-Gió đã ngao du khắp năm châu bốn bể
Liệu có trông thấy bóng hình thầy tôi?
-Tôi có thấy người lái đò của bạn
Nụ cười của thầy thắp sáng cả bầu trời.
Câu trả lời của người bạn đến từ xứ sở Đông Bắc đem đến cái lạnh cắt da cắt thịt trên bầu trời đông tháng 11 đã sưởi ấm trái tim đang xao xuyến bồi hồi của tôi, và có lẽ là cũng của các bạn. Gió đã đem đến một tin tốt lành đến với tôi, đồng thời cũng khẳng định với tôi một chân lí không thể phủ nhận: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”.
Niềm hạnh phúc giống như một chú cò mang đến những điều tốt lành cho mỗi gia đình đang mòn mỏi chờ mong một sinh linh bé nhỏ. Thế nhưng, phép mầu nhiệm ấy khi đến với thầy cô sẽ khiến cả thế giới khoác trên mình tấm áo mới. Chúng ta đều biết rằng, “Thầy cô” là những người đã dẫn dắt ta, dạy dỗ ta biết đến những chân trời tri thức, những xứ sở nhiệm màu. Người ta thường ca ngợi thầy cô như những người lái đò thầm lặng chèo lái những vị khách – những cô cậu học trò đến với bến bờ ước mơ. “Hạnh phúc” là cảm giác mãn nguyện khi đạt được một điều gì đó mà mình mong ước. Đối với thầy cô, hạnh phúc chính là được nhìn thấy những học trò thân yêu của mình tìm thấy lí tưởng sống, đến được với ngưỡng cửa thành công, tự bước đi trên con đường đời. Niềm hạnh phúc ấy tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh vô biên làm thay đổi thế giới. Câu nói đã sử dụng biện pháp nói quá để nhấn mạnh sức mạnh của mục tiêu, mong ước đáng giá ngàn vàng của những con người cho chữ.
Barack Obama từng khẳng định: “Chương trình chống nghèo đói tốt nhất là một nền giáo dục ở đẳng cấp thế giới”. Vị tổng thống thứ 44 của Mỹ đã khẳng định rằng giáo dục có một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước nói riêng và nhân loại nói chung. Để phát triển nền giáo dục của một đất nước phải nhờ đến những người thầy, người cô đã không quản gian khó cày xới mảnh đất để ươm trồng những mầm non tươi mới. Đó chính là mục tiêu cao cả, cũng là niềm hạnh phúc gắn liền với quá trình “trồng người”. Niềm hạnh phúc sẽ chỉ hiển hiện trên khuôn mặt của những con người ấy khi mảnh đất họ vun trồng đã cho hoa, kết trái ngọt. Những cô cậu học trò khi trưởng thành sẽ trở thành những con người ưu tú, ra sức xây dựng đất nước đẹp giàu, sử dụng chính những tri thức – những món quà cùng bầu nhiệt huyết của thầy cô – để khoác lên đất nước một màu áo mới, khiến cho thế giới mang một hình hài mới, diện mạo mới. Đó chẳng phải là ý nghĩa “Thầy cô hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới" hay sao? Không những thế, khi thầy cô hạnh phúc, tâm tình sáng láng hồ hởi cũng sẽ dễ dàng truyền đạt những kiến thức cho học trò, lan toả niềm hạnh phúc ấy đến với học sinh, khiến cô cậu cảm thấy thoải mái hơn trong công việc học tập. Như vậy, kiến thức được tiếp nhận một cách dễ dàng và sâu đậm, giúp chúng ta thành công hơn rất nhiều. Một người thầy giỏi không phải là người chứa đựng quá nhiều tri thức trong bụng, mà là người có cái tâm, cái tầm.
Hãy nhìn Chu Văn An, người thầy đáng kính của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, đã dành cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục dạy học, luôn tâm niệm một triết lý giáo dục nhân văn: học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Giống như bao người thầy người cô, niềm hạnh phúc của Ông tổ của các nhà nho nước Việt là được nhìn thấy học trò thành công để giữ gìn non sông đất nước. Niềm hạnh phúc của ông gắn với thành công của học trò như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… - những anh tài đã góp công sức để xây dựng đất nước phồn thịnh. Tiếc rằng những công lao ấy không ngăn cản được sự suy vong của nhà Trần, nhưng cũng đủ để nêu lên tấm lòng trong sáng, trinh tiết, thanh cao cùng ước vọng, mong mỏi, niềm vui đáng trân trọng của người thầy được tôn là Danh nhân văn hoá thế giới này.
Đó là một cách hiểu trực tiếp về câu nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. Thế nhưng, nếu xét theo một cách nhìn khác, chúng ta sẽ hiểu “thế giới” ở đây không đơn thuần chỉ là quả cầu khổng lồ mà ta đang sống. “Thế giới” còn có thể hiểu là những suy nghĩ, cảm xúc, tâm tư, tình cảm… Nói cách khác, đó chính là thế giới nội tâm. Nếu chiếu theo góc độ này, ta có thể khẳng định câu nói ấy như sau: Niềm hạnh phúc của thầy cô sẽ dẫn tới sự thay đổi trong tâm thức của học trò. Tưởng chừng như hai điều ấy chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng thực ra lại có mối quan hệ mật thiết, gắn bó. Buồn vui của thầy cô gắn với quá trình trưởng thành, trở thành “người” của học trò. Như đã định nghĩa, niềm hạnh phúc của thầy cô chính là mục tiêu cao cả - đưa những người học trò yêu quý được đến với bến bờ tri thức. Học sinh khi hiểu được tâm nguyện và tấm lòng chân thành ấy sẽ thay đổi những nhận thức ban đầu, từ một đứa trẻ ngỗ nghịch ham chơi mà tu chí luyện rèn học tập, từ một đứa bé chỉ biết sống cho bản thân đến với con người biết sống vì người khác…Bản thân những người cho chữ khi hạnh phúc, luôn giữ trên môi nụ cười sẽ lan toả tinh thần lạc quan ấy đến với các học trò của mình, giúp học sinh không còn có cái nhìn tiêu cực, đầy căm thù hay thậm chí là sợ hãi với những môn học. Thay vì chỉ đọc câu nói “Cô giáo là người mẹ thứ hai của em” một cách giáo điều, khuôn mẫu, các em đã cảm hiểu hơn và cất lên câu nói ấy một cách chân thành từ con tim. Đó là giá trị tích cực mà niềm hạnh phúc hay thái độ tích cực mà thầy cô đem lại. Dù đó chỉ là một nụ cười nhưng có thể làm thay đổi cả một “con người” bên trong ta.
Câu nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới” rất ý nghĩa và sâu sắc. Thế nhưng trong cuộc sống vẫn còn những người không hiểu được điều ấy. Vậy mới có câu chuyện có những thầy cô luôn nghĩ rằng trọng trách của mình là một gánh nặng, trên môi chẳng bao giờ nở nụ cười vì được làm một người cầm phấn. Lại có những cô cậu học sinh ngỗ nghịch, luôn phải để thầy cô phiền lòng. Những con người ấy chỉ khiến ta chạnh lòng khi nghĩ đến câu nói này. “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”, vậy muốn là người chi phối sự biến chuyển của nhân loại, điều đầu tiên ta cần làm đó là làm cho thầy cô được vui vẻ, hạnh phúc. Muốn thế, ta luôn phải biết cố gắng nỗ lực, ra sức học tập và làm việc để đền đáp lại công ơn dạy dỗ nên người của thầy cô. Luôn biết tri ân đến những con người đã luôn miệt mài bên trang giáo án vì tương lai của con em, của chúng ta. Nhà nước và xã hội cũng phải tạo điều kiện để các thầy cô, đặc biệt là những người đang truyền đạt tri thức cho trẻ em vùng cao, có một môi trường giảng dạy tốt nhất, điều kiện sinh hoạt ổn định để họ tập trung vào sự nghiệp “trồng người”.
Câu nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới” rất có ý nghĩa. Cảm ơn gió vì đã đem đến cho tôi một chân lí sâu sắc. Mong gió hãy thay tôi đem câu nói ấy đến với thầy cô của tôi, những người đã hết lòng dạy dỗ để tôi có được như ngày hôm nay. Đặc biệt, tôi xin gửi tới người thầy dạy văn duy nhất của tôi, người mà tôi vô cùng yêu quý: Thầy ơi, người ta nói rằng: thầy cô hạnh phúc làm thay đổi thế giới. Vậy mong thầy hãy luôn vui vẻ và mỉm cười, thầy nhé! Xin được mượn những câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy để bày tỏ tấm lòng:
Dẫu đếm hết sao trời đêm nay
Dẫu đếm hết lá mùa thu rơi
Nhưng ngàn năm, làm sao
Em đếm hết công ơn người thầy…