Khi đọc tác phẩm “Sống chết mặc bay” của nhà văn Phạm Duy Tốn, chúng ta sẽ cảm thấy ấn tượng sâu sắc với hình ảnh người dân trong công cuộc hộ đệ. Mở đầu truyện là cảnh nhân dân hộ đê: “Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy ướt như chuột lột”. Thật đáng thương thay cho số phận của người dân không thể địch lại nổi với thiên tai. Những tưởng trong hoàn cảnh đó, quan lại phải là người đứng “đầu sóng ngọn gió” cùng với nhân dân hộ đê. Nhưng sự việc diễn ra lại hoàn toàn đối lập với lẽ thông thường ấy. Hoàn toàn trái ngược với hình ảnh bên ngoài, trong đình cách đó không xa, viên quan phụ mẫu của dân đang ngồi chơi bài. Thậm chí đến khi có người chạy vào báo quan đê sắp vỡ, ngay lập tức ngài đổ trách nhiệm cho dân: “ông cách cổ, ông bỏ tù chúng mày”. Đặc biệt nhất là hình ảnh con đê bị vỡ khiến cho “nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết!”. Đó cũng là lúc quan sung sướng vì ù được ván bài. Sự đối lập đã đẩy nỗi bất hạnh của nhân dân lên đến đỉnh điểm. Khi đọc truyện, người đọc đã cảm nhận sâu sắc về hoàn cảnh éo le của người dân, sự vô trách nhiệm của viên quan phụ mẫu.