Đoạn văn mở đầu truyện ngắn Hai đứa trẻ (1938) này hẳn rất quen thuộc với bạn đọc, đặc biệt là thế hệ sau những năm 1990 khi tác phẩm của Thạch Lam (1912-1942) chính thức được đưa vào trong chương trình giảng dạy phổ thông ở Việt Nam. Sự lựa chọn ấy thể hiện cách đọc tinh tế của những người soạn chương trình. Bởi vì trong sự nghiệp của nhà văn mất rất trẻ này (30 tuổi), khó có thể nêu ngay ra một tác phẩm thuộc đỉnh cao tiêu biểu. Nhưng người đọc đương thời của hai tờ báo Ngày nay, Phong hóa hay của nhà xuất bản Đời nay do Tự lực văn đoàn chủ trương đều dễ thống nhất với nhau ở nhận định về một chất giọng rất riêng, tài hoa của người em thứ trong gia đình gồm toàn trí thức tây học có danh vọng đương thời. Đấy là một chất thơ, một thứ nhạc lòng đọng lại trong lòng người đọc sau khi gấp trang sách.
Đoạn văn miêu tả cảnh hoàng hôn nơi phố huyện bắt đầu bằng âm thanh: tiếng trống cuối chiều. Sự hiện diện của âm thanh lẻ loi ấy nhấn mạnh sự vắng vẻ, yên tĩnh của không gian phố huyện. Nhưng sự chọn lựa này còn đánh dấu một điểm đặc biệt trong lời kể của Thạch Lam: lời kể từ điểm nhìn của hiện tại. Đó là cái khoảnh khắc của buổi chiều khi tiếng trống vang lên. Âm thanh mở đầu thiên truyện góp phần nhấn mạnh tính chất hiện tại của văn bản. Khoảnh khắc hiện tại như thế thường xuyên hiện diện trong các phần mở đầu của truyện ngắn của Thạch Lam. Hoặc là bằng những câu văn miêu tả hành động qua con mắt người kể chuyện rồi ngay sau đó điểm nhìn được chuyển sang cho nhân vật như trong truỵên ngắn Dưới bóng hoàng lan :
Thanh lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người; trên con đường lát gạch bát tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhẩy múa theo chiều gió.
Hoặc là bằng lời kể nửa trực tiếp (discours indirect libre) qua cái nhìn của nhân vật trong truyện Gió lạnh đầu mùa:
Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng mười làm nứt nẻ đất ruộng, và làm ròn khô những chiếc lá rơi.
Trạng từ hiện tại “hôm nay” của văn bản nhấn mạnh thêm vào thời điểm hiện tại của câu chuyện. Truyện ngắn trở thành là một lát cắt của dòng chảy cuộc sống như những định nghĩa thể loại kinh điển. Lát cắt ấy tươi mới và luôn sống cùng quá trình đọc chứ không khô lại sau khi rời khỏi ngòi bút tác giả. Cách mở đầu như thế khác nhiều với cách bắt đầu như ta thường gặp với những giới thiệu khái quát về nhân vật, về tình huống truyện. Nó không còn nằm trong cái khung cổ điển như T.Todorov sau này sẽ khái quát từ kiểu truyện của Mười ngày (Bocacio): một mở đầu chứa sự mất cân bằng để chuẩn bị cho quá trình tìm kiếm sự cân bằng ở cuối truyện[1]. Cốt truyện với truyện kể truyền thống do thế rất quan trọng. Còn với kiểu truyện đi tìm hiện tại thì giờ đây người đọc lao vào cuộc phiêu lưu hiện tại văn bản, “cốt truyện” mất hẳn tầm quan trọng cần thiết như với những văn bản của Proust (Đi tìm thời gian đã mất) hay Joyce