Trong suốt hai cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh - Tổ quốc, nhân dân hiện lên kiêu hãnh trong thơ của nhiều thi sĩ. Thơ ca cách mạng đã miêu tả khá thành công hình ảnh "anh bộ đội Cụ Hồ" nhân vật trung tâm của hai cuộc kháng chiến - người chiến sĩ Việt Nam- người chiến sĩ anh hùng. Sống vì lý tưởng cao đẹp: “Trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội...” (Chủ Tịch Hồ Chí Minh).
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, anh bộ đội cụ Hồ đã nhanh chóng trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến, trở thành niềm tin yêu và hi vọng của toàn dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về anh bằng những vần thơ tươi thắm nhất, sôi nổi nhất của lòng mình. Bởi anh là Tổ quốc, anh là hôm nay, anh là mãi mãi. Anh mang trong mình lí tưởng cao đẹp. Tố Hữu đã nói hộ tình cảm của nhân dân đối với anh vệ quốc quân- những con người anh hùng thời kháng chiến chống Pháp:
Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế !
Trong một phút gặp gỡ bất ngờ nhưng nhà thơ Tố Hữu đã kịp ghi lại hình ảnh của anh và tình cảm của mình dành cho những con người ấy.
Trong bài “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu, hình ảnh đó lại hiện lên gây xúc động lòng người: Các anh là con của nhân dân. Sinh ra, lớn lên từ ruộng đồng, từ đất mẹ yêu thương:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau”
(Đồng chí - Chính Hữu)
Phần lớn người lính thời chống Pháp ra đi từ những miền quê nghèo, nơi “nước mặn, đồng chua”, với ”đất cày lên sỏi đá”... Chính sự tương đồng về hoàn cảnh đã làm cho những người ”chiến sĩ chân đất đầu trần” của chúng ta có cùng chung lý tưởng, chí hướng:
“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”
Người lính phải trải qua bao vất vả, khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật, với “những cơn sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi”, cùng “áo rách vai, quần có vài mảnh vá”... Vậy mà, họ vẫn kiên cường đạp lên tất cả, coi thường chông gai, vượt qua bao mưa bom bão đạn để chiến thắng mọi vũ khí hiện đại nhất của giặc Pháp. Điều đó đủ để thấy được tinh thần, nghị lực chiến đấu, vượt qua hiểm nguy để đến với thắng lợi cuối cùng
Những người lính ấy đã tình nguyện rời bỏ quê hương, xa rời bờ tranh, mái lá, xa cây đa, bến nước, con đò, nghe theo tiếng gọi của tiền phương. Dầu xuất thân khác nhau, dầu không cùng chung hoàn cảnh, nhưng đã chung chiến hào thì thành tình đồng đội. Rất có thể, trong số họ sẽ có người :
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(Tây tiến - Quang Dũng)
Khó khăn là thế, thiếu thốn, gian khổ là thế, dù cho “Giọt mồ hôi rơi trên má anh vàng nghệ”, dù mưa gió triền miên, dù vũ khí thô sơ, thiếu thốn... thì tình yêu quê hương, yêu đất nước luôn thường trực, luôn rạo rực, thôi thúc các anh:
“Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
áo vải chân không
Đi lùng đáng giặc”
(Nhớ - Hồng Nguyên)
Lòng quyết tâm ấy, chí căm thù ấy của các anh đã làm nên thắng lợi lẫy lừng Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” làm cho thực dân Pháp phải kinh hồn bạt vía, thế giới phải thán phục! Các anh đã làm rạng rỡ trang sử vàng của dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu đã thay mặt nhân dân cả nước vẫy chào các anh trong niềm vui đại thắng:
“Hoan hô chiến sỹ Điện Biên
Chiến sỹ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên- Tố Hữu)
Nhưng đời lính đâu phải toàn có khói bom và thuốc súng. Với một tâm hồn rộng mở, trong sáng, người lính cũng có những phút giây, những kỉ niệm thật êm đẹp, thơ mộng. Giữa cảnh núi rừng mênh mông yên tĩnh, ánh trăng vằng vặc, các anh phục kích chờ giặc tới, bỗng phát hiện ra “Đầu súng trăng treo” hay trên đường hành quân thấy "mắt đen tròn " (thương thương quá đi thôi). ..Phải có tâm hồn lãng mạn, rộng mở , người lính mới thấy được vẻ đẹp nên thơ của đất trời, con người, tạo vật .
Phạm Tiến Duật trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã tái hiện lại hình ảnh người chiến sĩ lái xe thật ung dung, yêu đời, đầy chất lính:
“Xe không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Nhìn thấy gió lùa xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim”
Và, có gì nhân hậu hơn tấm lòng của các anh:
“Chim ơi, chim ở nơi nao
Ví không có tổ thì vào ở chung”
Lòng nhân ái của các anh “Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành”. Nhưng trước kẻ thù, các anh luôn là những chiến sĩ kiên trung, quả cảm, chiến đấu hết sức mình, xả thân vì mục đích cứu dân, cứu nước:
“Đầu bị thương không rời trận địa
Giáp mặt quân thù quên hết nỗi đau riêng”
Nhưng trên hết, đẹp nhất, cao cả nhất là hình ảnh vượt trên gian khổ, sẵn sàng hy sinh, dũng cảm và bất khuất trước kẻ thù, trở thành biểu tượng dáng đứng Tổ quốc Việt Nam tạc vào thế kỷ:
“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và anh chết trong khi đang bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng
…
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam
Tạc vào thế kỷ
Anh là giải phóng quân
Tên anh đã thành tên đất nước
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất
Dáng đứng tự hào, dáng đứng Việt Nam”
(Dáng đứng Việt Nam-Lê Anh Xuân)