Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
"Thực phẩm" vốn dĩ là phạm trù vô cùng quen thuộc để chỉ thức ăn hay những vật phẩm từ động vật, thực vật, vi sinh vật đáp ứng nhu cầu ăn uống cũng như trao đổi chất của cơ thể con người. Mặc dù thực phẩm có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống, sự sinh tồn của mỗi một cá thể nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung nhưng trong xã hội hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm lại bị xem nhẹ và đồ ăn, thức uống của con người lại được biết đến với cụm từ "thực phẩm bẩn" và trở thành vấn đề nan giải, nhức nhối bên cạnh những vấn đề như "ô nhiễm môi trường", "hiệu ứng nhà kính", "tai nạn giao thông",...
Thực phẩm bẩn là khái niệm để chỉ thức ăn không rõ nguồn gốc, chứa chất độc hại và không an toàn, đe dọa và thậm chí gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người dùng. Đó có thể là những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, không qua kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn được bày bán trên thị thường, đó có thể là những đồ ăn, thức uống đã hết hạn sử dụng và chuyển qua giai đoạn nấm mốc, nhiễm khuẩn nhưng không bị mang đi tiêu hủy mà vẫn được các thương lái lưu thông và trưng bày.
Hiện nay, người tiêu dùng gặp rất nhiều khó để nhận biết và phân biệt "thực phẩm bẩn", "thực phẩm sạch" bởi thực phẩm bẩn đã được ngụy trang dưới lớp vỏ bọc vô cùng tinh tế, thậm chí là bắt mắt và hấp dẫn hơn thực phẩm sạch. Dù ở vùng nông thôn hay thành thị, chúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra thực phẩm bẩn đang được bày bán một cách tràn lan và không thể kiểm soát. Bởi vậy, hình ảnh quen thuộc tại các quầy hàng, khu chợ luôn là các loại rau, củ xanh tươi, nõn nà bởi thuốc tăng trưởng và chất kích thích, hoa quả được ngâm chất bảo quản để tăng thêm thời hạn sử dụng hay thậm chí, thịt lợn được hô biến thành thịt bò chỉ trong nháy mắt qua con đường ngâm tẩm hóa chất,.... Và thực trạng trên đã dẫn đến và để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Trước hết, việc bày bán thực phẩm bẩn tràn lan gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người, thậm chí đó là những hậu quả mà con người không thể ngờ tới. Theo thống kê của Bộ y tế, trong số 969 người bị ngộ độc thực phẩm ở nước ta vào quý I trong năm 2016, có đến 669 người phải nhập viện và đặc biệt, có hai trường hợp đã tử vong. Những con số trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sức khỏe và hậu họa khôn lường do thực phẩm bẩn gây ra. Không chỉ dừng lại ở đó, chúng còn là nguyên nhân dẫn đến những căn bệnh vô cùng nguy hiểm cho con người do tác nhân của những vi sinh vật có hại gây ra.
Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến việc con người bất chấp sức khỏe để buôn bán và tiêu thụ, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, ngâm tẩm hóa chất. Từ thực tế cuộc sống, chúng ta có thể thấy rằng việc bày bán thực phẩm bẩn tràn lan trước hết xuất phát từ chính ý thức của con người. Vì lợi nhuận trước mắt, những thương lái sẵn sàng bất chấp thủ đoạn để kiếm lời trên chính sức khỏe của người tiêu dùng. Bởi vậy, những quả dứa xanh đã được hô biến với sắc vàng chín thơm, ngọt ngào sau khi trải qua khâu phun chất kích thích, rau củ quả tồn tại trên kệ bày bán trong một thời gian khá dài nhờ chất bảo quản. Ngoài ra, sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa cũng là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của thực phẩm bẩn. Bên cạnh những sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình, những sản phẩm được tạo ra từ những hóa chất độc hại cũng xuất hiện. Bởi vậy, thật không mấy khó khăn để chúng ta có thể bắt gặp những loại thực phẩm được chế biến từ nhựa, silicon,... để thỏa mãn vị giác và khẩu vị của người tiêu dùng.
Đứng trước thực trạng và những hậu quả khôn lường do thực phẩm bẩn gây ra, mỗi con người cần có những biện pháp để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính bản thân và những người xung quanh. Chúng ta cần tẩy chay nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, độc hại, bằng việc lựa chọn sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có sự kiểm định, cam kết về chất lượng. Các cơ quan chức năng cũng cần có chế tài xử phạt thật nặng đối với những cá nhân, tổ chức cố tình sản xuất, mang thực phẩm bẩn ra thị trường.
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy rằng, thực phẩm bẩn đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối và mang tính thời sự trong xã hội hiện nay. Bởi vậy, mỗi một chúng ta hãy trở thành người tiêu dùng thông thái trong cuộc chiến chống lại và tẩy chay thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |