Mặc dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, song thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa từ loại vũ khí giết người hàng loạt này. Các chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân đã được khởi động từ nhiều năm qua, nhưng còn bộc lộ nhiều tồn tại do chính sách thực thi chưa cụ thể, trước hết trong việc quản lý, đặc biệt là từ phía các cường quốc hạt nhân.
Tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân trên thế giới đang diễn ra rất chậm chạp và các cường quốc sở hữu vẫn tiếp tục hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân của mình. Mới đây, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Xtốc-khôm (SIPRI) cho biết, tính đến đầu năm 2016, có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên, với tổng cộng 4.120 đơn vị vũ khí hạt nhân. Nếu tính riêng các đầu đạn hạt nhân thì con số là 15.395 đơn vị (đầu năm 2015 là 15.850 đơn vị). Các đầu đạn đã triển khai là số đã được lắp đặt trên các tên lửa hoặc đang nằm trong thành phần trang thiết bị vũ khí của các lực lượng tác chiến.
xm80_6b
Vũ khí hạt nhân của Nga được trình diễn tại cuộc duyệt binh của nước này. Ảnh: NBC News
Chưa kể, một loạt những động thái gần đây cũng đang khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại, đó là việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ngày 17-8-2016, Triều Tiên xác nhận đã nối lại hoạt động sản xuất Plutoni, đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng không có kế hoạch ngừng thử hạt nhân với lý do vì những mối đe dọa từ Mỹ.
Trong văn bản trả lời phỏng vấn hãng Kyoto, Viện Năng lượng nguyên tử, cơ quan phụ trách các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên tại tổ hợp Yongbyon, cho biết, các chuyên gia nước này bắt đầu tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, được tháo dỡ từ một lò phản ứng graphite (than chì) tầm trung để phục vụ cho sản xuất Plutoni. Viện này cũng tuyên bố, Bình Nhưỡng đang chế tạo Urani làm giàu cấp độ cao, cần thiết để sản xuất vũ khí và điện hạt nhân. Tuy nhiên, khối lượng Plutoni và Urani do được Bình Nhưỡng sản xuất vẫn chưa được tiết lộ.
Trước những mối đe dọa khủng khiếp của vũ khí hạt nhân, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực hành động để ngăn chặn; đồng thời yêu cầu những quốc gia sở hữu hạt nhân phải có thái độ nghiêm túc trong việc thực hiện Hiệp ước NPT; kêu gọi giải quyết các mâu thuẫn, xung đột bằng đàm phán hòa bình…