh mẽ. Đảng dân chủ Việt Nam ra đời (6-1944). Hội Văn hoá cứu quốc được thành lập. Mặt trận Việt Minh có thêm các thành viên mới. Các căn cứ địa và lực lượng vũ trang cách mạng được hình thành.
Trên thế giới, cuộc chiến tranh chống phát xít đã đi vào giai đoạn kết thúc thắng lợi. Quân đội Xô Viết đang phản công phát xít Đức trên nhiều mặt trận. ở khu vực Châu á - Thái Bình Dương, cục diện chiến tranh cũng đang chuyển biến có lợi cho các lực lượng chống phát xít, cho phong trào giải phóng dân tộc...
Trong bối cảnh thời cuộc khẩn trương đó, tháng 10-1944, Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào, thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta để tạo nên sức mạnh dân tộc bên trong và tranh thủ ngoại viện của quốc tế nhằm chớp thời cơ thuận lợi thực hiện cho được mục tiêu độc lập, tự do. Cơ cấu tổ chức đó "phải do một cuộc toàn dân đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang.
Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh !
Tôi mong rằng các đảng phái và các đoàn thể đều ra sức chuẩn bị cùng nhau thảo luận để khai cuộc Toàn quốc đại biểu đại hội trong năm nay. Như vậy thì ngoại viện nhất định cầu được, cứu quốc nhất định thành công"
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương, tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng và đã ra bản chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" vạch ra những nhiệm vụ và chủ trương, biện pháp cách mạng mới để chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước phù hợp với tình hình lúc này. Một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa đã phát triển trong toàn quốc. Phong trào chiến tranh du kích, khởi nghĩa từng phần đã diễn ra trong nhiều địa phương, nhất là ở thượng du và trung du Bắc Kỳ. Hàng loạt xã, châu, huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang... được giải phóng.
Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị tổ chức Uỷ ban dân tộc giải phóng. Chỉ thị nêu rõ: "Trong tình thế chính quyền đế quốc có chỗ tan rã, có chỗ không được ổn định như ở nước ta ngày nay, Uỷ ban dân tộc giải phóng là hình thức tiền chính phủ, trong đó nhân dân học tập để tiến lên giữ chính quyền cách mạng". Uỷ ban dân tộc giải phóng được thành lập ở các cấp từ cơ sở đến Trung ương. Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức là Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.
Tháng 5-1945, Hồ Chí Minh về Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang. Ngày 4-6-1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh đã quyết nghị thành lập khu giải phóng. Khu giải phóng chính thức được thành lập gồm hầu hết các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và một số vùng lân cận thuộc Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên. Uỷ ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng gồm 5 người. Uỷ ban có nhiệm vụ lãnh đạo toàn Khu về các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội. Chính sách chung của Uỷ ban lâm thời dựa vào ba điểm chính sau: