Người nông dân là đề tài quen thuộc khơi nguồn cảm hứng cho bao nhà văn, nhà thơ. Nếu người nông dân trong văn của Nam Cao vì quá đau khổ và bần cùng mà phải tìm đến cái chết để giải thoát khỏi những đau khổ thì người nông dân trong văn của Ngô Tất Tố lại biết mạnh dạn vùng lên khi bị áp bức và dồn vào bước đường cùng. Và nhân vật điển hình cho lối văn chương này của ông là nhân vật Chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn mà nổi bật là đoạn trích Tức nước vỡ bờ.
Chị Dậu trước tiên là một người vợ yêu chồng, đảm đang, biết lo toan công việc cho gia đình. Khi anh Dậu bị bọn cai lệ và người nhà lí trưởng bắt đi đánh đập vì thiếu tiền nộp sưu thuế, chị đã chạy vạy ngược xuôi để kiếm tiền đóng đủ cho chồng để chồng không bị đánh đập nữa. Chị đã phải bán cả ổ chó con và thậm chí bán cả đứa con gái đầu lòng là cái Tí mới bảy tuổi cho nhà Nghị Quế để làm người ở để đủ tiền đóng sưu. Nhưng thói đời bạc bẽo, những nỗ lực của chị như đổ sông đổ bể khi bọn chúng còn bắt anh chị đóng sưu cho người em trai anh Dậu đã mất từ năm ngoái. Chị Dậu như bất lực và gục ngã trước sân đình khi thấy chồng mình vẫn bị đánh và thói ngang ngược, những thứ sưu tô vô lí của bọn quan lại. Xã hội mục nát với những áp bức bất công đổ dồn lên đôi vai của người phụ nữ nhỏ bé.
Chị Dậu là người phụ nữ đảm đang, chu toàn tươm tất việc trong gia đình. Khi người ta đưa anh Dậu như cái xác không hồn về nhà, chị Dậu lo lắng, dồn toàn bộ tâm huyết để chăm sóc chồng. Chị lo lắng rằng anh có mệnh hệ gì, tất bật ngược xuôi mong anh tỉnh dậy. Đến khi anh tỉnh rồi chị mới an tâm được một chút và đi nấu cháo cho chồng ăn. Từng lời nói, cử chỉ, hành động của chị với chồng vô cùng đáng ngưỡng mộ. Dù trong lòng còn nhiều lo toan nhưng chị vẫn động viên chồng húp miếng cháo loãng để lại sức, cách gọi “Thầy em” vừa thể hiện sự trân trọng và kính nể, nhún nhường trước người chồng đau đớn của mình; vừa thể hiện tình cảm vô bờ bến dành cho chồng. Thật là một người phụ nữa đáng khâm phục.
Chị còn là một người phụ nữ cứng rắn, gan dạ. Khi bọn cai lệ và người nhà lí trưởng đến đòi bắt anh Dậu mang đi đánh, chị đã vô cùng hốt hoảng, lo sợ. Chị ra sức van xin chúng tha cho chồng mình nhưng chỉ nhận lại là những tiếng mắng chửi cay độc từ chúng. Người phụ nữ trong xã hội ấy vốn là những người thấp cổ bé họng không có quyền cất lên tiếng nói và tiếng nói không có giá trị. Dù biết mình có van xin cũng không được lắng nghe nhưng vì yêu thương chồng, chị vẫn cố gắng. Đỉnh điểm của sự tức giận khi tên cai lệ đánh bịch vào ngực chị và sấn sổ đòi bắt anh Dậu đi. Lúc này, chị không bình tĩnh được nữa đã đứng lên đánh trả bọn chúng. Chị không ngần ngại với mấy tên tay sai hống hách, từ cách xưng hô “ông - con” đầy tôn trọng kính nể, người phụ nữ ấy chuyển thành “mày - tao” ngang hàng phải lứa với chúng để bảo vệ chồng. “Tức nước vỡ bờ”, những tháng ngày chịu bao đau khổ, chịu bao sự giày vò giờ đã bùng cháy thành cơn thịnh nộ của người đàn bà. Hai tên nghiện ngập không thắng nổi sức lực của người đàn bà lực điền nên bị đánh cho tơi tả. Trong khoảnh khắc ấy, dù bên tai văng vẳng tiếng người chồng van xin dừng lại và tiếng trẻ con khóc nhưng người đàn bà vẫn chống lại cường quyền dù cho lường trước được hậu quả khôn lường. Từ một người phụ nữ nông thôn hiền lương, nghèo đói, luôn sợ sệt lũ tay sai thúc thuế, chị đã dám phản kháng chống lại uy quyền. Quả là một hành động đáng ngưỡng mộ.
Tức nước thì vỡ bỡ, có áp bức; có đấu tranh là một quy luật tất yếu. Tuy vậy, sự đấu tranh của chị Dậu chỉ là hành động mang tính bộc phát chứ không có tính định hướng, cũng chưa có tính tập thể cho nên cuối cùng một mình chị vẫn không thể nào chống đỡ lại được cả một chế độ phong kiến thối nát, độc ác, chuyên quyền. Chị vẫn phải vùng chạy, lao vào màn đêm tăm tối như chính của cuộc đời của mình.
Đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" được coi là một trong những đoạn trích hay nhất của tác phẩm "Tắt đèn". Đoạn trích vừa làm nổi bật vẻ đẹp của một người phụ nữ yêu chồng thương con, giàu đức hi sinh và sức phản kháng mãnh liệt, vừa thông qua đó để lên án một xã hội cường quyền, áp bức bất công đẩy người nông dân thấp cổ bé họng vào đường cùng, buộc họ phải vùng lên tranh đấu. Nhiều năm tháng qua đi nhưng đoạn trích cùng tác phẩm vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị tốt đẹp của nó và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.