Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ tiêu biểu. Chuyện cổ tích về loài người là một trong những tác phẩm tiêu biểu của chị.
Bài thơ đã đưa ra một lí giải về nguồn gốc của loài người. Tác giả đã hình dung được cuộc sống trên trái đất khi mới có loài người “chỉ toàn là trẻ con”. Trái đất khi đó vẫn còn trần trụi, không có một ngọn cỏ hay dáng cây, mặt trời cũng chưa xuất hiện và bóng đêm thì bao trùm khắp mọi nơi.
“Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác”
Và trời đã sinh ra trẻ em đầu tiên. Sau đó, tác giả lại lí giải cho người đọc về sự ra đời của mọi vật. Nguyên nhân của sự ra đời đó đều để phục vụ nhu cầu của trẻ em. Trước tiên là đôi mắt của trẻ em rất sáng nhưng chưa thể nhìn thấy gì, vì vậy mặt trời xuất hiện cho trẻ con nhìn rõ. Hay muốn trẻ em nhận biết màu sắc thì cây mới có màu xanh, hoa mới có màu đỏ. Không chỉ màu sắc mà còn có âm thanh được trẻ con cảm nhận khi loài chim được sinh ra với tiếng hót. Dòng sông, biển cả, đám mây, con đường ra đời cũng là để phục vụ cuộc sống của trẻ con. Người đọc có thể cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ đối với trẻ em.
Tình cảm mẫu tử thiêng liêng đã được tác giả nhắc đến qua nguồn gốc về sự ra đời của mẹ. Trẻ con cần có sự chăm sóc, vậy là mẹ đã ra đời. Người mẹ đã dành cho trẻ con sự chăm sóc từ khi mới sinh ra, cho đến khi lớn lên, trưởng thành. Người mẹ nâng niu con trong bàn tay, chăm sóc con từ cái ăn đến giấc ngủ với lời ru, tiếng hát. Những lời ru đã mở ra cho trẻ con những hiểu biết về thế giới xung quanh. Tác giả đã liệt kê ra các hình ảnh, màu sắc, hương vị xuất hiện từ lời ru của mẹ. Những câu thơ khiến mỗi người thấy thật cảm động, tự hào. Không chỉ có mẹ, người bà cũng xuất hiện trong thế giới loài người để đem đến cho trẻ con:
“Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó
Kể cho bao chuyện cổ…”
Tiếp đến, sự ra đời của bố cũng được lí giải thật tinh tế. Nhờ sự dạy dỗ của bố mà trẻ em trở nên trưởng thành hơn. Bố còn là người dạy cho trẻ biết khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống: đâu là mặt bể, đâu là con đường, núi như thế nào và trái đất ra sao… Khi đã có nói, rồi có chữ viết, có nền giáo dục. Con người được học hành và cuộc sống con người ngày một văn minh: biết mở trường dạy trẻ em học, biết đào tạo, biết “sinh ra thầy giáo” để dạy dỗ trẻ em.
Như vậy, bài thơ “Chuyện cổ tích của loài người” đã đem đến cho chúng ta một cách lí giải thú vị về nguồn gốc của con người. Bài thơ thật hấp dẫn, sáng tạo và chan chứa yêu thương.