Nhà văn đã dùng nhiều hình ảnh, nhiều chi tiết cụ thể biểu hiện những cung bậc tâm trạng ấy của cậu bé. Trước hết, cậu thấy ngôi trường “trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm… sân nó rộng, mình nó cao”, sừng sững như “cái đình làng”. Rồi cảm thấy mình nhỏ bé làm sao và “đâm ra lo sợ vẩn vơ”. Tiếp sau, cậu bé thấy học trò, thầy cô giáo, người lớn, trẻ con đông đúc, thấy mấy bạn mới cũng đang sợ sệt, lúng túng, e ngại như mình. Mái trường đẹp như cái tổ ấm, mỗi học trò ngây thơ, hồn nhiên, ngây thơ như một cánh chim đầy khát vọng và biết bao bồi hồi lo lắng nhìn bầu trời rộng, nghĩ tới những chân trời học vấn mênh mang. Vì thế khi nghe gọi đến tên mình, cậu học trò “tự nhiên giật mình và lúng túng”. Nhà văn đã dùng rất nhiều động từ đặc tả tâm trạng của nhân vật: ngập ngừng, e sợ, rụt rè, lúng túng, dềnh dàng, run run,… Riêng từ láy “lúng túng” điệp tới bốn lần. Đây là một từ có ý nghĩa khái quát, đã được nhà văn sử dụng chính xác, diễn tả nhiều tâm trạng, miêu tả chân thực cử chỉ, ánh mắt, ý nghĩ, cảm giác…hồn nhiên trong sáng của cậu học trò trong buổi tựu trường đầu tiên. Đỉnh cao của tâm trạng lúng túng là khi các cậu học trò nhỏ rời bàn tay, buông chéo áo của người thân để đứng chuẩn bị hàng vào lớp thì “một cậu ôm mặt khóc”, “tôi dúi đầu vào lòng mẹ nức nở khóc theo” và “trong đám học trò mới vài tiếng thút thít đang ngập ngừng”. Tiếng khóc như một phản ứng dây chuyền rất tự nhiên, rất ngây thơ và giàu ý nghĩa. Nó là sự tiếc nuối những ngày chơi đùa thoải mái, sự lưu luyến những người thân yêu…Nó cũng là sự lo sợ trước một thử thách khó khăn, hay nó cũng là một niềm vui, niềm quyết tâm để bước vào một thế giới khác lạ mà đầy hấp dẫn.