Truyện ngắn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh in trong tập Quê mẹ, xuất bản năm 1941. Đây là dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” – tức là tác giả, về những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường ba mươi năm về trước.
Dòng cảm xúc được thể hiện theo trình tự thời gian. Tâm trạng nhân vật phát triển song song cùng với các sự kiện đáng nhớ của ngày đầu tiên đi học. Từ cảnh cậu bé được mẹ âu yếm dắt tay dẫn đi trên con đường tới trường, đến cảnh cậu say mê nhìn ngắm ngôi trường; cảnh hồi hộp nghe thầy gọi tên, lo lắng khi phải rời tay mẹ để cùng các bạn vào lớp nhận chỗ của mình và học giờ học đầu tiên. Sự kết hợp hài hoà giữa bút pháp tự sự, miêu tả và cảm xúc chân thành đã tạo nên tính trữ tình đậm đà của thiên tự truyện.
Tác nhân gợi nhớ là khung cảnh thiên nhiên. Mùa thu thường đẹp và buồn. Cảnh vật đã khơi gợi dòng hồi tưởng. Những chuyển biến của đất trời làm cho tác giả nhớ về dĩ vãng xa xôi.
Tác giả kể rằng hằng năm cứ đến cuối thu, khi lá vàng rơi và nhìn thấy mấy em nhỏ rụt rè nấp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường thì nhà văn lại nhớ ngày đầu tiên đi học của mình. Sau mấy chục năm, tác giả – là cậu bé ngày xưa vẫn nhớ như in: Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.
Dòng cảm xúc khởi nguồn từ tâm trạng bồi hồi và cảm giác mới mẻ trong ngày đi học đầu tiên. Được mẹ mặc cho bộ quần áo mới, cậu bé thấy mình đã là người lớn, cho nên tất cả mọi thứ đều phải thay đổi. Ý nghĩ ngây thơ và nghiêm túc của cậu học trò trong buổi đầu đi học hồn nhiên và đáng yêu biết chừng nào! Chính suy nghĩ và cảm nhận ấy khiến cho điệu bộ của cậu bé khác hẳn ngày thường. Mọi cử chỉ, hành động của cậu đều trở nên lúng túng, vụng về. Trí óc non nớt của cậu không thể hình dung ra được những điều gì xảy ra hằng ngày trong ngôi trường đẹp đẽ kia. Tâm trạng lo sợ phập phồng, khao khát tìm hiểu, ước muốn được biết bạn, biết thầy trong ngày đầu đi học giờ đây vẫn hiển hiện rõ nót trong kí ức nhà văn. Ngỡ ngàng và tự tin, cậu bé nghiêm trang bước vào giờ học đầu tiên của đời mình.
Dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” trong truyện ngắn Tôi đi học được tạo nên từ cảm xúc trong sáng, hồn nhiên và bút pháp nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế của nhà văn. Bằng câu chuyện của mình, Thanh Tịnh đã nói thay tất cả chúng ta cái cảm giác kì diệu của buổi học đầu tiên đã trở thành kỉ niệm đẹp đẽ, để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời mỗi người.
Bài văn đã gợi cho em nhớ lại buổi học đầu tiên của mình. Đêm hôm trước, em sống trong tâm trạng nôn nao, háo hức. Có một điều gì đó lạ lắm, quan trọng lắm đang xảy ra trong căn nhà bé nhỏ của em. Em đi học mà làm như cả nhà cũng đi học. Mọi người thức rất khuya để chuyện trò, bàn bạc xoay quanh việc đi học của em. Sáng hôm sau, mẹ đưa em tới trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ. Trước cổng trường đã có nhiều bạn nhỏ hớn hở bên cạnh mẹ cha. Em cảm thấy trước mắt em cái gì cũng đẹp. Từ bầu trời trong xanh, từ màu nắng tinh khôi, từ tiếng chim líu lo trên vòm lá bàng, lá phượng… Tất cả đều mới lạ đối với em.
Một hồi trống vang lên giòn giã. Phụ huynh trao con cho các thầy cô giáo để nhận vào lớp Một. Em không khóc nhưng hai mắt đỏ hoe. Một nỗi xúc động khó tả dâng lên trong lòng. Em bịn rịn rời tay mẹ, cùng các bạn xếp hàng vào lớp.
Tiếng trống khai giảng hôm ấy có cái gì đó rất đặc biệt. Dường như nó vẫn đang vang vọng trong tâm tưởng em lúc này. Tiếng trống vang vang, trầm ấm lạ lùng. Nó gợi cho em một niềm tự hào và phấn khích mà sau này em mới hiểu rằng, sau tiếng trống ấy là bước ngoặt của cuộc đời em. Từ đó, em bắt đầu một quãng đời học sinh trong sáng tuyệt vời.
Cho đến bây giờ, những hình ảnh ấy vẫn hiện lên nguyên vẹn trước mắt em. Nó đã trở thành kỉ niệm đẹp đẽ không thể nào quên của thời thơ ấu.
Trong kí ức mỗi con người, những kỉ niệm vui buồn của tuổi học trò thường được lưu giữ bền lâu hơn cả, nhất là ấn tượng về ngày đầu tiên đi học. Thanh Tịnh bồi hồi nhớ về ngày ấy và tâm hồn ông vẫn rung động thiết tha như thuở nào. Bằng ngòi bút giàu chất thơ, tác giả đã diễn tả dòng cảm xúc này bằng nghệ thuật tự sự xen miêu tả và biểu cảm với những rung động tinh tế. Bài văn đã gieo vào lòng người đọc một nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Chính vì vậy mà nó đã sống mãi trong trái tim bao thế hệ bạn đọc hơn nửa thế kỉ qua.
Phát biểu cảm nghĩ về nhân vật Tôi trong truyện ngắn Tôi đi học – Bài làm 2
Em dám chắc rằng, tất cả những ai đã đọc “Tôi đi học” của Thanh Tịnh đều sẽ rất xúc động, rất bâng khuâng. Bởi nó gợi cho chúng ta về buổi đầu tựu trường, về ngày trọng đại đầu tiên trong cuộc đời, mà nhân vật tôi trong truyện cũng như chính chúng ta đang quay về cái ngày đầu đẹp đẽ xen lẫn chút lo lắng, hồi hộp đó.
Nhà văn thật tài tình khi dẫn dắt cảm xúc của chúng ta xuyên suốt, liền mạch theo dòng cảm xúc của nhân vật tôi khi nhớ về buổi đầu đi học. “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.” Mùa thu, mùa của sự dịu dàng, thanh bình, mùa của những cái nắng vàng nhạt không cháy da cháy thịt như mùa hè nữa, đó cũng là mùa tựu trường của không chỉ nhân vật tôi mà của tất cả các bạn học sinh khác nữa. Và cái cảm giác, cái dư vị mà “tôi” cảm thấy rõ rệt nhất, không thể nào bị pha trộn được đó là “những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.” hay “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều có sự thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học.” Những xúc cảm đầu đời, những trải nghiệm thú vị như đang ùa về theo từng thước phim quay chậm được Thanh Tịnh miêu tả thật nhẹ nhàng, sâu lắng, thật trong sáng nhưng cũng rất rụt rè, sợ sệt. Cái “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh.” Đó là buổi sáng đẹp nhất, đáng nhớ và nhiều kỷ niệm nhất của nhân vật tôi. Buổi sáng làm thay đổi con người, thay đổi suy nghĩ, nhận thức của “tôi” và không những thế còn làm thay đổi cả cảnh vật xung quanh “tôi” nữa, bởi “Hôm nay tôi đi học.” “Tôi” thấy trước mắt mình “trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần.” vậy mà giờ “tôi” lại thấy là lạ, cảnh vật dường như đều có sự đổi thay. Và điểm quan trọng nhất chính là sự thay đổi trong chính con người “tôi”. “Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa. Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi thất mình trang trọng và đứng đắn.” Nhờ việc “Hôm nay tôi đi học” mà nhân vật tôi đã trưởng thành hơn, đã thấy mình dường như đang trở thành người lớn, không còn có ý thích chơi mấy trò chơi con nít như thằng Quý, thằng Sơn nữa. “Tôi” coi mình như một người khác hoàn toàn, một người có trách nhiệm và chững chạc hơn. Nhưng cái ngây ngô, dễ thương của một cậu bé lần đầu tiên đi học đã được Thanh Tịnh khắc họa hết sức tài tình và tinh tế qua ý nghĩ “vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.” Thật là trẻ con và hồn nhiên quá. Chỉ vì “Mấy cậu đi trước o sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.” “tôi” cũng muốn mình làm được như các bạn nên xin mẹ cầm luôn cả bút thước nhưng mẹ “tôi” trả lời lại là “Thôi để mẹ nắm cũng được.” Vậy là cái ý nghĩ chắc chỉ người thạo mới cầm nổi xuất hiện như thế, nó xuất hiện “nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọ núi.”
Dòng hồi tưởng về những ký ức đẹp đẽ này được đánh dấu, được in đạm rõ nét nhất là lúc nhân vật tôi đến trường học. Trước mắt “tôi” “sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.” Có lẽ đây là lần đầu tiên nhân vật tôi đến một nơi đông người như vậy. Và cũng giống như “tôi”, “mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ.” Đây là tâm trạng chung không chỉ của nhân vật tôi mà là của tất cả chúng ta khi lần đầu tiên đến trường, lần đầu được gặp nhiều bạn bè, nhiều thầy cô như vậy. Trước đó mấy hôm, nhân vật tôi đã từng ghé trường, đối với “tôi” trường lúc đó là “một nơi xa lạ”, mà “tôi” chỉ thấy là “nhà trường cao ráo và sạch sẽ hơn các nhà khác trong làng”. Nhân vật tôi lúc đó dường như cảm thấy trường là một nơi gì đó rất khác biệt lạ lẫm và không thuộc tầm với của “tôi”. Thế nhưng, giờ trước mặt “tôi” “Trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp.” Cảm giác trong nhân vật tôi hoàn toàn thay đổi. “Tôi” nhìn ngôi trường với ánh mắt vừa quen thuộc nhưng cũng vừa trang trọng, nghiêm túc. Có lẽ chính vì vậy mà nhân vật tôi cảm thấy “lo sợ vẩn vơ”. Nhưng qua sự so sánh này, nhân vật tôi đã thêm thay đổi hơn, dường như “tôi” đang dần trở nên trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Phải chăng tất cả chúng ta kể cả nhân vật tôi lần đầu đến trường đều cảm thấy rụt rè, e ngại, nhất là khi các bạn không quen trường, không quen lớp. “Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả bóng tưởng tượng.” Tất cả các cậu đều sợ sệt, nhùng nhằng mãi, không dám đi, nhưng cũng không nỡ đứng lại, rồi bỗng nhiên có “một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ.” Nhưng ông đốc trường Mỹ Lý là một người hiền từ, nhân hậu, nhẫn nại, có lẽ vì thế mà ông đã làm cho các cậu bớt sợ hãi hơn, các cậu bắt đầu từ từ bước vào lớp. Một điều đáng ngạc nhiên đã xảy ra, cái cảm giác xa lạ, hay hay khi thấy những cái treo trên tường trong lớp học bỗng nhiên biến mất và thay vào đó là một cảm giác thân thương, quen thuộc, thậm chí “tôi” còn tự nhận bàn ghế, chỗ ngồi đó là của riêng mình, ngay cả đến người bạn ngồi cạnh “ một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào.” Dường như đang có một sợi dây liên kết vô hình nào đó đang gắn kết các bạn lại với nhau. “Một con chim liệng đến đứng trên bờ của sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao. Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm đầy dẫy trong tri tôi.” Một kỷ niệm thời còn là một đứa trẻ ngây ngô, vô tư vui đùa bỗng ùa về trong dòng ký ức của nhân vật tôi, nó trái ngược với con người hiện tại của “tôi”. “Tôi” đã thấy mình trở nên trưởng thành hơn, biết suy nghĩ hơn, bởi giờ “tôi” đã bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời mình “Bài tập viết: Tôi đi học.”
Nhà văn Thanh Tịnh thật là tài hoa, những câu văn, những dòng cảm xúc của ông đưa đến cho ta thật nhẹ nhàng, thật mơ hồ nhưng cũng thơ mộng. Ông giống như một người lái đò trên một con sông bình lặng đưa chúng ta từ cảm xúc này tới xúc cảm khác. Dòng tâm trạng của nhân vật tôi về buổi đầu đi học cũng là dòng tâm trạng của tất cả những ai được lần đầu tiên cắp sách tới trường.
Phát biểu cảm nghĩ về nhân vật Tôi trong truyện ngắn Tôi đi học – Bài làm 3
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niêm hoang mang của buổi tưu trường” là những dòng cảm xúc còn đọng mãi trong lòng người đọc về truyện ngắn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Với ngòi bút đậm chất thơ nhẹ nhàng, lâng lâng, Thanh Tịnh đã khéo léo đưa người đọc ngược về với những khoảnh khắc tựu trường lần đầu tiên ấy. Tác giả đã khắc họa tinh tế cảm xúc nhân vật “tôi” một cách chân thực mà đầy xúc động.
“Tôi đi học” của Thanh Tịnh như một bản tự vấn tâm trạng, cảm xúc của chính tác giả khi mùa thu về, hồi tưởng lại khoảnh khắc ngày xưa ấy. Là ngày đầu tiên cắp sách tới trường với bao nhiêu dòng cảm xúc bâng khuâng, xa lạ.
Một lối viết giản dị, nhưng đầy lôi cuốn Thanh Tịnh đã đưa người đọc vào một không gian trong lành và dịu êm nhất. Nhân vật tôi hoài tượng lại và “không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
Thật vậy, dòng cảm xúc từ trái tim lan tràn ra bên ngoài nghẹn ngào ở cổ họng khi nhớ về những ngày tháng đó.
Trong dòng hoài tưởng, “tôi” đã lâng lâng với khung cảnh của mùa thu “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Có lẽ ít ai có thể quên đi được giây phút đầu tiên nép sau lưng mẹ đến trường, và nhân vật “tôi” cũng vậy. Cảm xúc tuôn trào một cách tự nhiên và đầy xúc động, gieo vào lòng người đọc những bồi hồi khó quên.
Có một sự thay đổi lớn trong chính suy nghĩ và hành động “Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quí và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa”. Điều này chứng tỏ nhận thức của nhân vật “tôi” đã thực sự trưởng thành và lớn lên nhờ việc: Hôm nay tôi đi học.
Bằng cách diễn tả tâm lí nhân vật tinh tế, đầy lôi cuốn, tác giả đã tái diễn lại đoạn hội thoại giữa “tôi” và mẹ trong ngày đầu đến trường. Những ý nghĩ vừa ngây ngô vừa dễ thương khiến cho người đọc không thể nào quên được.
Cảm xúc của nhân vật “tôi” khi được đặt chân đến ngôi trường làng Mỹ Lý được tác giả tái diến chân thực, sinh động, giàu cảm xúc. Và lại có thêm một sự thay đổi, một sự so sánh giữa khoảng thời gian trước khi đi học. Chính sự so sánh sự khác nhau này khiến nhân vật “tôi” trưởng thành hơn. Ngôi trường trong mắt của cậu bé “trường mỹ lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Âp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ”. Liệu rằng nhân vật ‘tôi” lo sợ điều gì? Có lẽ lo sợ vì những năm tháng ngồi trên ghé nhà trước có học tốt không, có vi phạm điều gì không và rất nhiều điều nữa. Một sự chân thật đến tinh nghịch.
Nhân vật “tôi’ đã tinh tế quan sát xung quanh “chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi, các cậu chỉ theo sức mạnh dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tưởng…” Hình như tâm trạng của những cậu bé lần đầu tiên đi học đều như nhau, ngơ ngác và sợ hãi.
Tuy nhiên hình ảnh thầy hiệu trưởng “hiền từ và cảm động” khiến cho nhân vật “tôi” và những cô cậu học trò khác cảm thấy yên tâm hơn. Hình ảnh thấy và tiếng trống trường trong buổi đầu tiên đi học đánh dấu một bước ngoặc mới trong cuộc đời của các em.
Đặc biệt “bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước” của người mẹ đã khiến cho nhân vật “tôi” can đảm và tự tin hơn. Những giọt nước mắt, những tiếng khóc thút thít ấy có lẽ là những khoảnh khắc neo giữ mãi trong lòng nhân vật “tôi”,hay nói đúng hơn là lòng tác giả một cách chân thực và sâu sắc nhất.
Hình ảnh tuổi thơ lúc ấy bỗng nhiên ùa về “tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỉ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy trong tâm trí thôi. Nhưng tiếng phấn của thày gạch mạnh trên bảng đen đưa tôi về cảnh thật”. Một dòng suy nghĩ trong sáng và đáng trân trọng của cậu bé sắp phải bước sang giai đoạn mới trong cuộc đời vì bài tập viết : Tôi đi học.
Thanh Tịnh như một con người chèo lái con thuyền cảm xúc, đưa người đọc trở về với những kí ức của ngày đầu tiên đi học. Lời văn mượt mà, nhẹ nhàng và sâu sắc đã khiến người đọc không thể quên được năm tháng đó.