Trong văn học hiện thực những năm 1930-1945, Nam Cao là một cái tên tiêu biểu mà chúng ta không thể không nhắc đến. Các tác phẩm của ông mang đến cho người đọc cảm giác chân thực cùng ý vị triết lí mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc. “Lão Hạc” là một trong những tác phẩm thành công của ông. Đến với tác phẩm để lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc là hình ảnh lão Hạc- một người nông dân hiền lành,chất phác, giàu lòng nhân ái và lòng tự trọng nhưng lại có số phận vô cùng bất hạnh.
Lão Hạc- một con người nghèo khổ, bất hạnh. Vợ lão mất sớm, lão ở vậy gà trống nuôi con. Vất vả nuôi con khôn lớn, đến tuổi lấy vợ,lão lại không lo được đủ tiền cưới cho con. Không lấy được vợ, con lão buồn phiền mà bỏ đi đồn điền cao su, đã 5-6 năm biền biệt chưa về. Tuổi già cô quạnh một mình, bất hạnh càng đến với lão khi lão ốm một trận thập tử nhất sinh, vườn tược, hoa màu bị phá sạch sau trận bão. Lão mất vé sợi, ốm xong không đủ sức làm việc nặng, những việc nhẹ nhàng thì bị đàn bà trong làng tranh hết. Lão Hạc ăn uống đói deo đói dắt, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cậu Vàng- con chó mà người con trai trước khi đi đã để lại cho lão, là niềm vui duy nhất trong quãng đời cuối của lão. Thế nhưng vì cậu Vàng ăn nhiều mà lão không nuôi nổi, phải bán chó. Sau khi bán cậu Vàng, lão Hạc đau khổ, cảm thấy mình tệ bạc, lão càng sống kham khổ. Lão chỉ ăn khoai, củ chuối, củ ráy,... Cuối cùng để bảo toàn số tiền cho con, lão kết thúc cuộc đời mình một cách đau khổ bằng bả chó.
Thế nhưng trước số phận khổ đau đó, lão Hạc vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân. Lão là một con người hiền lành, chất phác, nhân hậu, là người cha có trách nhiệm. Một tay nuôi lớn con vất vả, khi con không lấy được vợ, lão luôn dằn vặt vì không lo được cho con. Đến khi con trai bỏ đi, lão luôn mong nhớ và khóc rất nhiều. “ Hình của nó người ta giữ, ảnh của nó người ta chụp, nó là con người ta rồi chứ đâu phải con tôi”. Trong quãng thời gian con đi, ba sào vườn mà vợ để lại cho con, lão không động vào đồng hoa màu nào, tất cả để để dành lại để đưa cho con khi trở về. Cho dù phải bán chó hay chết, lão cũng quyết không dùng nó. Con đi để lại con chó. Tất cả tình yêu, nỗi nhớ con trai đều được lão gửi vào con chó. Lão thân mật gọi nó là “cậu Vàng”, đối xử với nó như một con người. Lão cho nó ăn cơm trong bát sứ như nhà giàu, lão bắt rận, tắm rửa cho nó, trò chuyện với nó, lão ăn gì cũng cho nó ăn cùng. Cậu Vàng chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc, niềm an ủi, động viên lão trong những ngày tháng cô đơn cuối đời. Thế nhưng lão vẫn phải bán nó. Tiếng khóc nức nở của lão sau khi bán con chó đã thể hiện sự nhân hậu của lão. Lão cảm thấy mình thật ích kỷ, tệ bạc, già rồi mà còn đánh lừa một con chó.
Lão Hạc còn là một con người trong sạch, giàu lòng tự trọng. Cho dù lão sống túng bấn đến đâu, lão cũng không muốn lấy của ai cái gì. Sau khi bán chó, lão chỉ ăn khoai, củ chuối, củ ráy, sung luộc, vài bữa ốc cho qua ngày, nhưng khi ông giáo mời ăn khoai, uống trà thì lão chỉ khéo léo từ chối bảo để khi khác. Khi mà ông giáo ngấm ngầm giúp đỡ, lão từ chối gần như hách dịch. Sau khi bán chó, lão Hạc gửi ông giáo 3 sào vườn và 30 đồng bạc để không làm phiền tới láng giềng khi ông chết. Và rồi cuối tác phẩm, Nam Cao làm người đọc bất ngờ khi nghe nhân vật Binh Tư- một kẻ chuyên đánh bả chó kể rằng lão Hạc vừa xin hắn một ít bả để bẫy con chó hay vào vườn nhà lão. Để rồi lại tới một bất ngờ khác khi chứng kiến cái chết thảm thương của lão. Từ đó càng thấy được lòng tự trọng, trong sạch của lão Hạc. Đó là một phẩm chất đáng quý mà khó ai giữ được trong hoàn cảnh của lão.
Nam Cao đã xây dựng thành công nhân vật lão Hạc với một số phận bất hạnh nhưng lại nổi bật trên đó phẩm chất tốt đẹp của lão- hiền lành, chất phác, yêu thương con, nhân hậu, trong sạch, giàu lòng tự trọng. Từ đó thể hiện được tinh thần nhân đạo sâu sắc của Nam Cao.