“Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc, mẹ ru con, yêu con tha thiết”. Những ca từ trong bài hát “Mẹ yêu” như nhắc nhở chúng ta về hình bóng người mẹ hiền không quản mưa nắng dãi dầu để lo lắng cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Có lẽ trong mỗi con người, hình ảnh người mẹ chính là hình ảnh không bao giờ có thể nhạt phai. Sinh tôi ra từ năm mẹ bốn mươi tuổi, đến nay, người phụ nữ ngoài 50 ấy vẫn tần tảo sớm hôm, đều đặn mỗi ngày trước khi gà gáy, bươn chải tìm kế sinh nhai, gánh vác cả giả đình. Có lẽ vì phải vất vả như thế nên nhìn mẹ có phần khác hơn so với mẹ của những bạn học cùng lớp. Tóc mẹ không phải là màu đen tuyền mà lốm đốm vài sợi bạc nơi chân tóc, da mẹ không trắng mịn mà hơi ngăm đen với vẻ mặn mòi, mẹ cũng không phải là người có thân hình thon thả mà đầy đặn với vẻ mạnh mẽ đủ để bảo vệ các con. Mái tóc xoăn dài được bới cao càng làm rõ khuôn mặt trái xoan rạng rỡ của mẹ dù xuất hiện vài vết đồi mồi và dấu chân chim nơi khóe mắt. Mẹ tôi hay đùa bảo trước đây mẹ là hoa khôi của vùng Tân Quới, Vĩnh Long nhưng từ khi có gia đình, mẹ trở nên già nua thế này, “lỗi đó là tại mấy đứa”.
Mẹ là một người rất giản dị, mỗi ngày ra chợ bán, mẹ chỉ khoác chiếc áo bà ba bên ngoài, đội chiếc nón lá cũ cùng chiếc giỏ xách bằng vải bố vàng nhạt. Chỉ cần vậy là đã đủ sức bươn chải trước nắng gió ngoài kia. Còn nhớ có lần mẹ đội xề chôm chôm ở bến Ninh Kiều, thuở ấy người ta có chủ trương dọn dẹp vỉa hè, đưa tất cả vào chợ họp cách đó không xa, nhưng mẹ không có tiền để đăng kí sạp, cũng không tranh giành được một chỗ bán hàng trong chợ, nên đành đội xề lặn lội ra ngoài. Mỗi lần thấy chú công an từ xa, mẹ tất tả gom hàng rồi nắm tay tôi mà “chạy”. Có hôm chạy không kịp, mẹ giằng co cùng chú công an, khóc nức nở xin lại xề trái cây vì đó là miếng cơm duy nhất của cả gia đình. Đồ bị tịch thu, mẹ dắt tôi về trong thất thỉu và mệt mỏi, phần vì tay chân trầy trụa, phần vì ngày hôm ấy, các con phải ăn mì gói thay cơm. Vậy mà sáng hôm sau, mẹ cũng lại tất tả từ ba giờ, tiếp tục chặng đường kiếm miếng cơm cho bọn trẻ ở nhà.
Nhà tôi không giàu có, nhưng mẹ luôn dành những thứ tốt đẹp nhất cho bọn tôi. Có lúc là trái ổi, trái xoài, dù chỉ là hàng “dạt”, có lúc là những ly sương sáo nước cốt dừa béo ngậy mà mẹ vừa đổi bằng vài ký trái cây. Tuổi thơ của tôi lớn lên bằng những thứ quà giản dị nhưng lại đầy ắp tình cảm như thế. Không thể nào kể hết được những nỗi niềm hy sinh mà mẹ dành cho bọn tôi! Một mình mẹ, với xề trái cây nhỏ, nuôi hai chị tôi vào đại học, nuôi anh tôi vào cấp ba còn tôi vẫn ngày ngày đến lớp với quần áo mới tinh, thơm tho mùi nước xả vải.
Hiếm khi nào mẹ đi chơi với các cô trong xóm nhưng mọi người quý mẹ vô cùng. Có gì ngon người ta cũng mang qua bảo gửi cho mẹ, có áo quần gì còn mới người ta không mặc nữa người ta cũng mang đến hỏi “Chị Út có xài không?”. Có lẽ họ thấy mẹ tôi hiền lành, cam chịu và vất vả để nuôi con nên mới thương và quý đến thế.
Có lần mẹ sắm một chiếc áo mới, chiếc áo màu đỏ đô rất hợp với làn da trắng của tôi. Tôi rất thích và nói với mẹ rằng “Con mặc chiếc áo này là phải đi với dì Năm mới xứng hé mẹ”. Dì Năm là em của mẹ, dì Năm có cách cư xử nhã nhặn và vẻ bề ngoài sang trọng chứ không lam lũ như mẹ của tôi. Mẹ gật đầu bảo “Ừ! Áo này con mặc đẹp lắm”. Mẹ nói vậy nhưng tôi thoáng thấy mẹ buồn, chợt giật mình và thấy chẳng ra gì khi nói ra những lời như thế. Từ hôm ấy, tôi không bao dám làm điều gì tương tự khiến mẹ phải buồn lòng.
Mẹ!
Có nghĩa là bắt đầu
Cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc
Có lẽ những câu thơ trên chính là định nghĩa chính xác nhất về mẹ – tiếng gọi khi ta vừa mới bập bẹ nhưng đến lúc trưởng thành sẽ cũng chẳng hiểu được sự bao dung của tiếng gọi thân thương ấy. Chỉ biết rằng mình phải luôn yêu thương, luôn dành những điều tốt đẹp cho người phụ nữ đẹp nhất cuộc đời này. Bởi cổ tích của cuộc đời chúng ta đều bắt đầu từ Mẹ.