Học tập, tiếp thu tri thức, kinh nghiệm là một quá trình kéo dài liên tục, ở mọi lúc, mọi nơi. Học không chỉ ở trường lớp, gia đình mà còn bao gồm cả phậm vi rộng lớn hơn đó là xã hội. Điều đó được thể hiện trong câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Đi lại là nhu cầu tất yếu của con người. Khi chúng ta tham gia vào các hoạt động học tập, làm việc…thì việc đi lại, hòa nhập với xã hội là điều không thể tránh khỏi. Vậy chúng ta nên hiểu câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” như thế nào? “Đi” ở đây có đơn giản chỉ là đi lại thông thường, là di chuyển từ nơi này đến nơi khác hay không? Trước hết “đi” là đi rộng biết nhiều, là thoát li ra khỏi vòng tay bao bọc của gia đình, nhà trường. “Đi một ngày đàng” để được mở rộng tầm mắt, để thấy những điều hay, mới lạ trong cuộc sống. Từ đó có thể biết nhận định, suy xét tránh xa, lên án những điều xấu, học tập theo những điều tốt đẹp.
“Một ngày” so với thời gian một đời người là vô cùng ngắn. Tuy nhiên ông cha ta khẳng định rằng “học một sàng khôn” và “khôn” ở đây là những điều mới mẻ bổ ích. Bên cạnh đó, “sàng” từ một công cụ để lao động sản xuất, dùng để sàng gạo đã được dùng để chỉ khối lượng kiến thức lớn mà mỗi người học được sau khi “đi một ngày đàng”. Có thể thấy câu tục ngữ này hoàn toàn đúng. Mỗi chúng ta gay từ khi còn bé đã được giáo dục ở gia đình, sau đó là nhà trường. Học từ người thân, từ thầy cô, sách vở, học từ bạn bè. Tuy nhiên như vậy chưa đủ, tri thức của nhân loại rất bao la, rộng lớn. Không một ai có thể khẳng định rằng mình đã nắm hết mọi tri thức trong tay, đã biết hết mọi thứ. Mỗi người nếu chỉ có kiến thức từ trường lớp mà không có chỗ thực hành, vận dụng thì kiến thức đó mãi chỉ là những con chữ và khi bước ra ngoài xã hội sẽ không tránh khỏi sự bỡ ngỡ. Chính vì thế có câu: học đi đôi với hành, quá trình học tập phải gắn liền với lao động sản xuất, học không được tách rời thực tế.
Như vậy “Đi một ngày dàng, học một sàng khôn” là việc học tập và rèn luyện có sự kết hợp giữa ba môi trường: gia đình – nhà trường – xã hội. Ví như trong quá trình học tập ở nhà trường luôn có những giờ học ngoại khóa, những lần cắm trại, tham quan những danh lam thắng cảnh hay những di tích lịch sử. Đến với những bảo tàng lịch sử, bảo tàng dân tộc giúp học sinh mở rộng hiểu biết về tri thức lịch sử dân tộc, về cộng đồng năm mươi tư dân tộc trên cả nước. Đến với những vùng quê của các di tích phi vật thể như hội Lim, khúc hát dân ca Quan họ…ta thấy được những đặc sắc trong văn hóa dân gian,giúp ta thêm yêu những giá trị văn hóa mang tính bản sắc của dân tộc.
Bên cạnh đó, mỗi ngày chúng ta ra đường, tiếp xúc với nhiều hạng người, nhiều lứa tuổi khác nhau. Từ đó ta có thể học hỏi, biết cách ứng xử với mọi người. Ví dụ như ta ra đường bắt gặp một bạn học sinh đang dắt một bà cụ sang đường học được cách quan tâm, giúp đỡ mọi người. Gặp những điều xấu ta biết tránh và lên án. Qua đó có thể thấy câu tục ngữ “Đi mọt ngày đàng, học một sàng khôn” là một bài học vô cùng đúng đắn và sâu sắc đối với các thế hệ. Mỗi chúng ta có mười tám năm được bao bọc bởi gia đình, nhà trường tại xóm làng, quê hương. Ai cũng phải lớn lên, phải bước ra bên ngoài xã hội. Khi đó có đi nhiều, nhìn nhiều, tìm hiểu nhều và lăn lộn với đời chúng ta mới biết đường đi khó, mới thấy có lắm chông gai, thử thách.
Qua những phân tích trên, mỗi chúng ta cần xác định phương hướng học tập cho bản thân. Học không chỉ trong sách vở mà còn ở mọi người xung quanh, xã hội. Cùng với đó cần phải biết quan sát, lắng nghe và biết phân biệt cái tốt, cái xấu từ đó giúp hoàn thiện bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.