Nguyễn Quang Sáng là nhà văn Nam bộ chuyên viết về cuộc sống của nhân dân miền Nam trong hai cuộc kháng chiến và khi đất nước hòa bình. Chiếc lược ngà là truyện ngắn được ông sáng tác vào năm 1966, thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt. Trong hoàn cảnh cam go ấy, nhà văn đã gửi gắm nhiều giá trị nhân văn vào tác phẩm, một trong những giá trị đó chính là tình cảm cha con anh Sáu và bé Thu đầy xót xa và cảm động.
Câu chuyện kể về hoàn cảnh của anh Sáu và bé Thu đoàn tụ sau tám năm xa cách. Ngày từ chiến trường trở về, con bé không nhận anh là cha vì vết sẹo in dài trên má. Đến lúc bé Thu hiểu ra mọi chuyện thì anh Sáu lại phải lên đường. Niềm vui đoàn viên chưa trọn vẹn kéo theo những nỗi luyến tiếc khắp chặng đường hành quân sau đó. Ở khu căn cứ, anh dành tất cả tình cảm yêu thương tỉ mỉ mài khúc ngà voi thành chiếc lược định bụng sẽ làm quà tặng nhân ngày trở về. Thế nhưng mong muốn ấy đành dang dở vì bom đạn kẻ thù đã hạ gục anh giữa rừng cùng chiếc lược ngà gửi lại đồng đội mang về cho con. Đọc Chiếc lược ngà, ta mới cảm nhận được tình cảm gia đình đặc biệt là tình cảm cha con cao đẹp đến nhường nào. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng mà không một thứ bom đạn nào có thể tiêu diệt được.
Tình cảm của anh Sáu đối với con đã thể hiện ngay từ chuyến về phép thăm nhà sau tám năm mong mỏi được gặp con. Trong suốt chặng đường về nhà, đã không dưới một lần anh hồ hởi mong ngóng được gặp con, thậm chí khi thấy con bé đang chơi trước nhà anh “nhảy lên bờ khi xuồng chưa kịp cập bến”, “bước những bước dài” để nhanh đến bên con: “Thu! Con!”.
Tiếng gọi ngắn gọn nhưng đã chất chứa và dồn nén suốt tám năm trời để hôm nay mới có dịp bật ra thành tiếng. Thế nhưng ngược lại với những gì anh chờ đợi, đứa con chẳng những không mừng rỡ, không ôm chầm lấy anh mà “khóc thét lên” gọi mẹ. Những hành động ấy khiến người lính kiên cường trên chiến trường bất giác hụt hẫng, buông thõng cả hai tay.
Từ khi trở về, anh chẳng muốn đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà với mong muốn được gần gũi con hơn, với mong muốn con gọi anh một tiếng “Ba”, chỉ một tiếng thôi cũng đủ để xoa dịu nỗi lòng tám năm đợi chờ đằng đẵng. Nhưng anh càng muốn xích lại gần thì con bé lại càng rời xa anh. Anh dùng mọi cách, từ quan tâm, giúp đỡ đến dồn con bé vào “đường cùng” thậm chí có khi tức giận, anh đánh con bé và quát rằng: “Sao mày lì thế” nhưng cũng chẳng thay đổi được nó. May mắn thay, cuối cùng thì con bé cũng hiểu được vết sẹo găm trên má của ba nó, nhận ra được tình cảm yêu thương mà “người đàn ông lạ” dành cho nó để rồi vỡ òa hai tiếng “Ba ơi!” vào ngày tiễn anh trở lại căn cứ chiến đấu. Và cũng tại đây, tình cảm sâu nặng của anh được tập trung biểu hiện nhiều nhất.
Nỗi nhớ con đau đáu suốt những ngày ở căn cứ. Lời hứa mang về cho con gái chiếc lược chính là điều anh muốn bù đắp cho con. Cái hôm vào rừng sâu, kiếm được đoạn ngà voi, anh vui mừng hớt hải chạy về, hớn hở khoe với bạn như đứa trẻ vừa được nhận quà. Làm chiếc lược cho bé Thu trở thành công việc duy nhất mà anh làm trong những lúc rảnh rỗi. Anh bắt tay vào chiếc lược với niềm say mê, sự công phu đặc biệt. Lấy vỏ đạn 20 ly làm một cây cưa nhỏ, anh “cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”. Không lâu sau thì chiếc lược hoàn thành, anh nâng niu nó như nâng niu đứa con gái bé bỏng của mình, khi nào rảnh rỗi anh cũng “mài lên tóc” để chiếc lược thật bóng, thật đẹp. Không chỉ vậy “trên sống lưng lược có khắc một dòng chữ nhỏ mà ông đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Có lẽ mỗi khi mài chiếc lược lên tóc, anh đều hình dung ra cảnh chiếc xuồng con chưa cập bến, con bé đã ra đón anh ở gốc cây trước cửa, sẽ ôm anh, hôn anh và vui mừng khôn xiết khi thấy chiếc lược bằng ngà mà anh làm tặng. Nhưng đau đớn thay, anh hy sinh khi chưa kịp trao tay con gái chiếc lược ngà mà chỉ kịp trăn trối nhờ đồng đội thực hiện lời hứa thay anh.