a) Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý
– Đề yêu cầu giải thích vấn đề gì?
Có khi vấn đề cần giải thích được nêu ra một cách trực tiếp (ví dụ: giải thích về “lòng nhân đạo”, giải thích về “lòng khiêm tốn”,…) nhưng cũng có khi đề bài gián tiếp đưa ra vấn đề bằng cách mượn hình ảnh, câu văn, câu tục ngữ, ca dao, thành ngữ, …, ví dụ: Nhân dân ta có câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Hãy giải thích nội dung câu tục ngữ đó. Trước những đề bài dạng này, khi xác định vấn đề (luận điểm) chính cần giải thích phải lưu ý:
Cắt nghĩa được hình ảnh, câu văn, câu tục ngữ, thành ngữ, … nêu ra ở đề bài. Nghĩa là phải tiến hành giải thích từ ngữ, nghĩa gốc, nghĩa chuyển,… của hình ảnh, câu văn… để nắm được nội dung của chúng từ đó mới xác định được chính xác vấn đề cần giải thích.
– Liên hệ với thực tế đời sống, với những ý kiến trong sách vở,… khác để xác định những biểu hiện cụ thể của vấn đề. Ví dụ, với yêu cầu giải thích câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, một mặt cần tìm những ví dụ cụ thể trong thực tế (đi tham quan để hiểu biết thêm những điều mới lạ, những khám phá của con người trước những miền đất mới, em đã từng thất bại khi làm một việc gì đó nhưng vì thế mà em có được kinh nghiệm để bây giờ có thể làm tốt được việc ấy,…), mặt khác cần liên hệ với những câu ca dao, tục ngữ tương tự (Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng; Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn;…) thậm chí liên hệ đến những dẫn chứng có ý nghĩa tương phản: Ếch ngồi đáy giếng,…
b) Bước 2: Lập dàn bài
Lập dàn bài theo bố cục ba phần:
– Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần giải thích hoặc giới thiệu câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao, câu văn,… và nêu ra nội dung của nó. Ví dụ: Giới thiệu câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và ý nghĩa về sự đúc kết kinh nghiệm và thể hiện mơ ước đi nhiều nơi để mở mang hiểu biết.
Xem thêm: Cách Chỉnh Phông Chữ Trên Máy Tính Và Cách Khắc Phục Hiệu Quả
– Thân bài: Giải thích vấn đề (luận điểm) đã giới thiệu ở phần Mở bài
+ Giải thích các từ ngữ, khái niệm, ví dụ: Đi một ngày đàng nghĩa là gì? Một sàng khônnghĩa là gì? “nhân đạo” là gì? “khiêm tốn” là thế nào? “phán đoán” là gì? “thẩm mĩ” là gì?
+ Giải thích các ý nghĩa mở rộng của vấn đề, liên hệ với thực tế, với các dẫn chứng khác
+ Giải thích ý nghĩa khái quát của vấn đề đối với cuộc sống của con người, lí giải sâu vấn đề
Chú ý cân nhắc cách sắp xếp các ý giải thích để làm sáng rõ, nổi bật vấn đề
– Kết bài: Nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề vừa làm sáng tỏ
c) Bước 3: Viết bài
– Mở bài: Có thể viết theo các cách:
+ Giới thiệu thẳng vào vấn đề cần giải thích, ví dụ: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn là câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm học tập của nhân dân ta, qua đó thể hiện ước mơ vươn tới những chân trời mới để mở mang hiểu biết.
+ Đi từ vấn đề có ý nghĩa đối lập, dẫn tới vấn đề cần giải thích, ví dụ: Em cứ nhớ mãi hình ảnh một chú ếch không huênh hoang, kiêu ngạo, không chịu mở rộng tầm mắt để dẫn tới hậu quả bị chết bẹp dưới chân trâu. Thế mới thấy thấm thía lời răn dạy của cha ông ta: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Còn gì thú vị hơn khi được đi đến những chân trời mới, ở những nơi cho ta bao điều mới lạ, kì thú.
+ Đi từ cái chung đến cái riêng, dẫn dắt vào vấn đề, ví dụ: Cha ông ta để lại cho con cháu muôn đời cả một kho tàng ca dao, tục ngữ. Đó cũng là cả một kho tàng kinh nghiệm quý báu. Ta có thể tìm thấy ở đó những lời khuyên răn bổ ích về việc phải mở mang tầm hiểu biết, đi đây đi đó để trau dồi vốn sống, vốn tri thức.
– Thân bài: Mỗi ý giải thích nên viết gọn thành một đoạn. Chú ý đến việc lựa chọn cách dẫn dắt từ Mở bài đến Thân bài, từ đoạn này chuyển sang đoạn khác.
– Kết bài: Cách Kết bài phải hô ứng với cách Mở bài; thâu tóm được những ý chính đã triển khai trong phần Thân bài.