Tư thế thân người: Bạn giữ cho thân trên hơi ngả về phía trước một góc không quá 4 - 5 độ, hai vai lắc không nhiều. Phần đầu và thân người của bạn cần giữ thẳng để các cơ cổ và cơ mặt trước được thả lỏng tự nhiên. Nếu thực hiện đúng như hướng dẫn, cơ thể của bạn khi chạy sẽ không bị quá căng thẳng, từ đó giúp cho tư thế chạy thoải mái hơn.
Động tác của chân: Chủ yếu lực đẩy cơ thể bạn chạy về phía trước trong khi chạy điền kinh chính là lực đạp sau của hai chân. Thế nhưng để chạy được hết cự li thì bạn không đạp sau gắng sức ở từng bước chạy và cũng không đạp sau với góc độ nhỏ như ở chạy giữa quãng của cự ly ngắn (50 – 55 độ). Một cách để tiết kiệm sức của hai chân chính là bạn cần đạp sau đúng hướng và phải phối hợp đạp sau với độ ngả của thân trên và các động tác của cả hai tay. Tuy nhiên, bạn cần chú ý các cơ vừa tham gia vào quá trình đạp sau lại phải được nghỉ ngơi đúng lúc, vì thế bạn hãy gập cẳng chân theo quán tính sau khi chân rời đất. Kỹ thuật này sẽ giúp người tập đưa lăng chân về phía trước với tốc độ nhanh hơn. Để tránh bị tốn quá nhiều sức lực, bạn hãy hạn chế phản lực do chống trước bằng cách chọn điểm đặt chân ở phía trước cần gần điểm rơi của trọng tâm cơ thể. Việc đạp chân có chú ý hoãn xung cũng là một điều cần thiết nên bạn hãy thực hiện thuần thục và tự động hóa.
Động tác của tay trong kỹ thuật xuất phát cao yêu cầu bạn cần đánh so le với động tác chạy của chân. Bạn cần đánh tay để giúp cơ thể giữ thăng bằng và đánh cùng lúc với nhịp thở còn giúp tần số bước chạy được điều chỉnh.
Phân phối tốc độ giữa các bước thở và bước chạy nhịp nhàng: Nếu tốc độ chạy của bạn không lớn thì ba bước hít vào và ba bước thở ra. Nếu nhịp độ chạy nhanh thì hơi thở nhanh hơn với 2 bước hít vào và 2 bước thở ra. Đến khi mệt mỏi thì nhịp thở của bạn sẽ không kết hợp với bước chạy. Khi thở, bạn cần hít bằng cả mồm và mũi, thở sâu và tích cực. Bạn cần phải chú ý hít thở sâu ngay từ những bước chạy đầu để giữ vững nhịp thở và tránh thiếu nợ oxy quá sớm.