Người phụ nữ Việt Nam từ xưa đã phải chịu nhiều thiệt thòi từ những giá trị truyền thống. Hình ảnh người Phụ nữ hiện lên trong thơ văn đặc biệt trong thơ văn Trung đại là những người cần cù chịu khó, có tấm lòng cao đẹp nhưng lại chịu những bất hạnh của cuộc đời.
Trong các bài thơ trung đại, người phụ nữ được các thi sĩ khắc họa bằng những hình ảnh chân thực, thể hiện sự thiệt thòi, nỗi bất hạnh và nỗi niềm mong muốn của họ. Trong bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, người phụ nữ hiện lên với phẩm chất thật đáng quý.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Những người phụ nữ Việt Nam trong thời đại đó chưa được coi trọng, số phận của họ đều phụ thuộc vào đàn ông, mặ dù họ là những người có phẩm chất đáng yêu đáng mến. Họ không chỉ đẹp vẻ bề ngoài mà còn rất than cao, trong sáng về tâm hồn. Dầu cho cuộc đời vùi dập, cân đong họ vẫn giữ một “tấm lòng son” trung trinh nguyên vẹn. Nhưng số phận đâu có chiều theo ý người. Thời xưa, những người phụ nữ luôn phải phụ thuộc vào xã hội, vào cha, vào chồng, vào con: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Họ không được quyết định cuộc sống của chính mình. Không chỉ vậy, số phận họ lại long đong, lận đận, chìm nổi với cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Cây thơ “bảy nổi ba chìm với nước non” gợi đến bài ca dao rất quen thuộc viết về người phụ nữ:
“Cái cò lặn lội bờ ao
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”.
Đến văn bản “Sau phút chia li”, tác giả đã thể hiện cụ thể một nỗi niềm khổ đau của người phụ nữ: chiến tranh phong kiến đã chia lìa hạnh phúc gia đình để đôi lứa phải chịu cảnh kẻ ở, người đi đầy quyến luyến, nhớ nhung:
“Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh”
Bài thơ thể hiện một tâm trạng buồn, cô đơn của người phụ nữ tiễn đưa chồng ra trận. Chiến tranh đã cướp đi của người phụ nữ ấy hạnh phúc lứa đôi. Hình ảnh “chàng đi” – “thiếp về” thật ngậm ngùi, tê tái. Chia tay chồng mà cô không muốn rời, vẫn lưu luyến. Điều đó thể hiện rất rõ qua những hành động “đoái trông theo”, “hãy trông sang”, “cùng trông lại”…
Đặc biệt là phép điệp ngữ Tiêu Tương – Tiêu Tương, Hàm Dương – Hàm Dương, thấy – thấy, xanh – xanh xanh, ngàn dâu – ngàn dâu; cùng phép tiểu đối “Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại” – “Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang”, “Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương” – “Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương”. Câu chữ như đan quyện vào nhau và lòng người cũng quyến luyến, bịn rịn chẳng muốn rời. Cuộc sống gia đình của người phụ nữ vốn nhiều nhọc nhằn này cũng chẳng được yên bình. Chiến tranh tao loạn đã chia li đôi lứa, từ nay, người thiếu phụ ấy sẽ phải ngậm ngùi sống trong cô đơn để tuổi thanh xuân qua đi trong tủi hờn.
Trong cái xã hội đầy rẫy những lễ giáo phong kiến hà khắc ấy, mỗi người phụ nữ lại có một hoàn cảnh, một tâm sự riêng, phải hứng chịu những thiệt thòi riêng.