Qua bức thư, ta thấy ông bố rất thương yêu con, cậu con trai bé nhỏ của mình. Giọng thư trìu mến, yêu thương: “En-ri-cô của bố ạ !” “Hãy nghĩ xem En- ri-cô à!”, “Hãy nghĩ kỹ điều này, En-ri-cô ạ”, “En-ri-cô này! Con hãy nhớ rằng…”; hoặc “Bố rất yêu con, En-ri-cô ạ, con là niềm hi vọng tha thiết nhất của đời bố…”. Nhắc lại tên con nhiều lần, kèm theo các từ: “ạ!”, “này”, “rằng”, giọng bố trở nên tâm tình, thủ thỉ, tha thiết; lời giáo huấn cứ thấm sâu vào tâm hồn con, làm cho En-ri-cô “xúc động vô cùng”.
Tuy thương yêu con hết mực, nhưng bố rất nghiêm khắc, kiên quyết. Bố nói cho con biết nỗi đau đớn cay đắng của mình vì “trước mặt cô giáo, con đã thiếu lễ độ với mẹ”, và “sự hổn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy!”. Đau đớn vì con hư! Tủi nhục vì bố mẹ có đứa con thiếu giáo dục!
Bố nhắc con “không bao giờ được tái phạm” về hành vi thiếu lễ độ với mẹ. Bố đã chỉ cho con thấy công ơn to lớn và tình thương bao la của mẹ đối với con, “tình yêu thương, kinh trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả”. Đó là cái gốc của đạo làm người, vì thế kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó, “thật đáng xấu hổ và nhục nhã”.
Bố bắt con phải xin lỗi mẹ “không phải vì sợ bố, mà do sự thành khẩn trong lòng” nghĩa là do sự ăn năn hối hận, do lương tâm cắn rứt? Bố khuyên con “hãy cầu xin mẹ hôn con”, chiếc hôn tha thứ đứa con tội lỗi, chiếc hôn để “xóa đi cái dấu vết vong ân bội nghĩa trên trán con”.
Cuối bức thư, thái độ của bố càng quyết liệt hơn. Yêu và ghét, còn và mất được bố nêu lên một cách kiên quyết. Tuy rất yêu con, coi con là “niềm hi vọng tha thiết nhất”, nhưng nếu con “bội bạc với mẹ” thì “thà rằng bố không có con” Càng nghiêm khắc hơn nữa khi người bố viết: “Thôi, trong một thời gian con đừng hôn bố; bố sẽ không thể vui lòng đáp lại cái hôn của con được”. Đối với con, thời gian là thử thách, con có sửa chữa được lỗi lầm đó không…
Qua đó ta thấy người bố rất nghiêm khắc trong việc giáo dục đạo đức cho con. Bố dạy con cách ăn nói phải lễ phép, phải biết kính trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bố mẹ và phải biết thành khẩn sửa chữa lỗi lầm. Bức thư viết cách chúng ta trên một thế kỉ của một người bố gửi cho con trong một gia đình nước Ý, thuộc nền văn hóa phương Tây, nhưng chúng ta (thuộc nền văn hóa phương Đông) vẫn cảm thấy gần gũi, thân thiết và xúc động. Bài học về lòng biết ơn và kính trọng bố mẹ được đặt ra một cách nghiêm túc. Con cái không nên, không được làm cho bố mẹ phải đau lòng, dù là một cử chỉ, một lời nói vô lễ. Vô lễ là bất hiếu. Bất hiếu, bất trung là tội lớn, xưa nay đều quan niệm thế.