Nguyễn Du là một nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm bất hủ, trong đó nổi bậc nhất là Truyện Kiều – một bộ đại thành kinh điển của nền văn học Việt Nam từ cổ chí kim. Có thể nói tên tuổi và thành tựu văn học của Nguyễn Du rợp bóng cả thế kỉ XVIII.
Thân bài:
Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trưởng trong gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng, nhiều đời làm quan lớn và là dòng tộc có truyền thống sáng tạo nghệ thuật. Hoàn cảnh gia đình tác động sâu sắc đến cuộc đời Nguyễn Du, tài năng văn học của ông vì thế có điều kiện nảy nở và phát triển sớm.
Tuổi thơ Nguyễn Du hạnh phúc trong giàu sang phú quý. Cha ông là tể tướng trong triều, các anh cũng làm quan to cấp thượng công, gia đình tột cùng giàu sang. Lúc nhỏ, Nguyễn Du thường theo cha và anh vào chơi và học tập cùng các công nương quý tử trong triều nên sớm có được học thức cao đẹp.
Thế nhưng, thời hoàng kim ấy tồn tại không được bao lâu. Loạn lạc xảy ra, gia đình ly tán, Nguyễn Du sớm phải gánh chịu nhiều mất mát.
Lên 11 tuổi, Nguyễn Du mất cha. Hai năm sau, mẹ ông cũng qua đời. Từ đó, Nguyễn Du lưu lạc khắp nơi trong nhân gian. Lúc thì theo anh Nguyễn Khản, lúc về quê mẹ, lúc tại về thành Thăng Long. Cuộc đời gian nan, lận đận, phải gánh chịu không biết bao nhiêu cực khổ. Khi phong trào Tây Sơn thất bại, nhà Nguyễn phục hưng, Nguyễn Du có ra làm quan nhưng không mấy ưng ý. Những xung đột trong tư tưởng khiến ông có nhiều mâu thuẫn với thời cuộc.
Nguyễn Du là người có hiểu biết sâu rộng, vốn sống vô cùng phong phú, thông thuộc kinh sách cổ kim, tầm chương trích cú cũng vô cùng xuất sắc. Ông đã từng sống nhiều năm lưu lạc tiếp xúc với nhiều cảnh đời và thân phận con người trong thời đại loạn lạc, dâu bể. Khi làm quan bất đắc dĩ dưới triều Nguyễn, ông đã từng đi sứ sang Trung Quốc, qua nhiều vùng đất rộng lớn, tiếp xúc với nền văn hóa rực rỡ ở Trung Hoa. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng lớn đến sáng tác của Nguyễn Du. Ông là người có một trái tim giàu tình yêu thương, tấm lòng trắc ẩn, suy tư trước vận mệnh con người trước thời đại.
Sống trong thời đại với nhiều biến động dữ dội, cộng với tấm lòng thương người vô hạn khiến cho cuộc đời Nguyễn Du quay cuồng như một cơn bão tố. Ông vừa muốn tận trung với triều đình theo lí tưởng nho gia, vừa hướng về những số phận đau thương, bất hạnh; vừa muốn bảo vệ quyền lực phong kiến lại vừa muốn thực thi công lí ở đời. Thế nhưng, lí tưởng lúc nào cũng mâu thuẫn với thực tại, nhiều lúc ông rơi vào bế tắc cùng cực. Quan trường đối với ông là một chốn ô nhục, với quá nhiều điều trái tai gai mắt thật đáng khinh bỉ. Việc ra làm quan đối với ông là một việc bất đắc dĩ phải làm. Bởi thế, nhiều lần ông cáo lão về quê, được ân chuẩn rồi lại bị triệu hồi. Tuy được nhà vua trọng dụng, giao cho nhiều trọng trách, song ông không lấy làm vui vẻ. Ông dự định, sau chuyến đi xứ Trung Quốc lần 2, ông sẽ xin từ quan, tránh mọi phiền phức. Thật không may, ông đã mất trước chuyến đi, tại kinh thành Huế, hưởng thọ 55 tuổi.
* Sự nghiệp văn học:
Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bất hủ bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Ở lĩnh vực nào, Nguyễn Du cũng đạt nhiều thành tựu xuất sắc.
Sáng tác chữ Hán, bao gồm:
– Thanh Hiên thi tập (gồm 78 bài), viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn.
– Nam trung tạp ngâm (gồm 40 bài thơ), làm từ năm 1805 đến cuối năm 1812, ông viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh.
– Bắc hành tạp lục (Ghi chép trong chuyến đi sang phương Bắc, gồm 131 bài thơ), viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc.
Sáng tác chữ Nôm, gồm có:
– Đoạn trường tân thanh (Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột), tức Truyện Kiều, gồm 3254 câu thơ theo thể lục bát.
– Văn chiêu hồn (nguyên có tên là Văn tế thập loại chúng sinh, nghĩa là Văn tế mười loại người), là một ngâm khúc gồm 184 câu viết theo thể song thất lục bát.
– Thác lời trai phường nón (gồm 48 câu), cũng được viết bằng thể lục bát, nội dung thay lời người con trai phường nón làm thơ tỏ tình với cô gái phường vải.
– Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ () gồm 98 câu, viết theo lối văn tế…
* Đánh giá:
Nguyễn Du nổi bậc giữa bầu trời văn chương như một ngôi sao rực rỡ với ánh sáng lạ thường. Có thể nói, ông đã đem đến cho nền văn học thế kỉ 18 và nền văn học dân tộc những tiếng nói thấm đẫm tình người, được bao bọc trong hình thức nghệ thuật tuyệt đẹp chưa từng có.
Xét về nội dung, nét nổi bậc trong sáng tác Nguyễn Du chính là sự đề cao xúc cảm, dạt dào tình người. Nét nổi bậc nhất là sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh. Ông tập trung thể hiện sự trân trọng và đề cao con người trong chính cuộc sống của họ. Cái nhìn nhân đạo này khiến ông được đánh giá là một nhà nhân đạo xuất sắc của thế kỉ 18, 19 và nền văn học dân tộc.
Về mặt nghệ thuật, Nguyễn Du tỏ ra uyên bác và thâm thúy cả những thể loại thơ cổ Trung Quốc lẫn thơ dân tộc. Ở thể loại nào ông cũng tỏ ra xuất sắc, thông thạo tuyệt vời. Thơ Nguyễn Du luôn nhịp nhàng âm thanh, bừng lên sắc màu của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của bức tranh hiện thực đa dạng. Và trong bộn bề âm thanh, sắc màu, đường nét vô cùng phong phú ấy, Nguyễn Du hiện ra vừa dạt dào yêu thương, vừa trầm tư, nghiêm khắc. Đó là do bản lĩnh của một đại Nho, luôn hết lòng vì con người, khiến cho tác phẩm của ông có sức sống diệu kì trong trái tim con người.
Với những đóng góp trên Nguyễn Du xứng đáng là Đại Thi Hào của dân tộc. Sáng tác của Nguyễn Du không thật đồ sộ về khối lượng, nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng trong di sản văn học và văn hóa dân tộc. Từ Truyện Kiều đã nảy sinh biết bao những hình thức sáng tạo văn học và văn hóa khác nhau: Thơ ca về Kiều, các phóng tác Truyện Kiều bằng văn học, sân khấu, điện ảnh; rồi rất nhiều những dạng thức của nghệ thuật dân gian: Đố Kiều, giảng Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều… Đặc biệt là số lượng rất lớn những bài bình luận, những công trình phê bình, nghiên cứu.
Truyện Kiều và sự nghiệp văn học đã tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu và phê bình xưa và nay. Nguyễn Du Mộng Liên Đường Chủ Nhân khi đọc truyện Kiều đã từng nhận xét: “Ta nhân lúc đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy…”
Học giả Phạm Quỳnh cũng đã đánh giá rất cao Truyện Kiều: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn”.
Truyện Kiều được xem là kiệt tác có giá trị và tầm ảnh hường lớn nhất của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau với rất nhiều bản dịch, càng khẳng định mạnh mẽ vị trí của Nguyễn Du trong lòng đọc giả trên toàn thế giới.
Để tôn vinh và tưởng niệm Nguyễn Du, ngày 25/10/2013, hội đồng Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc đã chính thức vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới.