Người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa thường chịu nhiều bất công, bị quy định ngặt nghèo bởi những định kiến xã hội nghiệt ngã, bởi vậy những người phụ nữ này thường có số phận bất hạnh, cuộc đời bi thảm. Đồng cảm với thân phận những người phụ nữ trong xã hội phong kiến, tác giả Nguyễn Dữ đã viết tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương như để bênh vực những người phụ nữ yếu đuối bất hạnh, mặt khác nhằm phê phán, tố cáo xã hội phong kiến đã đẩy những người phụ nữ vào bi kịch của cuộc đời.
Vũ Nương là nhân vật trong câu chuyện cổ dân gian Vợ chàng Trương, mượn cốt truyện cũ để lồng vào trong đó những tư tưởng nhân đạo sâu sắc, Nguyễn Dữ đã thành công trong việc xây dựng nhân vật cũng như tình tiết của tác phẩm. Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương là một người phụ nữ đẹp toàn diện nhưng lại có một cuộc sống, số phận bi thảm, bị hàm oan nhưng không thể minh chứng cho sự trong sạch của mình.
Trước hết, Vũ Nương là một người con gái đẹp, hiền hậu “tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Vẻ đẹp nổi bật ở Vũ Nương không chỉ là vẻ đẹp của ngoại hình, mà đó còn là vẻ đẹp của phẩm chất, của nhân cách. Vũ Nương là một người biết dung hòa quan hệ vợ chồng, Trương Sinh tuy là người ít học, tính tình lại đa nghi, nóng nảy nhưng trong quá trình chung sống vợ chồng, nàng đã giữ gìn khuôn phép, không lúc nào để vợ chồng phải thất hòa.