1. Nhiệt kế thủy ngân
Nhiệt kế thủy ngân là loại nhiệt kế lâu đời nhất và còn là loại được sử dụng nhiều nhất ở các cơ sở y tế nước ta. Vị trí đo nhiệt độ được chọn khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân là nách, cho kết quả gần đúng với nhiệt độ bên trong cơ thể. Khi dùng, nhiệt kế cần được kẹp chặt ở hố nách sao cho đầu nhiệt kế tiếp xúc hoàn toàn với vùng da ở đỉnh nách.
Cần nhớ lau khô nách và vẩy nhiệt kế cho cột thủy ngân thấp xuống dưới mức 35,5 độ C. Kết quả được đọc sau ít nhất 5 phút đo. Thân nhiệt chính xác của cơ thể có được bằng cách cộng thêm 0,5 độ C vào kết quả đo được. Nhiệt kế thủy ngân cũng có thể được dùng để đo nhiệt độ ở hậu môn. Trước khi đo cần bôi trơn đầu nhiệt kế, sau đó đẩy trọn đầu nhiệt kế vào hậu môn, khoảng 2 - 3 cm, đọc kết quả sau khoảng 3 phút.
Nhiệt kế thủy ngân hiện đang được sử dụng nhiều tại các cơ sở y tế ở Việt Nam
Ưu điểm nổi trội của nhiệt kế thủy ngân là kết quả chính xác. Tuy nhiên, với cách thực hành đo phức tạp, nhiệt kế thủy ngân không dễ sử dụng cho tất cả mọi người, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Kẹp chặt nhiệt kế đúng vị trí giữa hố nách liên tục trong vòng 5 phút là điều khó thực hiện ở trẻ con. Một tai nạn thường gặp khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân là vỡ nhiệt kế. Thủy ngân bên trong được giải phóng ra bên ngoài, có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Xử trí và dọn dẹp thủy ngân vương vãi là một kỹ năng cần có cho những người sử dụng nhiệt kế thủy ngân. Một vài lưu ý cần nhớ khi xử trí vỡ nhiệt kế như sau:
- Cởi bỏ quần áo vấy bẩn, và rửa sạch tay bằng xà phòng
- Tắt quạt và điều hòa để giảm lượng thủy ngân bay hơi
- Đeo găng tay khi thu gom các hạt thủy ngân, tuyệt đối không dùng tay không
- Sử dụng bông ướt để gạt các hạt thủy ngân vào một lọ thủy tinh có nắp đậy kín
- Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc thủy ngân, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử trí.