Trả lời: "Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp" là những thông lệ dẫn tới hệ quả là một số cá nhân bị đặt ở vị trí phụ thuộc hoặc kém thuận lợi trên thị trường lao động hoặc ở nơi làm việc vì lý do chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, quan điểm chính trị, dòng dõi dân tộc, nguồn gốc xã hội hay bất cứ lý do nào không liên quan tới công việc sẽ làm.
Phân biệt đối xử có thể diễn ra trực tiếp hoặc gián tiếp. Phân biệt đối xử trực tiếp xảy ra khi có sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi rõ ràng dựa trên một hoặc nhiều nguyên nhân. Ví dụ, quảng cáo tuyển dụng chỉ “dành cho nam giới” sẽ bị coi là phân biệt đối xử trực tiếp.
Phân biệt đối xử gián tiếp là những tình huống, biện pháp hoặc thực hành có vẻ trung lập nhưng thực tế lại tác động tiêu cực đến những người thuộc một nhóm nhất định. Về bản chất phân biệt đối xử gián tiếp rất khó nhận biết do tính chất ẩn giấu của nó, vì thế giải quyết loại này là nhiệm vụ khó khăn nhất.
Bình đẳng về cơ hội và đối xử cho phép tất cả các cá nhân phát triển đầy đủ tài năng và kỹ năng của họ theo nguyện vọng và sở thích của họ, và được hưởng quyền tiếp cận bình đẳng với việc làm cũng như các điều kiện làm việc bình đẳng.
Để đảm bảo mục tiêu hoàn toàn không có phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, nếu chỉ đơn thuần loại bỏ các thực hành có tính phân biệt đối xử thì điều đó vẫn không đủ. Bên cạnh đó, còn cần phải thúc đẩy bình đẳng về cơ hội và đối xử tại nơi làm việc và ở mọi giai đoạn của mối quan hệ lao động, bao gồm tuyển dụng, giữ chân, phát triển và chấm dứt việc làm, thù lao, tiếp cận đào tạo nghề và phát triển kỹ năng.