An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà", một câu khẩu hiệu mà ai ai cũng thuộc, từ trẻ con đến người cao tuổi. Tưởng như vấn đề cơ bản được giáo dục từ bậc mẫu giáo này phải được quản lý quy củ, nhưng có lẽ, vấn đề an toàn giao thông luôn đi kèm với những câu chuyện tang thương, tội nghiệp về những vụ tai nạn thảm khốc, hay những lời cằn nhằn về tình trạng tắc đường kéo dài giờ tan tầm.
An toàn giao thông là một khái niệm dùng để chỉ những hành vi đảm bảo tính mạng cho người tham gia giao thông và trật tự, an toàn đường phố. An toàn giao thông là người dân tuân thủ và chấp hành luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không,... để bảo vệ an toàn cho chính mình khi điều khiển phương tiện hay ngồi trên phương tiện di chuyển. Với đường bộ, an toàn giao thông là những quy tắc như đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, thắt dây an toàn khi ngồi ghế xe oto, dừng lại trước vạch sơn khi đèn giao thông màu đỏ, dững đỗ xe đúng nơi quy định,... Đường sắt và đường hàng không thường ít được nhắc tới do hai phương tiện này không được sử dụng nhiều như xe máy, xe đạp, ô tô tại Việt Nam.
Thực trạng về vấn đề an toàn giao thông cho thấy, hầu hết các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn, tham gia giao thông giống như chơi một ván bài với mạng sống. Theo số liệu thống kê, chỉ trong 50 tháng kể từ cuối 2015, đã có gần 43 nghìn vụ tai nạn, làm chết gần 19 nghìn người, con số người bị thương lên tới 35 nghìn, chưa kể những trường hợp người sống thực vật hay tử vong khi đã đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chỉ trong 1 tháng vừa qua, trên địa bàn Hà Nội đã có 5 vụ thương vong do ô tô con gây ra, để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản, như vụ xe ô tô Mercedes đâm hai phụ nữ đi xe gắn máy tại hầm Kim Liên ngày 1/5/2019, khiến hai chị này ngã xuống hầm và tử vong sau khi được đưa vào bệnh viện. Chiếc xe ô tô bị hư hại nặng nề. Đó là về tai nạn, còn tình trạng tắc nghẽn, ùn ứ, ô nhiễm tiếng ồn do còi xe, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đua xe trái phép,...không đếm xuể. Đêm ngày 21/4 vừa qua, một chiếc ô tô được điều khiển bởi người có nồng độ cồn cao quá mức quy định đã mất lái tông thẳng vào dải phân cách cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, gây tử vong cho một người quét rác đang làm nhiệm vụ. Biết bao cảnh vợ mất chồng, cha mất con đã xảy ra vì tai nạn giao thông kinh hoàng trên đường phố.
Đối với người dân các thành phố đông đúc, việc về nhà vào mỗi giờ tan tầm được coi là cực hình vì sự tắc nghẽn, xe ô tô chen làn xe máy, xe máy lạng lách, tìm mọi cách, vượt cả lên vỉa hè để di chuyển. Tình trạng vượt đèn đỏ, còi xe đinh tai nhức óc là cảnh tượng thường thấy ở mỗi ngã ba, ngã tư. Thanh niên mới lớn rủ nhau tập kết đua xe vào ban đêm gây mất trật tự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư. Tất cả những thực trạng đó đều xảy ra như cơm bữa và dường như, chính quyền hoàn toàn không có cách giải quyết.
Một số ý kiến cho rằng, vấn nạn an toàn giao thông trở nên như vậy là do người tham gia giao thông không chấp hành, tuân thủ đúng luật giao thông. Nếu không vượt đèn đỏ sẽ không dẫn tới những vụ tai nạn chớp nhoáng. Nếu không lấn vạch, lề đường làm nơi buôn bán, đỗ xe đã không có sự ùn ứ, tắc nghẽn. Một phần, những người tham gia giao thông chưa chắc đã có đủ kĩ năng và trình độ điều khiển phương tiện. Hiện nay, việc mua bán, làm bằng xe máy giả diễn ra ở mọi nơi, công khai với giá dịch vụ ưu đãi để có bằng lái xe nhanh gọn. Những người mua bằng ấy khi đi ra đường, không hiểu rõ luật lễ, vô hình dung gây tai nạn cho người khác vì sự thiếu hiểu biết của mình. Phần lớn nguyên nhân vẫn quy tụ về ý thức kém, thiếu trách nhiệm, chỉ cần được đi nhanh cho xong công việc của mình mà sẵn sàng phóng nhanh vượt ẩu, bất chấp tính mạng của những người xung quanh.
Ngoài ra, việc phương tiện giao thông thô sơ, xe tự chế, xe máy dày đặc cũng ảnh hưởng tới chất lượng an toàn giao thông. Ở các nước phát triển, phần lớn người dân đi lại bằng tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt thì tại Việt Nam, xe máy là phương tiện chủ yếu vì đặc tính nhỏ gọn, dễ luồn lách. Cũng chính vì thế, đường sá ngày càng xuống cấp, ổ voi, ổ gà, thậm chí cả "ổ khủng long", các công trường xây dựng không có biển cảnh báo, nắp cống hỏng lâu ngày không được cải tạo,... Cơ sở hạ tầng yếu kém dẫn tới người dân khó khăn trong việc di chuyển, tại giờ cao điểm khi lượng người tham gia giao thông đạt cực điểm, việc di chuyển trên các tuyến phố gần như là điều bất khả thi.
Những hậu quả tiêu cực của việc mất an toàn giao thông đã và đang hiển hiện trước mắt. Số người thiệt mạng không ngừng tăng cao, các ca cứu thương người tai nạn giao thông tại các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Thiệt mạng về người dẫn tới mất mát về tài sản và vật chất, tiền chữa bệnh, phương tiện đi lại bị phá hủy, biến dạng, cầu đường bị đâm hỏng thanh chắn, cột điện, cây xanh bị đâm đổ,... Hậu quả rõ ràng nhất mà chúng ta đang phải đối mặt hàng ngày là sự ùn tắc giao thông, ảnh hưởng cả về thời gian, không khí, môi trường và cả về tinh thần người tham gia giao thông. Có thể nói, giao thông Việt Nam trở thành nỗi lo lắng lớn nhất cho du khách nước ngoài vì sự hỗn loạn, thiếu quy củ, vô ý thức của những người điều khiển phương tiện.
Đối mặt với tình trạng này, Nhà nước đã rất nhiều lần đưa ra giải pháp cả tạm thời và lâu dài. Để giảm thiểu tai nạn, luật an toàn giao thông yêu cầu người ngồi trên xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm. Tạm thời giải quyết vấn đề tắc đường, Nhà nước đã thử nghiệm thay đổi giờ học, giờ tan của trường học và công ty nhưng dường như không khả thi. Ngoài ra, công tác đẩy mạnh khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng như tàu điện, xe gắn máy cũng đang diễn ra rất chậm trễ. Chế tài xử phạt được đưa ra nhưng thực sự chưa đủ nghiêm khắc để giáo dục và răn đe, công an giao thông còn để đồng tiền chi phối. Các biện pháp tuyên truyền giáo dục cải thiện ý thức người tham gia giao thông cũng hầu như chỉ nằm trên lý thuyết, còn thực tế thì chưa thấy có sự thay đổi.