(1) Thiên nhiên Hạ Long chẳng những kì vĩ mà còn duyên dáng. (2) Nét duyên dáng của Hạ Long chính là cái tươi mát của sông nước, cái rạng rỡ của đất trời. (3) Sóng nước Hạ Long quanh năm trong xanh. (4) Đất trời Hạ Long bốn mùa sáng nắng. (5) Bốn mùa Hạ Long mang trên mình một màu xanh đằm thắm: xanh biếc của biển, xanh lam của núi, xanh lục của trời. (6) Màu xanh ấy như trường cửu, lúc nào cũng bát ngát, cũng trẻ trung, cũng phơi phới…
(7) Núi non, sông nước tươi đẹp của Hạ Long là một bộ phận của non sông Việt Nam gấm vóc mà nhân dân ta đời nọ tiếp đời kia mãi mãi giữ gìn.
(Vịnh Hạ Long - Thi Sảnh)
a) Chỉ rõ phép liên kết và từ ngữ có tác dụng liên kết trong các câu văn 3, 4, 5, 6
- Liên kết các câu trong bài bằng cách lặp từ ngữ: “Hạ Long”, “bốn mùa” “màu xanh”
- Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thế từ ngữ: Từ “ ấy” trong câu số 6
b) Ghi lại các tính từ trong câu văn số 6. Việc đăt các tính từ gần nhau trong một câu văn có tác dụng gì trong việc miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên Hạ Long? Đó là vẻ đẹp như thế nào?
- Các tính từ ở câu văn số 6: trường cửu, bát ngát, trẻ trung, phơi phới
- Tác dụng của việc đặt các tính từ gần nhau: làm nổi bật, ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp vĩnh cửu của sóng nước Hạ Long: tươi tắn, duyên dáng, trẻ trung, tràn đầy sức sống
c) Câu văn số 5 là câu đơn hay câu ghép? Chép lại và xác định chủ ngữ, vị ngữ của câu văn đó.
Câu đơn: Bốn mùa Hạ Long// mang trên mình một màu xanh đằm thắm: xanh biếc của biển,
CN VN
xanh lam của núi, xanh lục của trời.