Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Với nội dung của câu hỏi này, tôi sẽ phải phân chia câu trả lời thành hai phần. Tôi sẽ bắt đầu từ việc tại sao bất bình đẳng đột nhiên lại trở thành một chủ đề được bàn luận nhiều đến vậy. Rõ ràng nguồn gốc của sự thay đổi này, đối với tôi, là khủng hoảng kinh tế. Chính những yếu tố vật chất đã ảnh hưởng đến cuộc sống của con người và cách suy nghĩ của họ: bất bình đẳng chắc chắn không phải một hiện tượng mới, nhưng trong 25 năm qua, tầng lớp trung lưu đã có thể che giấu sự vắng mặt của gia tăng thu nhập thông qua tín dụng, đó là vay mượn. Tuy nhiên khi khủng hoảng xảy ra, bong bóng này đã bị vỡ, hàng triệu người dân thường bị ảnh hưởng nặng nề, họ rơi vào thế bất lợi vì kinh tế suy thoái và tiền lương giảm; không thể trả những khoản nợ, đặc biệt là nợ trong thị trường bất động sản. Đừng quên rằng nợ tư nhân của Mỹ còn cao hơn cả GDP quốc gia.
Và sau đó họ sớm nhận ra tình hình thực sự của mình là gì và rằng họ đã không nhìn thấy bất kỳ sự tăng trưởng kinh tế nào trong 25 năm qua. Cùng lúc đó, có một tầng lớp, 1% những người giàu nhất, hoặc là 5% nếu bạn muốn, lại thành công. Vì vậy, điều dấy lên mối quan tâm đến bất bình đẳng là sự thiếu vắng của tăng trưởng kinh tế và việc nhận ra rằng tình trạng này không xảy ra với tất cả mọi người – trong quá khứ một vài người đã trở nên rất giàu có trong khi nền kinh tế trì trệ với rất nhiều người khác. “Phát hiện” này có một ảnh hưởng rất lớn lên nhận thức của cộng đồng và đó là lý do tại sao bất bình đẳng trở thành một chủ đề được quan tâm. Tôi nghĩ vai trò quan trọng của phong trào Occupy[1] ở Mỹ, phong trào Indignados[2] ở Tây Ban Nha và Đảng Syriza[3] tại Hy Lạp cũng là kết quả của cú sốc này.
Phần thứ hai của câu hỏi là tại sao trước khủng hoảng bất bình đẳng lại không phải là vấn đề chính trị chủ yếu, đặc biệt là đối với cánh tả. Câu trả lời rất đơn giản: không còn cánh tả thực sự nào để giải quyết vấn đề này. Cánh tả đã biến mất. Trong những thập kỷ qua, cánh tả đã chuyển sang trung dung, trong một số trường hợp trở thành trung hữu, và tôi đặc biệt nghĩ đến Tây Ban Nha. Về mặt kỹ thuật, nếu bạn định vẽ một đường thẳng bằng những thông số chính trị của những năm 1970, PSOE[4] hiện tại sẽ là một đảng trung hữu. Cũng có thể nói như thế về những chính sách của đảng Xã hội Pháp, và tất nhiên là cả Italia, nơi mà đảng viên đảng Dân chủ trước đây là những người cộng sản và thực tế bây giờ lại đứng vững trên lập trường cánh hữu. Các đảng này không đưa ra bất kỳ câu hỏi vào về bất bình đẳng, họ chỉ đơn giản tuân theo cách tiếp cận tân cổ điển, một phiên bản bị pha loãng của chủ nghĩa Thatcher[5] – tất nhiên tránh những chủ đề như vậy.
Đây là lý do tại sao một chủ đề chính trị nhạy cảm như vậy lại bị bỏ qua. Sau đó, khi khủng hoảng diễn ra, người ta hoàn toàn bị vỡ mộng, đặc biệt là những người trẻ, cả về mô hình kinh tế lẫn các đảng phái đại diện cho các xu hướng chính trị và đó là nguyên nhân chúng ta thấy sự phát triển đáng chú ý này trong những năm gần đây.
Hãy cùng đi sâu vào vấn đề chính trị này. Bạn nói rằng cánh tả từ lâu đã không còn là cánh tả nữa, và sau cuộc khủng hoảng chúng ta đã thấy những sự dịch chuyển mới ở Tây Ban Nha và Hy Lạp. Nhưng ở những nơi khác không hẳn cũng như thế. Ở Ý, Phong trào Năm Sao[6] có vẻ quan tâm đến tham nhũng chính trị hơn là bất bình đẳng. Nói chung, ở gần như tất cả các quốc gia châu Âu, những gì đã từng là cánh tả cũ dường như không thực sự suy nghĩ lại về vai trò của nó. Theo tôi, rủi ro là những trường hợp mới liên quan đến cú sốc hậu khủng hoảng không có được đại diện.
Trong thực tế, lập luận này là sai lầm – nó cho rằng tính đại diện cho các tầng lớp xã hội bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chỉ liên quan đến cánh tả. Ngược lại, những người bị thiệt hại trong cuộc khủng hoảng có thể an toàn tìm thấy đại diện chính trị ở cánh hữu. Và đó là những gì đã xảy ra. Ngoại trừ Địa Trung Hải – nơi có sự dịch chuyển sang cánh tả, với chính phủ xã hội chủ nghĩa ở Bồ Đào Nha và Syriza (Hy Lạp) và sự nổi lên của đảng Podemos[7] ở Tây Ban Nha – phần còn lại của châu Âu đang chuyển dịch sang cánh hữu. Tuy nhiên, đó là cánh hữu khác với của Margeret Thatcher, đó là chủ nghĩa bảo hộ, bài ngoại, và ở một mức độ nào đó còn chống toàn cầu hóa. Bất bình đẳng đang củng cố cho cả cánh tả và cánh hữu cực đoan, trong khi các đảng theo chủ nghĩa ôn hòa lại đang dần bị chèn ép.
Thành thật mà nói, tôi thực sự không thể hiểu được tại sao bất kỳ người trẻ hay trung niên nào ở Pháp cũng bỏ phiếu cho Hollande[8]. Những người theo Chủ nghĩa xã hội đấu tranh cho cái gì ở Pháp? Họ theo các chính sách cánh hữu trong nước, họ làm chủ nghĩa đế quốc tự do ở nước ngoài. Vì vậy người ta cũng có thể bỏ phiếu cho Sarkozy[9], ít nhất ông ta cũng là nguyên bản, không phải bản sao. Tiếp theo, về phía Đông Âu, không chỉ có một đảng cánh tả duy nhất. Tất nhiên, một phần đây là phản ứng với các hoàn cảnh lịch sử: ở Hy Lạp hay Tây Ban Nha, có một sự dịch chuyển mạnh mẽ sang cánh tả sau nhiều thập niên dưới chế độ độc tài bán phát-xít, và hiện nay ở Đông Âu, có một sự phản ứng lại các chế độ cộng sản từng nắm quyền kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II đến năm 1989. Nhìn vào các cuộc bầu cử gần đây nhất ở Hungary và Ba Lan, chúng ta sẽ thấy chỉ có cánh hữu. Tại Vác-sa-va, sau cuộc bầu cử cuối cùng, cánh tả đã không còn đại diện thể chế nào.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |