Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) được viết từ cảm hứng nhân văn sâu sắc và mãnh liệt của đại thi hào Nguyễn Du. Tinh thần nhân văn chủ nghĩa xuyên suốt trong tác phẩm chưa bao giờ nhàm, cũ bởi bản thân nó là những giá trị vượt thời gian. Chỉ qua tìm hiểu một vài biểu hiện ở đoạn giới thiệu nhân vật chị em Thúy Kiều, ta sẽ thấy rõ hơn cả tài và tâm mà thi nhân thể hiện.
Cảm hứng là động lực bên trong thúc đẩy sáng tạo. Cảm hứng nhân văn trong tác phẩm văn học là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, tình cảm quý trọng các giá trị cao đẹp của con người đã chuyển hóa thành những cảm xúc mạnh mẽ trong quá trình sáng tạo của nhà văn. Những liên tưởng được gợi mở từ thế giới nghệ thuật của “Kim Vân Kiều truyện”, những điều trông thấy và trải nghiệm, những yêu thương trăn trở nung nấu về số phận con người đã gặp gỡ trong trái tim nghệ sĩ, khiến khát vọng sáng tạo trào dâng rồi tuôn chảy thành thiên tuyệt bút “Đoạn trường tân thanh”. Ở trích đoạn “Chị em Thúy Kiều”, cảm hứng nhân văn Nguyễn Du biểu hiện tinh tế, độc đáo, tài hoa trên nhiều khía cạnh-từ kết cấu, bút pháp đến ngôn từ, giọng điệu.
Cảm hứng nhân văn đã tác động, chi phối triệt để ý thức sáng tạo của tác giả trong thao tác xử lý các tình tiết, chi tiết cho truyện thơ của mình. Ở đoạn trích này, Nguyễn Du lựa chọn nhiều chi tiết khác với nguyên văn cuốn tiểu thuyết chương hồi. Trong phần đầu “Kim Vân Kiều truyện”, Thanh Tâm Tài Nhân giới thiệu: “… chị tên Thúy Kiều, em tên Thúy Vân, tuổi đều đang độ thanh xuân. Cả hai chị em đều thạo thơ phú. Riêng Thúy Kiều vẻ người tha thướt phong lưu, tính chuộng hào hoa, lại thích âm luật, rất thạo ngón hồ cầm. Thúy Vân đáng yêu kiều, hiền dịu, thấy Thúy Kiều thạo hồ cầm, thường nhân lúc rảnh, can ngăn chị: “- Âm nhạc không phải là công việc khuê phòng, e người ngoài nghe biết, không được nhã! Thúy Kiều nghe em can, nhưng không cho thế là phải, thường soạn bài ca bạc mệnh, phả vào hồ cầm, trăm vần thê lương, khiến người nghe đều chau mày rơi lệ…”. Sau mấy trang, khi nhân vật Kim Trọng xuất hiện, ông lại viết tiếp: “Kim Trọng chắp tay cúi lễ rồi lui ra thì thấy: Thúy Kiều mày nhỏ mà dài, mắt trong mà sáng, mạo như trăng thu, sắc tựa hoa đào, còn Thúy Vân thì tinh thần tĩnh chính, dung mạo đoan trang, có một phong thái riêng, khó mô tả…” (Kim Vân Kiều truyện, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999). Hai đoạn văn – một văn kể, một văn tả – không có quan hệ liền kề, liền mạch. Vậy nhưng, đến với Nguyễn Du, nó được kết nối, tái tạo. Và, trong “Truyện Kiều”, khi trích riêng 24 câu tả hai chị em từ trong 32 câu về gia cảnh họ Vương vẫn có được một đoạn thơ với hình hài cân xứng, chặt chẽ: Giới thiệu chung (Đầu lòng hai ả tố nga), gợi tả em (Vân xem trang trọng khác vời…), đặc tả chị (Kiều càng sắc sảo mặn mà…), rồi nhận xét về cảnh sống (Phong lưu rất mực hồng quần…). Nguyễn Du đã rất tinh tế trong việc tạo nên kết cấu cân xứng ấy, với dụng ý rõ ràng: Miêu tả để người đọc có được những hình dung trọn vẹn về các nhân vật, cả chân dung và số phận, đặc biệt là nhân vật Thúy Kiều. Không khó để nhận ra bên cạnh sự kế thừa, tác giả truyện thơ đã lược bỏ và bổ sung nhiều chi tiết, thay đổi trật tự miêu tả. Vì sao có những điểm khác ấy, ngẫu nhiên hay có chủ đích? Cần lưu ý rằng thành công của thể truyện được thể hiện ở nhiều khâu, đặc biệt là khâu tạo tình huống – ở “Truyện Kiều” là tình huống Kim, Kiều gặp gỡ rồi đính ước – nhưng trước khi tạo tình huống thì khâu giới thiệu về nhân vật sao cho ấn tượng cũng vô cùng quan trọng. Đặt trong mạch truyện, đây là đoạn giới thiệu nhân vật chính, cho nên mọi thao tác nghệ thuật của Nguyễn Du đều nhằm chuẩn bị cho sự xuất hiện của Thúy Kiều – chính vì “Đoạn trường tân thanh” là câu chuyện xoay quanh cuộc đời và số phận chìm nổi trôi dạt của nàng. Theo đuổi mục đích biểu đạt rõ nét và sâu sắc bức tranh của số phận con người, một cách rất tự nhiên, từ những dòng thơ đầu Nguyễn Du đã khởi tạo một thế giới nghệ thuật mới.