1.
Một trời thu có nắng có gió, có những tà áo trắng tung tăng đến trường. Hôm nay, tôi chính thức bước vào lớp 8, đã sắp trở thành chị cả của trường. Cứ mỗi mùa tựu trường đến, mùa thu của tám năm trước lại ùa về, với những kỉ niệm buồn vui lẫn lộn của ngày đầu tiên đi học.
Đã tám năm rồi, nhưng tôi vẫn nhớ như in buổi sáng hôm ấy. Một cô bé ngày hôm qua vẫn còn khóc lóc đòi mua kẹo, hôm nay mặc áo sơ mi, quần bò và khoác chiếc cặp to hơn người đi đến trường. Con đường làng hôm ấy trong mát và mới mẻ đến lạ lùng. Có phải ai cũng đang nhìn tôi bằng con mắt khác không nhỉ? Phải rồi, vì hôm nay tôi đi học cơ mà. Cánh cổng trường đã hiện ra trước mặt rồi! Ngôi trường thật rộng quá, màu vàng hoà cùng nắng, màu xanh lẫn vào nền trời. Tôi cảm thấy hồi hộp đến lạ lùng, như bước qua cánh cổng kia, sẽ là cả một thế giới kì diệu mở ra. Tôi nắm chặt lấy tay mẹ không muốn buông, bởi trước mặt chỉ toàn là những người xa lạ không quen biết. Tôi sẽ cứ mãi chìm vào nỗi sợ hãi như vậy nếu như không có chuyện đó xảy ra...
Lúc ấy, đám học sinh lớp một của chúng tôi còn đang ngơ ngác lạ lẫm giữa sân trường. Tôi chỉ chực khóc, bởi tôi thấy nhớ nhà, nhớ mẹ vô cùng. Tôi lúng túng đến mức cứ vừa đi vừa cúi mặt xuống, đến nỗi đâm sầm vào một bạn nữ mà không hay. Cô bạn ấy cũng nhỏ nhắn, làn da bánh mật và có nụ cười rất tươi. Tôi giẫm vào chân bạn, chắc lúc ấy bạn phải đau lắm, vì tôi thấy bạn khẽ nhíu mày. Ríu rít xin lỗi, trong lòng tôi lại thấy xấu hổ vô cùng, vì ngày đầu tiên đã vụng về bất cẩn. Nhưng cô bạn lại nhoẻn miệng cười tươi tắn và nhẹ nhàng nói: “Không sao đâu cậu. Cậu chú ý hơn là được mà”. Giọng nói ấy thật ấm áp nhẹ nhàng, khiến tôi cũng an tâm trở lại và cười thật tươi.
Chúng tôi nhanh chóng làm bạn cùng nhau, cùng nhau đi khắp sân trường trong lúc chờ được gọi tên. Hỏi ra mới biết, bạn tên là Hân, cũng sẽ học cùng lớp với tôi. Có lẽ tôi đã tìm được người bạn đầu tiên rồi. Đang mải mê nói chuyện, bạn chợt hỏi:
- Sao khi nãy nhìn cậu buồn như vậy?
Tôi trả lời:
- Là vì tớ nhớ mẹ tớ, tớ muốn được trở về nhà.
Bỗng nhiên, mặt Hân bỗng trùng hẳn xuống, đôi mắt ướt như sắp khóc. Tôi lo lắng không biết mình có nói sai điều gì không, tại sao bạn lại buồn như vậy. Thì bạn nhẹ nhàng lắc đầu, giọng rầu rầu:
- Cậu thật may mắn vì được mẹ đưa đi học, có nhà để trở về. Cậu biết không, từ bé tớ đã mất cả cha mẹ, được gửi vào trại mồ côi. Hôm nay tớ cũng tự đi học một mình. Tớ mong gặp mẹ lắm mà không được đó! Mỗi lần nhìn ai đó được cha mẹ dẫn đi chơi công viên, chở đi học, tớ lại thấy tủi thân và khao khát gia đình. Có lẽ tớ là người bất hạnh nhất rồi!
Bạn khẽ đưa tay lau giọt nước mắt.
Tôi câm lặng không biết phải nói điều gì. Đến bây giờ, tôi mới nhận ra mình may mắn đến thế nào. Hạnh phúc thực sự là có một gia đình để yêu thương. Vậy mà đôi khi, tôi còn lãng quên, tôi giận dỗi mẹ vì không mua đồ chơi như tôi. Tôi lén nhìn sang Hân và thương bạn vô cùng. Vậy mà bạn vẫn vui vẻ, vẫn vượt lên trên tất cả để đến trường. Vậy có lí do gì để tôi không mạnh mẽ và cố gắng? Hai chúng tôi nhìn nhau thật lâu và nhoẻn miệng cười, nắm tay nhau vào lớp. Buổi tựu trường dường như ý nghĩa hơn tôi tưởng rất nhiều.
Tôi khẽ mỉm cười, quay trở lại hiện tại. Sau lần đó, tôi và Hân trở thành người bạn tri âm tri kỉ. Phần vì tôi thương bạn, muốn ở bên cạnh để bạn không cảm thấy buồn như trước nữa, phần vì bạn là người già dặn, đã lớn trước tuổi nên thường dạy tôi nhiều điều có ích trong cuộc sống. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ về câu nói của Hân, và chính bạn cũng đã dạy cho tôi thật nhiều điều. Dạy cách trân trọng những giá trị giản dị trong cuộc sống, cách vượt lên hoàn cảnh để sống thật mạnh mẽ. Tôi tin rằng, đó sẽ là hành trang theo tôi suốt cuộc đời này.
Đó là câu chuyện về ngày đầu tiên đi học của tôi, đánh dấu tôi đã trưởng thành thực sự. Các bạn hãy nhớ rằng, những bài học đầu đời mới đáng quý và khắc ghi sâu nhất!
2.
Kỷ niệm, cũng giống như những phím đàn - khi chạm tay vào, âm thanh sẽ ngân lên, nhưng không phải lúc nào cũng tuyệt vời, mà có cái hay, cái dở, cái muốn nhớ, cái lại thích xóa đi.
Cô nhỏ nhướn mày lên, nhìn xuống đồng hồ đeo tay, rồi dõi mắt ra ngoài cửa lớp. Nơi dãy hành lang dài đang im ắng, chờ đợi, lắng nghe tiếng giày gõ nhịp để thầm đoán: thầy hay cô? Giờ Toán của lớp 9P1 hôm nay thay đổi giáo viên. Cô giáo cũ nghỉ hộ sản. Thầy giám thị thông báo sẽ có giáo viên mới đến thay. Mười lăm phút trôi qua nhanh chóng trong sự sốt ruột của học trò. Phía cuối lớp có ai nghịch ngợm ngân nga: "Mười lăm phút đồng hồ, buồn nhớ Toán thấy mồ, buồn như con cá rô... đang trôi... vào tô..."
- Nghiêm!
Giọng trưởng lớp vang to, khá oai (nhờ to con). Thầy giám thị xuất hiện. Một trăm con mắt học trò đen láy đổ dồn về phía cửa. Thấp thoáng phía sau thầy là một bóng dáng lạ, chắc "ông" thầy Toán mới?. Ô, nhưng sao mà... giống học trò quá đỗi!!! Thầy giám thị cười khá tươi:
- Xin giới thiệu với các em, đây là thầy T. sẽ phụ trách môn Toán lớp 9 thay cho cô N...
Một tràng pháo tay ngưỡng mộ (?) vang lên như mưa rào tháng sáu. Thầy T mỉm cười gật nhẹ đầu "chào các em thân mến!". Ôi chao, hai má thầy sao mà đỏ như màu xác pháo, cặp kính cận suýt chút nữa rơi khỏi sống mũi. Chắc vì cảm động trước "thịnh tình" của lũ học trò cỡ... hoa khôi đến hai phần ba lớp, dành cho!
Trước khi trở về văn phòng, thầy Giám thị còn "ân cần dặn dò".
- Các em phải học cho ngoan. Nhớ là không được phá thầy!
Ôi! Lời "đe nẹt" ấy không phải là không có duyên cớ. Bởi vì, con gái 9P1 có truyền thống mấy mùa tuy thông minh, học giỏi, đẹp người, tốt hạnh kiểm nhưng... chuyên nghịch ngợm cũng đứng vào hàng... quái chiêu! Thầy cô thương cũng lắm, mà dở khóc, dở cười cũng nhiều. Không biết trước khi vào lớp, thầy T đã "nghiên cứu lý lịch" học trò chưa mà... ngó bộ thầy "bình tĩnh rồi ... run" thấy rõ.
Sau màn tự giới thiệu rất "dễ sương" - Sinh viên năm cuối Đại Học Khoa học tự nhiên (bằng cái giọng mà phong thái điệu đà như con gái). Thầy vui vẻ đòi ... kiểm tra bài cũ. Năm mươi cái miệng than trời càng lúc vẫn không làm thay đổi được quyết định "sắt đá" của thầy. Thầy cầm quyển sổ điểm dò tên (sao thầy không chịu nhìn vào sơ đồ lớp nhỉ ?!) rất lâu, hai bàn tay run run (chắc do bị học trò "chiếu tướng" khá kỹ). Khi cây viết đỏ hạ xuống gần giữa sổ, một cái tên được xướng lên:
- Trần Thị L.N.
Cả lớp im phăng phắc theo từng bước đi "dịu dàng" của N, để rồi sau đó hai phút, bỗng nổ ra 1 trận cười bom dội - N là một cô gái có dáng dấp "oai phong" của một vận động viên bóng rổ. Cao 1m65, học trễ hai năm nên rất đáng mặt đàn chị so với cả lớp: Trong khi thầy T. ốm nhom, chiều cao chỉ khoảng 1m60 hay 1m62 gì đó (cộng luôn bề dày đế của đôi giày da mũi nhọn rộng quá khổ chân). Một sự tương phản khá hài hước. Thầy T điếng người, mặt đỏ như người say nắng biển, vội vã hỏi dăm ba câu lấy lệ rồi "mời" N về chỗ. Quyển sổ điểm được gấp lại vội vàng và bài học mới bắt đầu cũng rất nhanh chóng...
Cái sự khởi đầu năm ấy rồi cũng qua rồi mọi chuyện cũng biến thành kỷ niệm. Mà kỷ niệm lại bắt đầu từ sự nhiệt tình khá ngây ngô của cả thầy lẫn trò, lúc hai bên biết "hợp đồng tác chiến".
Còn nhớ 1 lần, thầy T có hứa sẽ dựng mô hình cho một bài toán hình học không gian khó nuốt, để học trò dễ hình dung hơn là nhìn vào hình vẽ. Vậy mà, hai lần, ba lượt thầy ... cứ quên. Lúc thì... thầy bận... học (?), lúc lại bận soạn bài cho môn dạy, lúc làm xong rồi nhưng... để quên ở... Sài Gòn? Lần cuối cùng, thầy nhớ đem theo, mà xe đò đông quá, thiên hạ chen nhau làm hỏng mất mô hình của thầy? Học trò đâu chịu tin! Học trò đòi thầy dựng mô hình ngay tại lớp. Thầy bối rối "huy động" thước kẻ với số lượng tối đa, "chấm" các em bé bỏng ở hai dãy bàn đầu (trong đó có cô nhỏ dễ thương) lên giúp thầy... dựng mô hình(?). Trời đất! Năm bảy mái tóc thề, hơn một chục bàn tay nho nhỏ, cộng thêm thầy đứng vây quanh chiếc bàn giáo sư thì... còn ai nhìn thấy được gì! Vậy là... thầy cho học trò xếp hàng một, theo từng dãy bàn có trong lớp, từ từ tiến về phía "mô hình sinh động" tham gia theo kiểu "cưỡi trực thăng... xem hoa". Vậy mà vui ghê gớm, vậy mà rất hoà bình. Cả thầy lẫn trò không ai thấy được nét ngây ngô, khờ khạo trong hành động của mình, mà còn xem như đó là 1 "kỳ tích" của thứ chỉ số IQ thuộc vào loại thông minh ?
Rồi cũng có lần, thầy nổi giận hét to như ... "Trương Phi" chỉ vì chút nghịch ngợm đi quá đà của lũ học trò thơ dại. Khiến học trò rơm rớm nước mắt tủi hờn. Còn thầy bất chợt dịu xuống như... giọt nắng cuối thu để hỏi một câu thật dễ "Ký kết hiệp ước hoà bình":
- Ôi, sao bỗng dưng các em ngoan quá vậy?
Vâng, thầy T là vậy đó - người không biết giận lâu, người rất dễ quên hờn, dễ nhập cuộc với áo trắng ngu ngơ. Thầy như một chiếc lá, tình vờ rơi xuống mặt nước hồ đang dao động của tuổi học trò, góp thêm một con sóng giao thoa nhỏ bé, rồi lại theo gió bay đi... Thầy dạy chưa hay. Học trò biết vậy, nhưng học trò không chê, mà mặc nhiên chấp nhận như một thứ kỷ niệm, xếp bên cạnh những tầng lớp kỷ niệm phải có trong tuổi ngây thơ. Bởi thầy T rất hẳn nhiệt tình (dẫu thầy càng nhiệt tình giảng giải, học trò càng... nhiệt tình ngơ ngác!). Bởi đối với thầy T, tất cả những gương mặt trong sáng ngồi bên dãy bàn học bằng gỗ dưới kia, đều được thầy xếp đồng đẳng bằng một cái "mác" học trò đơn giản. Chúng như một quần thể tập hợp từ những cá thể lạ lẫm mà thầy đang có nhu cầu khám phá và ghi nhớ. Nhu cầu hòa nhập để vô tư yêu mến, bỏ qua những cái mà thiên hạ âu yếm gọi là danh vị, tiền tài của mẹ cha chúng bên ngoài xã hội ...
Nếu có ai bảo học trò 9P1 ngày ấy - Hãy chọn ra một nhân vật kỳ lạ nhất trường. Cô nhỏ năm xưa tin chắc, cả lớp sẽ đồng lòng bỏ phiếu cho thầy - Thầy T.
3.
Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân rằng, mình đã lớn khôn. Đối với tôi, điều đó đã trở thành hiện thực. Đúng là như vậy, tôi đã lớn khôn.
Tuổi thơ của tôi thật hạnh phúc, một tuổi thơ êm đềm. Không giàu sang phú quý, nhưng tôi được sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ. Từ bé đến giờ, tôi chưa phải chịu một nỗi khổ cực nào, bởi vì tôi luôn được ba mẹ săn sóc, bảo vệ. Cứ thế, tôi đã lớn dần. Tôi càng phát triển, càng cao lớn, thì ba mẹ tôi lại dần dần già đi. Tôi đã từng làm cho mẹ khóc bởi vì tôi đã hỗn láo với mẹ, tôi đâu có biết rằng những giọt nước mắt kia là vì tôi, là vì những sai trái mà tôi đã gây ra, những giọt nước mắt kia sẽ làm cho mẹ tôi thêm già, và có khi nào, nó sẽ đưa tôi đến gần ngày xa mẹ hơn. Tôi đã từng làm ba tức giận đến mức không thể kìm nén, ba đã mắng tôi rất nhiều, đã đánh tôi vài cái, nhưng trong thâm tâm của ba chỉ muốn tôi nên người. Vậy mà tôi đã từng suy nghĩ rằng, ước gì mình lớn thật nhanh để có thể sống riêng, không phải ở chung với ba mẹ, một cuộc sống tự do tự tại, không ai có thể ngăn cấm mình điều gì, và không cần phải nghe những lời răn mắng của ba mẹ nữa.
Đúng vậy, tôi đã từng nghĩ như vậy đấy. Một ý nghĩ thật tệ hại, một ý nghĩ ngu xuẩn và của một kẻ vô ơn. Ngồi một mình trong phòng riêng của mình, tôi tự vắt tay lên trán suy nghĩ. Chỉ hai mươi, ba mươi năm nữa thôi, đến lúc tôi đã trưởng thành, thì ước mơ lớn nhất của đời mình chính là mong những năm tháng ngốc nghếch làm ba mẹ buồn lòng sẽ trở lại để tôi sửa chữa, để tôi làm cho ba mẹ vui, lại được nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ, nghe lời chỉ bảo của ba, tôi sẽ mong mỏi điều đó đến phát khóc, bởi vì có lẽ, lúc đó, ba mẹ chỉ còn trong kí ức của bản thân tôi. Tôi thoáng nghĩ đến điều này, mà trước đây tôi chưa từng nghĩ tới, bởi vì một điều rằng, tôi đã khôn lớn rồi.
Tôi đã khôn lớn vì lời răn dạy của ba mẹ. Tôi đã khôn lớn bởi vì tôi đã biết cảm nhận được nỗi đau về thể xác khi ba mẹ phải vất vả nuôi tôi khôn lớn, nỗi đau tinh thần khi nghe những lời hỗn láo từ đứa con đã rứt ruột đẻ ra của ba mẹ. Tôi đã khôn lớn bởi vì tôi đã biết suy nghĩ vì những lỗi lầm của chính bản thân mình gây ra, thay vì đổ lỗi đó cho người khác. Tôi đã khôn lớn bởi vì tôi đã biết yêu thương mọi người, chia sẻ cho mọi người, giúp đỡ mọi người thay vì chỉ đón nhận tình yêu thương, sự chia sẻ và giúp đỡ của người khác. Tôi đã khôn lớn vì tôi đã biết vui trước niềm vui của người khác, biết buồn trong nỗi buồn của mọi người, biết căm phẫn trước những bất công và biết rơi nước mắt trước những bất hạnh của cuộc đời.
Tôi đã lớn trong cả tâm hồn của mình. Tôi sẽ luôn nâng niu những hạnh phúc như một món quà mà thượng đế đã ban tặng, và trân trọng nó bằng cả trái tim. Thời gian đã trôi qua tôi một cách vô cảm, mà giờ đây tôi thấy nó quý báu như viên kim cương, và sự quý giá của nó tùy thuộc vào tôi.
Không lâu đâu, chỉ vài năm nữa thôi, tôi sẽ bước vào cuộc đời, cuộc đời của chính bản thân mình, không còn vòng tay của mẹ, không còn sự che chở của ba. Tôi sẽ tự mình bước trên con đường riêng của mình, và sẽ tự nắm lấy chìa khóa để mở cánh cửa của tương lai, cánh cửa vươn tới ước mơ của tôi.