Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nhắc đến Nam Cao- một cây bút hiện thực bậc thầy của văn học Việt Nam, chúng ta nghĩ ngay tới “Chí Phèo” nhưng nếu nói: Nam Cao – nhà văn của tình thương, ta nghĩ ngay tới “Lão Hạc”. Số phận cuộc đời và vẻ đẹp, tính cách của Lão Hạc chính là thông điệp về tình thương của tác giả.
“Lão Hạc” là một truyện ngắn xuất sắc của Nam Cao viết về người nông dân trong xã hội phong kiến cũ, đăng báo lần đầu năm 1943. Khi thực dân Pháp đã cơ bản hoàn thành xong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, đem đến nhiều thay đổi, biến động cho xã hội Việt Nam. Người nông dân trong xã hội phong kiến đã chẳng dễ sống nay còn phải chịu cảnh “Một cổ hai tròng”. Nhân vật chính câu chuyện là người nông dân – người cha góa vợ, chỉ còn đứa con trai và chú chó Vàng được đặt trong cái nhìn của ông giáo. Vì phẫn chí không có tiền lấy vợ mà con lão bỏ đi đồn điền cao su, để lại mình lão với con chó. Lão coi Vàng như một người con trong nhà mà chăm sóc nhưng mất mùa, rồi lại đói kém, nhịn ăn không được lão quyết định bán Cậu Vàng và chọn cho mình cái chết vì không muốn phạm vào tiền để cho con. Câu chuyện là cái nhìn chân thực, đau đớn nhất về số phận bi thảm của người nông dân trong xã hội cũ, đồng thời làm sáng ngời vẻ đẹp của tình yêu thương, lòng tự trọng và tình người.
Trước hết, Lão Hạc hiện lên là nạn nhân của cái nghèo, cái đói của xã hội cũ. Toàn bộ tài sản của người nông dân ấy chỉ có một mảnh vườn và con chó. Vì nghèo mà lão không có đủ tiền để lo đám cưới cho con, để đứa con phải phẫn chí đi làm xa. Cái nghèo khiến lão không làm tròn trách nhiệm của một người cha cần phải làm. Cái nghèo bắt lão phải sống cảnh cô đơn, hiu quạnh trong tuổi xế chiều. Rồi cái đói ập đến, nó khiến lão phải sống khổ sở. Mảnh vườn thì còm cõi, xơ xác chỉ đủ cho lão bòn mót. Lão phải làm thuê, làm mướn để đổi lấy miếng ăn nhưng chẳng thể so với người trẻ. Rồi lại một trận ốm làm “lão yếu đi ghê lắm. tiền bấy lâu dành dụm đều cạn kiệt”. Cái nghèo, cái đói còn bủa vây khiến có lúc lão phải thốt lên rằng: “Cái kiếp chỉ nhỉnh hơn kiếp một con chó”.
Lão Hạc còn là nạn nhân của những khổ đau. Vợ mất sớm, sợi dây tình cảm với người con trai cũng chẳng giữ được. Không thể làm tròn chức trách một người cha, để rồi mỗi lần nhắc về con là mỗi lần nước mắt lại rơi: “Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi nữa?”. Chỉ còn mỗi con chó Vàng làm bạn, làm người thân. Nhưng còn gì đau đớn hơn khi phải bán đi chính thứ mình đã coi là một phần máu thịt, là con của mình. Đến cuối hành trình, vẫn là cái chết bi thảm và dữ dội: “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết.” Lão đang ở đỉnh cao của sự hành xác. Làm sao quên được cái chết đau đớn ấy, khác nào cái chết của một con vật! Hiện tại thì tối tăm, tương lai thì mờ mịt và bế tắc. Liệu còn khì khổ đau hơn những điều người nông dân xưa phải chịu?
Nhưng Nam Cao không phải chỉ là nhà hiện thực lạnh lùng, ông còn là sứ giả của tình thương. Ông đã dùng tấm lòng nhân đạo của mình để thấy được vẻ đẹp trong tính cách của Lão Hạc. Trước hết, đó là người cha giàu tình yêu thương con. Khi không đủ tiền để cưới vợ cho con: “lão thương con lắm nhưng biết làm sao được”. Câu nói đầy bất lực của một tấm lòng chan chứa yêu thương. Nhìn con trai phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su mà lão “chỉ biết khóc chứ còn biết làm thế nào nữa”. Tiếng khóc bất lực của người cha khi để con tuột khỏi tay mình. Ở nhà, lão tự tước đi quyền sở hữu mảnh đất. Bởi “vườn của mẹ nó tậu thì nó hưởng” và “tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu. Tiêu lắm chỉ tổ chết nó”. Cũng vì thế mà lão đã bán đi đứa con tinh thần của mình- cậu Vàng. Để rồi, cái chết cuối truyện cũng chỉ là để bảo toàn hạnh phúc cho đứa con. Không được học hành, cũng chẳng được dạy chữ nghĩa nhưng chính những điều lão làm là minh chứng cảm động nhất về tình phụ tử nguyên sơ, mộc mạc mà thiêng liêng.
Lão Hạc còn là một người nông dân nghèo giàu lòng tự trọng. Đó là khi dẫu bị cái đói, cái nghèo làm khổ sở, phải ăn những món tự chế nhưng chưa một lần ông nhận sự giúp đỡ của ai. Đó là khi còn tiền nhưng lão vẫn gửi tiền ông giáo để có tiền làm ma, để không phải làm phiền hàng xóm. Cái chết của lão cũng là minh chứng cho câu nói: “đói cho sạch, rách cho thơm”. Lòng tự trọng ấy, không cần phải dữ dội như sự phản kháng mạnh mẽ của chị dậu nhưng lại là lòng tự trọng phải đánh đổi dữ dội nhất. Khi đứng trước miếng ăn, có những con người đã gục ngã: Binh Tư, bà cái Tí hay trượt dài trên con đường tha hóa: Chí Phèo thì Lão Hạc vẫn có thể giữ vững mình trên bờ vực, trước ranh giới của sự tha hóa. Đó chính là vẻ đẹp, phẩm giá của con người Việt Nam, người nông dân Việt Nam.
Đặc biệt, Nam Cao đã khám phá ở Lão Hạc một phẩm cách rất đặc biệt, tính người và tính đồng loại. Với người khác, chó chỉ là một vật nuôi, vật trao đổi hay cùng lắm là một người bạn mua vui. Nhưng với lão, đó không đơn giản như vậy. Lão gọi nó là cậu Vàng như “bà mẹ hiếm hoi gọi đứa con cầu từ”, rồi lão bắt rận, mắng yêu nó, tắm cho nó. Và khi bán chó, lão chìm xuống đáy của bi kịch. Lòng lão đau nhói, những giọt nước mắt như rỉ ra từ đó: “những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra” rồi lão hu hu khóc như con nít. Con người ta tự bao giờ phân định mình tách biệt với tự nhiên, là bậc cao hơn với động vật? Chỉ có lão Hạc coi cậu Vàng như là một sinh linh, một mạng sống. Những giọt nước mắt đưa con người về thời nguyên sơ, thuần khiết nhất, trở về với bản tính của mình, hòa nhập cùng thiên nhiên. Bởi thế, Nam Cao mới coi giọt nước mắt là “giọt châu của loài người”, thể hiện tính người.
Như vậy, bằng tài năng của một cây bút văn học trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, tạo dựng chi tiết và tình huống bất ngờ, Nam Cao đã vẽ lên bức tranh số phận và vẻ đẹp của người nông dân trong xã hội đen tối qua hình ảnh cuộc đời lão Hạc.Bằng tác phẩm của mình, tác giả không chỉ tố cáo hiện thực mà còn thể hiện tấm lòng nhân đạo của mình. Với ông, văn học chính là một loại hình của yêu thương mà mỗi tác giả phải là sứ giả của tình thương, mỗi tác phẩm là thông điệp của tình thương.
Bởi những giá trị và tầm tư tưởng ấy, “Lão Hạc” chưa và không bao giờ rời khỏi một góc yêu thương của người đọc mọi thế hệ.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |