Cuộc chia tay của những con búp bê nằm trong hệ thống văn bản nhật dụng với chủ đề chính về quyền trẻ em. Văn bản làm người đọc vô cùng xúc động trước cuộc chia tay đầy nước mắt của hai anh em hơn thế còn cho thấy vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với trẻ thơ.
Trong tác phẩm diễn ra ba cuộc chia tay: cuộc chia tay của Vệ Sĩ và Em Nhỏ (hai con búp bê của anh em Thành Thủy), cuộc chia tay của hai anh em Thành Thủy, cuộc chia tay với lớp học. Nguyên nhân của tất cả các cuộc chia tay này đều xuất phát từ sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân của cha mẹ Thành Thủy. Truyện được kể ở ngôi thứ nhất, nhân vật “tôi” – người anh là người trong cuộc chứng kiến và chịu những đau khổ, bất hạnh của cuộc chia li này nên câu chuyện diễn ra vô cùng chân thực, cảm động.
Trước khi hai anh em chia li là những lời tâm sự thẫm đẫm nước mắt, đọc đến đây có lẽ không ai có thể cầm được nước mắt trước tình cảnh đau lòng của chúng. Thủy khóc cả đêm trước ngày lên xe theo mẹ về quê, “đôi mắt tuyệt vọng”, “buồn thăm thẳm, hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều”. Người anh cũng chẳng thể khá hơn, dù đã cố gắng kìm nén sự đau khổ nhưng “nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đầm cả gối và hai cánh tay áo”. Làm sao có thể không đau đớn, xót xa cho được khi giây phút chia tay của hai anh em mỗi lúc một gần hơn. Việc cha mẹ li hôn như một tai họa nặng nề giáng xuống đầu hai anh em. Thành lo sợ sẽ phải xa em mãi mãi, em không muốn tin điều ấy và chỉ mong đó chỉ là một giấc mơ thôi. Thành kinh ngạc khi thấy cảnh vật, con người vẫn như hôm qua, hôm kia, vẫn diễn ra đông vui tấp nập, nắng vẫn vàng ươm mà cuộc sống của hai em lại tăm tối ảm đảm khôn cùng. Sự đối lập giữa ngoại cảnh và tâm cảnh càng thể hiện rõ hơn tâm trạng bơ vơ, thất vọng của em.
Nhưng đọng lại trong tâm trí người đọc còn là tình cảm anh em thắm thiết sâu nặng, sự quan tâm, chăm sóc của hai đứa trẻ tội nghiệp với nhau. Thủy quan tâm đến anh từ những việc nhỏ nhất như vá áo cho anh để mẹ khỏi mắng, lấy con Vệ Sĩ đặt lên đầu giường nhằm canh giấc ngủ cho anh, khi chia đồ chơi cũng nhường hết cho anh, và kiên quyết để lại con búp bê để canh cho anh giấc ngủ. Em quả là một đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng, có tâm hồn vị tha, tấm lòng yêu thương cao cả. Thủy không những thương anh mà còn thương cả những con búp bê, không muốn chúng bị chia lìa. Thành sau khi nhận ra sự quan tâm, chăm sóc ân cần của em, cậu đã hiểu những sai lầm của mình, mải chơi mà ít quan tâm đến em. Bởi vậy, từ đó chiều nào Thành cũng đón em từ trường về, nhường tất cả đồ chơi cho em,… Những cử chỉ, suy nghĩ của hai anh em đã cho thấy tình cảm yêu thương, sự quan tâm săn sóc nhau của chúng thật đẹp đẽ, nồng ấm.
Cuộc chia tay của Thủy với lớp và cô giáo cũng khiến người đọc vô cùng xúc động. Trong lần chia tay này có lẽ chi tiết xúc động nhất chính là khi cô giáo tặng Thủy quyển sổ và cây bút nhưng em không dám nhận vì: “em không được đi học nữa” “nhà bà ngoại em ở xa trường học lắm. Mẹ em bảo sẽ sắm cho em một thúng hoa quả để ra chợ ngồi bán”, đọc đến đây có lẽ chúng ta không thể cầm được nước mắt về lời chia sẻ chân thật mà cũng hết sức đau lòng của em. Thủy không chỉ bị tước đi quyền được sống trong một gia đình yên ấm, hạnh phúc mà còn bị tước đi quyền học tập, vui chơi. Em buộc phải lao mình vào vòng xoáy cuộc sống kiếm tiền ngay từ khi còn nhỏ.
Sau những giờ phút chia tay bạn bè, lớp học thời khắc đau đớn nhất của Thành và Thủy cũng đến. Thủy như ngươi mất hồn, leo lên xe, theo mẹ về quê. Những lời em dặn dò thật xúc động biết bao “bao giờ áo anh có rách, anh tìm về chỗ em, em vá cho, anh nhé…” và hành động đầy lòng vị tha: Thủy tụt xuống xe, chạy về chiếc giường đặt con Em Nhỏ cạnh con Vệ Sĩ. Chi tiết làm người đọc thắt lòng. Dù hai anh em phải chia tay nhưng tình cảm của họ thì mãi không thể chia cắt, để hai con búp bê cạnh nhau cũng thể hiện mơ ước mãi mãi không chia lìa của Thủy.
Tác phẩm không chỉ hay về nội dung mà con hấp dẫn ở nghệ thuật. Trước hết văn bản xây dựng tình huống truyện độc đáo, mượn cuộc chia tay của hai con búp bê để nói về cuộc chia tay đầy cảm động, xót xa của hai anh em Thành, Thủy. Ngôn ngữ nhân vật đặc sắc, lối kể chuyện giản dị, tự nhiên, chân thành, giọng kể tự nhiên nên có sức lay động lớn. Nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật của nhà văn khá sâu sắc, khai thác tâm trạng của hai anh em qua những tình huống khác nhau.
Bằng những nét đặc sắc về nghệ thuật tác giả đã cho thấy tình cảm anh em thắm thiết, sâu nặng. Đồng thời qua câu chuyện éo le, đầy xúc động này Khánh Hoài cũng gửi gắm đến người đọc thông điệp sâu sắc: gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, đặc biệt là với trẻ em. Mọi người cần có ý thức, trách nhiệm giữ gìn và vun đắp tổ ấm gia đình để trẻ em được sống và phát triển trong môi trường tốt nhất.