Mỗi nhà văn, mỗi tác giả khi khai thác đề tài người nông dân lại có những đặc sắc, những điểm nhấn thú vị khác nhau. Ngô Tất Tố cũng là một tác giả thành công khi khai thác đề tài này qua tác phẩm Tắt đèn mà nổi bật là đoạn trích Tức nước vỡ bờ. Ở đoạn trích, diễn biến tâm lí của chị Dậu được tác giả lột tả một cách vô cùng tinh tế.
Mở đầu đoạn trích là bối cảnh những ngày thu sưu thuế náo nhiệt nhưng với người nhà nghèo “nhất nhì trong hạng cùng đinh” như chị Dậu thì đây quả là những ngày ác mộng. Chị chạy vạy ngược xuôi để đủ tiền nộp cho chồng, đến bước đường cùng, chị đã quyết định bán cái Tí - đứa con gái đầu lòng mới bảy tuổi cho nhà Nghị Quế để đủ tiền nộp sưu. Những tưởng sau khi nộp sưu anh Dậu sẽ thoát khỏi cảnh bị đánh đập nhưng sự đời oái oăm, bọn chúng còn bắt anh chị đóng cả phần sưu cho người em trai anh Dậu đã mất. Chứng kiến cảnh chồng bị đánh, con bị bán mà vẫn không đủ tiền nộp để cứu chồng ra khiến chị Dậu bất lực chỉ còn biết gào khóc ngoài đình làng. Tiếng khóc bất lực của một người phụ nữ trước một xã hội đầy áp bức bất công.
Đến tối, người ta mang anh Dậu về trả cho chị trong trạng thái đau đớn như người sắp chết không còn biết gì. Gọi mãi anh không dậy, chị vô cùng hoảng sợ, đau đớn. Khi được dân làng thương tình sang giúp đỡ kiến anh Dậu tỉnh lại và bà lão hàng xóm sang cho bát gạo nấu cháo, chị mới yên lòng hơn một chút. Chị trở lại là người vợ hiền lành, dịu dàng múc từng bát cháo cho nguội bớt và nhẹ nhàng mang bát cháo tiến đến chỗ anh Dậu, khuyên nhủ anh ăn đi một chút cho lại sức. Dẫu ngoài kia còn bao ồn ào, bão tố sắp gõ cửa ngôi nhà nhưng người vợ ấy vẫn hết lòng yêu thương, chăm sóc. Phút giây bình yên hiếm hoi của ngôi nhà nghèo nhưng giàu tình cảm khiến chúng ta không khỏi xúc động và ngưỡng mộ.
Khi anh Dậu bưng bát cháo chuẩn bị húp cũng là lúc bọn cai lệ đến nhà đòi bắt anh đi. Chứng kiến cảnh chồng vì khiếp sợ mà buông bát cháo rồi nằm vật ra giường, chị không khỏi đau xót nhưng vẫn nhún nhường, nhẫn nhịn gọi bọn chúng là “các ông” và xưng là “cháu” để mong chúng nhẹ tay với chồng mình. Nhưng chị càng nhẫn nhịn bọn chúng càng lấn tới, đỉnh điểm nhất là lúc tên cai lệ đánh vào ngực chị. Lúc này bao nhiêu bực tức, uất ức dồn nén lâu nay đã trội dậy mạnh mẽ và biểu hiện bằng hành động rõ ràng. Chị Dậu dám vùng lên đánh lại bọn chúng đầy bất ngờ. Sức mạnh của một người phụ nữ lực điền và sự uất hận dồn nén đã làm chị mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có thể thấy tác giả Ngô Tất Tố đã vô cùng thành công khi đẩy tâm lí của chị lên cao trào làm cho người đọc vừa đồng cảm, vừa thấu hiểu lại đồng ý với hành động của chị; nó rất phù hợp với quy luật phát triển tính cách cũng như hoàn toàn phù hợp với phẩm chất con người nhân vật.
Chị Dậu không chỉ là nhân vật điển hình cho hình ảnh người nông dân trong xã hội lúc bấy giờ mà còn là tấm gương sáng để chúng ta học tập. Nhiều năm tháng qua đi nhưng tác phẩm vẫn giữ nguyên vẹn giá trị ban đầu của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.