Hôm nay tôi vô tình đọc được một câu nói trên mạng xã hội: “ Hãy sống như một trái dứa! Đầu đội vương miện, dáng đứng hiên ngang, bên ngoài gai góc, bên trong ngọt ngào”. Câu nói này làm tôi nhớ đến một mẩu chuyện mình đã đọc về một người chủ trang trại và con lừa già của ông ấy. Vì sao tôi lại nhớ đến câu chuyện này khi đọc được câu nói ấy? Bởi vì tôi cảm thấy là con người khi gặp phải khó khăn, thử thách thì phải biết cách tự bảo vệ mình, bảo vệ cả thân thể và ý chí để có thể vượt qua khó khăn, giống như lớp vỏ gai góc của trái dứa, nhưng cũng không có nghĩa là có thể dùng những gai nhọn ấy để hại người khác, không vì để bản thân có thể vượt qua khó khăn mà dùng “gai nhọn” khiến người khác bị thương, để dù trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn phải giữ được bản chất lương thiện, biết yêu thương sẻ chia với người khác như sự “ngọt ngào” của trái dứa vậy.
Câu chuyện mà tôi nói ở trên kể về con lừa của một ông chủ trang trại bị sẩy chân rơi xuống giếng và nó kêu la hàng giờ liền. Người chủ nghĩ con lừa đã già và cái giếng thì cũng cần phải lấp mà việc cứu con lừa lên khiến ông không nhận được lợi ích gì cả. Vì vậy ông nhờ hàng xóm xúc đất đổ vào giếng, lúc đầu con lừa con kêu là thảm thiết nhưng sau đó nó trở nên yên lặng. Cứ mỗi xẻng đất đổ lên lưng nó lại lắc mình làm đất rơi xuống, rồi giẫm lên đống đất, cuối cùng nó ra khỏi giếng trước sự sửng sốt của ông chủ.
suy nghi cua em ve cau chuyen chu lua roi xuong gieng - Suy nghĩ của em về câu chuyện Chú lừa rơi xuống giếng
Từ câu chuyện ta thấy được lẽ hiển nhiên, đó là trong cuộc sống luôn có những trông gai, thử thách chờ đợi ta,bởi lẽ “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”, chỉ cần ta sảy chân một cái sẽ ngã xuống giống như con lừa rơi xuống cái giếng mà suýt chút nữa nó không có cách nào thoát ra được. Khi gặp phải khó khăn hay thậm chí là nguy hiểm, dù biết đã gặp phải nhưng ta vẫn khó lòng mà giữ được bình tĩnh, ta thường dễ lo sợ, hoang mang làm mất đi năng lực phán đoán, chỉ biết chờ đợi trong vô vọng, hi vọng có một phép màu giúp ta thoát ra khỏi tình cảnh khốn đốn ấy, giống như hình ảnh con lừa “kêu la thảm thiết”. Thế nhưng càng nguy hiểm, càng khó khăn, ta lại càng không thể buông xuôi hay từ bỏ mà càng phải bĩnh tĩnh hơn bao giờ hết, bởi khi rơi vào tình cảnh “Tiến thoái lưỡng nan” – “Tiến lùi đều nguy hiểm” thì con người ta buộc phải tìm cách tự cứu lấy mình, trong những hoàn cảnh khắc nghiệt sẽ dễ khiến cho con người bộc phát ra những khả năng vô hạn để tìm kiếm lối thoát cho chính mình. Ban đầu chúng ta có thể thấy hoảng hốt, sợ hãi nhưng ta tuyết đối không được từ bỏ. Tôi từng đọc một câu nói thế này: “Nghịch thủy hành chu, bất tiến tắc thoái”, ý nghĩa của nó chính là “Bơi ngược dòng nước, không tiến tất phải lùi”. So với việc lùi lại, buông bỏ để bản thân trôi lênh đênh trên dòng nước thì tại sao không thử liều chết tiến lên? Khi bạn đang bơi ngược dòng nước lũ, lùi lại tức là buông xuôi sinh mệnh của mình, vậy thì vì duyên cớ mà không thử tiến lên phía trước tìm kiếm cho bản thân một con đường khác, thay vì phải đi con đường đã định sẵn là không thể trở về? Tiến lên phía trước vì đâu ai biết ở phía trước có gì đang đợi, có thể là thứ càng khó khăn hơn, cũng có thẻ là thế càng tươi đẹp hơn, nếu như không thử thì vĩnh viễn ta sẽ không biết được mình đã bỏ lỡ mất bao nhiêu thứ tươi đẹp.Tiến lên phía trước thì ít ra còn có hi vọng, nhưng lùi lại phía sau thứ đợi ta chắc chắn chỉ có tuyệt vọng. Con lừa trong câu chuyện cũng vậy, thay vì tiếp tục kêu la câu cứu người khác, nó lại im lặng, trong hoàn cảnh gần như chắc chắn nó phải chết thì nó lại “tiến lên” đống đất để tự tìm cho mình một đường thoát. Nó dùng sự bình tĩnh và trí não, lợi dụng việc người ta xúc đất đổ xuống giếng , giúp nó có thể đi lên và thoát khỏi cái giếng sâu hoẳm đó. Vậy nên mọi khó khăn, gian khổ hay nguy hiểm tất cả đều có thể giải quyết, bởi lẽ trên thế giới này không có “bức tường nào kín gió”, bất cứ sự vật nào cũng có khắc tinh của nó. Nếu có vòng vây chắc chắn sẽ có cách đột phá, nếu có mê cung chắn chắn sẽ có đường ra, nếu có khó khăn, nguy hiểm thì đương nhiên sẽ có cách để vượt qua.
Thế nhưng việc có vượt qua được những “cơn sóng gió” hay không thì còn phải tùy thuộc vào mỗi người, vì không phải ai cũng có thể bình tĩnh, tự tạo ra cơ hội cho mình, nếu bản thân không tự tạo ra cơ hội thì ta sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để vượt qua mọi thứ, việc nắm bắt cơ hội còn khó hơn việc ta tự tạo cơ hội. Giống như Picaso một họa sĩ nổi tiếng người Pháp. Thuở thiếu thời ông là một họa sĩ vô danh ở Pari. Đến khi chỉ còn lại 15 đồng bạc, ông đã đánh cược một canh bạc. Ông dùng số tiền còn lại đó để thuê sinh viên dạo các cửa hàng tranh và hỏi “Ở đây có bán tranh của Picaso không?”. Chưa đầy một tháng tên tuổi ông đã nổi khắp Pari, tranh của ông bán được và trở nên nổi tiếng từ đó. Đây là cách mà Picaso vượt qua khó khăn, chính bằng cách tạo ra cơ hội để vượt qua tất cả, để trưởng thành, tiến đến thành công.
Tuy nhiên thì không phải ai cũng có đủ bình tĩnh và dũng khí để bước qua khó khăn, nguy hiểm. Vì sao lại nói như vậy? Trong cuộc sống con người ai rồi cũng sẽ gặp phải thử thách, nguy hiểm, không sớm thì muộn, không trước thì sau như hoàn cảnh của con lừa trong câu chuyện gặp phải thậm chí còn nghiêm trọng hơn, chỉ cần lơ là sẽ khiến ta rơi xuống, không thể thoát ra được. Con người sẽ gặp rất nhiều người, có người tốt cũng có người xấu, mà không phải ai cũng sẽ vươn tay ra giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn vì con người đôi khi sẽ chỉ chú ý đến lợi ích mà bản thân họ có được khi làm một việc gì đó kể cả giúp bạn – người đang trong hoàn cảnh khó khăn, thậm chí nguy hiểm trùng trùng. Bởi vậy không phải mối quan hệ nào cũng được xây dựng trên cơ sở tình cảm, mà thường được xây dựng trên lợi ích, đó cũng chính là bản tính của con người. Ông chủ của con lừa chính là một ví dụ điển hình. Thay vì ngay lập tức nghĩ cách cứu con lừa của mình lên thì ông ta lại lập tức nghĩ đến mình sẽ có được lợi ích gì khi cứu nó lên, khi cảm thấy mình sẽ không nhận được điều gì có ích thì ông ta đã lập tức lấp cái giếng, lấp cả “mạng sống” của con lừa. Và khi con lừa biết rằng mình sẽ không được ai cứu thì nó đã tự cứu lấy mình. Thực chất, có rất nhiều người dùng việc không được ai giúp đỡ để làm lí do cho hành động buông xuôi, ngừng cố gắng, không muốn vượt qua khó khăn thử thách của mình, mà lấy lí do để trốn tránh, đưa đẩy, không dám đứng ra đối mặt với khó khăn mình gặp phải. Thậm chí họ còn chưa vượt qua được chướng ngại tâm lí của bản thân thì nói gì đến việc vượt qua được chông gai cuộc đời.
Vì vậy, chúng ta cần phải mạnh mẽ, bình tĩnh, kiên cường, tin tưởng vào bản thân để vượt qua mọi thử thách, nhưng đồng thời cũng không được vì để bản thân vượt qua khó khăn mà đánh mất nhân cách, bất chấp tất cả. Là học sinh nói riêng, thế hệ trẻ nói chung, chúng ta cần phải rèn luyện cho mình những phẩm chất như bình tĩnh, dũng cảm, quyết đoán và không ngừng trau dồi tri thức,bởi tri thức là nguồn sức mạnh vô tận giúp ta vượt qua tất cả, giúp ta vững vàng bước đi trên con đường vươn tới thành công. Câu chuyện con lừa và ông chủ quả thực là lời khuyên sâu sắc về triết lí nhân sinh, là bài học giúp ta biết sống tốt hơn, sống đẹp hơn. Đây là một câu chuyện hay chứa đựng những bài học sâu sắc, là kinh nghiệm, là “nguồn vốn” giúp ta đạt được ước nguyện, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội và cho đất nước.